Phóng to |
Khi họp đoàn ở Tỉnh đoàn Bến Tre thì những cái nắm tay thật chặt giữa các thế hệ đã gần như không thể rời nhau được nữa. Lửa đã được truyền qua những cái nắm tay ấy.
Đi để trẻ lại
Mái tóc óng ả dài tới thắt lưng xưa kia của cô Ba Du (Ca Lê Du) trong “đội quân tóc dài” nổi tiếng của Bến Tre nay đã bạc trắng, lơ thơ quá vai. “Cuộn lại chỉ còn bằng trái nhãn” - cô cười móm mém và chìa cho mọi người xem cái cột tóc bằng nhung phụ trợ. Ấy nhưng những nếp nhăn trên gương mặt cô hôm nay giãn ra nhiều, nét cười còn in rõ những duyên dáng, yêu kiều ngày trước. Cô bảo: “Đi với báo Tuổi Trẻ thật vui, nhớ lại thời trẻ của mình ngày trước. Khi tham gia cách mạng lần đầu cô mới 16 tuổi, hăng hái lắm, không biết mệt, không sợ gì, chỉ một lòng chiến đấu vì hòa bình, thống nhất”. Tham gia đội quân tóc dài, cô Ba Du bốn lần bị bắt, tra tấn, giam cầm, “nhưng tui vẫn đứng vững khi nghĩ đến cha mẹ, anh em mình đã đi tập kết, sống chiến đấu ngoài miền Bắc. Lời hẹn hai năm tổng tuyển cử bị phá vỡ khiến gia đình ly tán, quê hương điêu tàn”. Cô đã vượt qua 20 năm như thế.
Hôm nay ngồi trên xe, cô Ba Du liên tục đấm bóp đôi chân vì nhức mỏi nhưng xuống xe là lại xăng xái đi từ nhà lưu niệm phong trào Đồng khởi đến khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Định. Cô bảo: “Giờ tui vẫn phải chiến đấu với bệnh tật, với tuổi già. Với những ước nguyện của tuổi trẻ khi xưa, nay đã được nhìn thấy hòa bình, thống nhất, cuộc sống đã khá hơn xưa nhưng cũng còn nhiều việc phải làm, phải sửa đổi. Chúng tôi đều đã già, việc ấy cậy nhờ lớp trẻ...”.
Sáng nay 22-9, các đại biểu sẽ tham dự tọa đàm “Khát vọng tuổi 20” tại khu căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Trước đó, trong ngày 21-9, các đại biểu của hành trình về nguồn “Ngọn lửa tuổi trẻ” đã dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ (TP.HCM). Sau đó đoàn di chuyển về Bến Tre và tham quan nhà lưu niệm phong trào Đồng khởi (xã Định Thủy, Mỏ Cày), khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (huyện Ba Tri), khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định (Giồng Trôm). Tối cùng ngày, lúc 20g, chương trình giao lưu nghệ thuật “Ngọn lửa tuổi trẻ” đã diễn ra tại công viên Hùng Vương, TP Bến Tre và được truyền hình trực tiếp trên HTV9. |
Cùng một ý với cô Ba Du, bà Út Thắng (Nguyễn Thị Khao) - nguyên bí thư tỉnh đoàn, trưởng ban đấu tranh chính trị đội quân tóc dài Bến Tre - cười hiền lành giữa những cơn thở mệt, di chứng những trận tra khảo thời chiến tranh: “Nay đi với các em lây được một chút sức trẻ, tuổi 83 của tôi như lùi lại một bước. Nói vậy chứ tuổi trẻ của các em cũng phải dấn bước lên mới kịp chúng tôi nghen”.
Xe đi qua chợ Mỏ Cày, xã Định Thủy, An Bình - những “đấu trường” khi xưa đội quân tóc dài của cô đã mang hết sức trẻ, nhiệt huyết, tình yêu thương, cả mồ hôi, máu và nước mắt để phục vụ các đợt đấu tranh chính trị, bà Út Thắng bồi hồi: “Các em ngày nay hơn chúng tôi nhiều lắm: thông tin, học vấn, cơ hội. Nhưng cũng có những cái các em thiệt thòi hơn chúng tôi ngày xưa: đó là niềm tin vào lý tưởng. Tôi biết niềm tin trong giới trẻ đang bị giảm sút, và điều đó thật nguy hiểm. Các em cần được những người đi trước củng cố lòng tin, và cũng cần tự xây dựng cho mình niềm tin vững chắc nữa. Có vậy mới tránh được hụt hẫng, mới có bản lĩnh để phân biệt trắng - đen, phải - trái trong cuộc sống hôm nay. Khi xưa chúng tôi chiến đấu, ta - địch được phân biệt rất rõ ràng, ngày nay phải đối mặt với “đạn bọc đường” các em cần phải bản lĩnh và dũng cảm hơn chúng tôi nữa”.
Đứng giữa sân nhà lưu niệm phong trào Đồng khởi, quanh những mõ gỗ, hầm bí mật bằng lu nước, những hình ảnh của một thời hào hùng, ông Mười Khích (Nguyễn Hồng Khích) - một trong những chiến sĩ trẻ của tiểu đoàn 307 năm xưa - hào hứng bắt nhịp “Lẻ bảy, tiểu đoàn lẻ bảy, anh hùng biết mấy, oai hùng biết mấy...”. Giọng già xen lẫn giọng trẻ, giọng nam lẫn giọng nữ, bản tráng ca cất lên. Không nhắc nhiều về thời tuổi trẻ “tiếc gì máu rơi” của mình, ông chỉ nói ngắn gọn khi được hỏi: “Khi xưa thanh niên chúng tôi có hai chữ “sẵn sàng” trong tim, trong huyết quản của mình. Các bạn thanh niên ngày nay năng động, mạnh mẽ hơn chúng tôi nhiều, còn có “sẵn sàng” hay không thì phải chờ chứng minh”.
Thêm lửa
Cho rằng mình may mắn khi tình cờ được tham dự chuyến đi này khi về thành phố tham dự đại hội đoàn Quân chủng hải quân, thượng úy Lê Ngọc Chung, chính trị viên nhà giàn DK1/20, bày tỏ: “Tôi hiểu hòa bình của hôm nay đã được đánh đổi bởi xương, bởi máu và bởi sinh mệnh của người đi trước. Tôi gắn tuổi thanh xuân của mình với Trường Sa, nếu nói theo xu hướng đi lên của tuổi trẻ thì có thể coi là một thiệt thòi, nhưng xét về góc độ cống hiến thì lại là niềm vinh dự, tự hào. Tuổi trẻ cũng không nên bình lặng quá đến nỗi dễ lãng quên phải không?”.
Được gặp “người thật” của đội quân tóc dài, tiểu đoàn 307, xem những “việc thật” từ các hiện vật của Đồng Khởi ở Định Thủy (Mỏ Cày), Giồng Trôm, Ngô Phan Hà Châu - cô sinh viên đã khởi phát chương trình “Góp đá xây Trường Sa” bằng một nắm đất - tâm sự: “Hình ảnh các chị, các mẹ ở xứ dừa thật ấn tượng. Chính những chuyến đi như thế này cho mình thêm niềm tin, thổi thêm lửa để mình tiếp tục các hoạt động dành cho tuổi trẻ”. Sau mỗi chuyến đi, những điều học được Châu đều chia sẻ cho các bạn của mình qua những buổi nói chuyện ở quận đoàn, và cả những buổi cà phê.
Hành trình chỉ mới khởi đầu, và những ngọn lửa vẫn còn đang tiếp tục được truyền tay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận