06/02/2017 14:05 GMT+7

Ngồi xe lăn, sửa máy tính, bán vé số mưu sinh

TẤN ĐẠT
TẤN ĐẠT

TTO - Ngồi xe lăn, cầm tuavit để sửa chữa laptop, cố gắng diễn đạt từng chữ một với khách hàng, đó là hình ảnh cần mẫn của người thanh niên khuyết tật Võ Ngọc Hiếu (22 tuổi, phường Phú Tân, Bến Tre).

Ngọc Hiếu chăm chú sửa chữa máy tính cho khách hàng - Ảnh: NVCC
Ngọc Hiếu chăm chú sửa chữa máy tính cho khách hàng - Ảnh: NVCC

Chào đời vừa mới một ngày, cơn sốt bại liệt cướp đi đôi chân cùng cánh tay trái của Hiếu. Bạn chỉ còn vỏn vẹn cánh tay phải với khả năng hoạt động 70% cùng chuỗi ngày dài chông chênh của cuộc đời gắn liền với chiếc xe lăn.

Hiếu kể bạn đã rất thích thú khi lần đầu được chạm vào máy tính. “Lần đó, mình tình cờ mượn máy tính của dì Út vì tò mò, rồi thấy máy tính có nhiều ứng dụng, công cụ giúp ích cho nhiều người.

Thế là mình ước mơ được học cái nghề sửa chữa máy tính. Lúc đó, mình mới học lớp 5 à!”. 18 tuổi, bạn được gia đình cho đi học tin học văn phòng tại trung tâm gần nhà.

“Do mới sử dụng, mà con chuột nhỏ quá nên mình không điều khiển được gì... rồi thầy trả về nhà” - Hiếu kể.

Vượt qua mặc cảm, khó khăn, Hiếu quay trở lại trung tâm tin học và “năn nỉ”: “Thầy ơi! Cho em một cơ hội nữa”. Sau đó, thầy lấy con chuột với kích cỡ lớn hơn để Hiếu sử dụng.

“Lúc đó thầy nói với mình sao bữa trước không nói sớm để thầy đem ra, làm cũng tốt quá nè”. Từ lời động viên của thầy, bạn tự tin hơn và trở thành học viên chính thức của trung tâm.

Kết thúc khóa tin học 3 tháng, Hiếu bắt đầu “cuộc mưu sinh” với công việc chép nhạc và bán điện thoại. Chưa toại nguyện với ước mơ còn dở dang, bạn tiếp tục học thêm một năm nữa về sửa chữa máy tính ở một tiệm tư nhân, rồi về mở một tiệm nhỏ ở nhà.

Nhớ về những ngày ấy, Hiếu tâm sự: “Lúc đầu, học phần mềm máy tính còn nhớ nhớ, đến phần cứng... thì hay mau quên. Nhưng từ từ cũng học được thôi. Có khi mình làm cháy mạch điện tử, mấy anh chị trong tiệm chỉ nhắc nhở và động viên chứ không có rầy la gì hết”.

Ngoài việc sửa chữa máy tính, bạn còn tranh thủ những lúc không có khách để đi bán vé số, buổi tối cùng những người bạn của mình đi điều chỉnh âm thanh tại các đám tiệc nhỏ.

“Mình luôn mang theo đồ nghề khi đi bán vé số, nếu ai gọi sửa máy tính thì làm luôn. Trường hợp máy hư hỏng nặng thì phải chở về nhà” - Hiếu nói.

Chị Hồng Loan, buôn bán tại chợ Chùa, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Hiếu đi bán vé số nhiều chỗ lắm, rồi ôm thêm cái máy tính nữa, khi nhìn chiếc xe lăn chỉ thấy cái máy tính chứ không thấy nó đâu”.

“Cũng có lúc mình đi bán vé số về mà buồn rười rượi, không muốn ăn cơm - Hiếu nhỏ giọng - Vì tay mình yếu nên nhờ người khác giúp đỡ chút, thế là họ nạt và nói mình làm phiền, nên mình xin lỗi và đi chỗ khác”.

“Gia đình khá giả ăn bao nhiêu cũng hết. Chỉ có tự sức mình lao động thì mới biết quý trọng đồng tiền” - Hiếu tự tin nói.

“Đến giờ mình vẫn không quên được cảm giác sung sướng khi sửa được cái máy tính và kiếm được 150.000 đồng đầu tiên” - vẻ mặt Hiếu rạng rỡ nhớ lại.

Chị Thúy Vân, dì Út của Hiếu, cho biết: “Gia đình chỉ giúp mấy chuyện căn bản như đóng học phí hay ủng hộ tinh thần để Hiếu vượt qua, còn lại mọi thứ đều do Hiếu tự suy nghĩ và thực hiện để tự lập và lo cho cuộc sống chính mình”.

TẤN ĐẠT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên