14/10/2019 13:11 GMT+7

Ngôi trường vui vẻ ở miền Tây

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Ở ngôi trường ấy, thầy trò cùng nhau trồng rau làm từ thiện, cô giáo mời họp phụ huynh mỗi 1-2 tháng để tuyên dương những em trả lại của rơi, giới thiệu các loại rau giàu vitamin giúp các con khỏe, mau lớn...

Ngôi trường vui vẻ ở miền Tây - Ảnh 1.

Học sinh thích thú tham gia các giờ học bên cạnh luống rau - Ảnh: NGỌC TÀI

'Vui lắm', 'Thích lắm' từ lâu đã trở thành câu cửa miệng của thầy và trò Trường tiểu học Giồng Găng, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

Đó là những tiết chào cờ được chờ đợi nhất tuần khi những em trả lại của rơi được cả trường tuyên dương, hoặc những giờ học vui vẻ bên luống rau, vừa nhổ cỏ, bắt sâu rồi hái rau bán gây quỹ giúp trò nghèo.

Từ nhật ký trả của rơi

Năm học 2018-2019, trong sổ nhật ký trả của rơi của Trường tiểu học Giồng Găng ghi nhận có hơn 170 lượt, còn mới mấy tháng đầu năm học này số lượt trả của rơi cũng hơn 40. Lớn thì 4 lượng vàng, điện thoại, nhỏ thì đôi ba ngàn, cây bút, hộp viết, đồ chơi. 

Dù ít hay nhiều đều được thầy cô ghi lại bằng những dòng chữ nắn nót. Và hình ảnh các em ùa nhau lên văn phòng Đội để báo với thầy cô mình vừa nhặt được của rơi đã trở nên quá thân quen.

Thầy Huỳnh Văn Quang, tổng phụ trách Đội, vừa nhắc đến hành động trả của rơi của học trò mình liền lấy cho chúng tôi xem một chiếc hộp đặc biệt. Hộp được làm bằng kính trong suốt, có khóa cẩn thận. Bên trong có rất nhiều tờ tiền giấy đúng chất học trò, không thẳng thớm, không gấp lại mà cuộn tròn vừa nắm trong lòng bàn tay.

"Vì có nhiều lượt nhặt được tiền mà không có người nhận lại, nhà trường làm chiếc hộp này để cất giữ. Đến cuối năm khui ra, kiểm đếm cẩn thận rồi chọn các em hoàn cảnh khó khăn để phát quà vào đầu năm học mới. Khi thì đồng phục mới, khi thì tập viết. Năm rồi tổng kết lại được hơn 1 triệu đồng, mua quà cho bốn em" - thầy Quang nói.

Không chỉ văn phòng Đội có chiếc hộp đặc biệt mà thầy hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Đảm cũng thủ sẵn một chiếc hộp ở phòng làm việc. 

"Có khi các em không tìm thấy thầy tổng phụ trách liền chạy thẳng lên phòng tôi để đưa. Mình liền ghi ngay tên các em lại để thứ hai tuyên dương. Các em thích lắm mà thầy cô cũng rất vui" - thầy Đảm cười tươi chia sẻ. 

Kế hoạch sắp tới nhà trường sẽ có thư khen cho các em nhiều lần nhặt của rơi trả lại để các em vừa có ký ức đẹp, vừa có thư khen làm kỷ niệm.

Ngôi trường vui vẻ ở miền Tây - Ảnh 2.

Em Nguyễn Trần Phương Phương, lớp 3B, vui tươi khi được khen ngợi hành động đẹp trả lại của rơi - Ảnh: NGỌC TÀI

Đến những tiết học ngoài trời hào hứng

Nội dung họp phụ huynh lớp 2A còn có thêm tiết mục bán rau gây quỹ. "Rau này do cô chủ nhiệm và học trò của lớp trồng. Quý phụ huynh sáng nay chưa mua rau thì mua ủng hộ cho cô trò nghen. Tiền này gây quỹ giúp học sinh khó khăn hoặc tổ chức liên hoan, sinh nhật các em" - cô Lê Tuyết Hạnh, giáo viên chủ nhiệm, rao. Chỉ chốc lát, bốn gói rau được phụ huynh mua hết, mỗi gói 20.000 đồng, cô trò đều rất vui công bố số tiền thu được.

Cô Hạnh là một trong những giáo viên năng nổ trong công tác phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh. Trung bình 1-2 tháng cô sẽ tổ chức họp phụ huynh ngắn gọn khoảng 30 phút ngay sau khi tan trường. Nội dung không đóng khuôn cứng nhắc mà còn lồng ghép những nội dung thường nhật như giới thiệu các loại rau giàu vitamin, giúp các bé khỏe, mau lớn để phụ huynh nắm bắt vận dụng vào bữa ăn hằng ngày, hay tuyên dương những em trả lại của rơi...

Những luống rau gây quỹ được nhà trường dành riêng một khoảnh sân. Mỗi lớp một luống, rau trồng cũng đa dạng chủng loại. Đó không chỉ là nguồn vui mỗi tiết học bên ngoài lớp mà còn là cách khuyến khích các em hình thành tính cách san sẻ công việc với gia đình, kỹ năng làm việc nhóm và nhất là biết yêu thương bạn bè.

Bên cạnh các luống rau, vừa bước vào cổng Trường tiểu học Giồng Găng là mô hình bản đồ Việt Nam được trồng bằng các loài hoa bắt mắt. Bản đồ ngoài chú thích rõ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, kèm hình ảnh thực tế còn có thêm những chỉ dẫn thành phố lớn của cả nước. 

Mô hình được thầy và trò vun trồng từ cuối năm ngoái và bắt đầu có những tiết học thực tế ngay từ năm học này. Đây là một việc nhỏ nhưng đầy sáng tạo của thầy cô dành cho học trò của mình, giúp các em học địa lý một cách trực quan, sinh động, nhớ lâu và quan trọng hơn là ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Hay như hồ bơi của trường, một trong những trường biên giới hiếm hoi mà hồ bơi còn hoạt động tốt. "Lúc trước hồ bơi xuống cấp nặng, giếng nước ở xa phải bơm một ngày một đêm mới đủ nước. Nên tiết học bơi cũng rơi rụng dần. Sau này thầy cô bàn với nhau phải sửa bằng mọi cách để các em biết bơi trong bối cảnh đuối nước quá nhiều. Các em biết bơi mình cũng nhẹ một phần lo" - thầy Đảm chia sẻ.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Trường tiểu học Giồng Găng trở thành trường điểm của những mô hình hay, sáng tạo của huyện Tân Hồng. Năm học vừa rồi trường cũng "ôm" gần hết danh hiệu như cờ thi đua của tỉnh, liên đội xuất sắc... Nhưng có lẽ với thầy và trò, mỗi ngày đến trường là một ngày vui chính là phần thưởng lớn nhất.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Đảm cho biết về phần giáo viên, nhà trường vừa sắm chiếc máy đo huyết áp kết hợp kiểm tra đường huyết để phục vụ thầy cô. Nhiều người thầy, người cô quanh quẩn với phấn trắng, bảng đen chưa một lần được khám sàng lọc, trong khi điều kiện nhà trường có hạn không thể hỗ trợ tập thể thầy cô khám sức khỏe định kỳ. Thế là lãnh đạo trường nảy ra sáng kiến mua chiếc máy này.

Ngôi trường không tiếng đọc bài, học trò chủ yếu xới đất, trồng hoa... Ngôi trường không tiếng đọc bài, học trò chủ yếu xới đất, trồng hoa...

TTO - Không sách vở, không tiếng đọc bài, không làm bài tập… những bài học ở Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí (Củ Chi, TP.HCM) hầu hết là những buổi hoạt động ngoài trời như cắt cỏ, xới đất, trồng hoa, cho cừu ăn, quét dọn, và... học nói.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên