22/03/2013 05:49 GMT+7

Ngôi trường thanh niên tuổi 40

QUỐC NGUYÊN
QUỐC NGUYÊN

TT - 40 năm qua, người ta vẫn gọi đó là ngôi trường thanh niên dù có bao thế hệ cán bộ làm công tác thanh niên, thiếu nhi của TP.HCM đã học tập và trưởng thành từ ngôi trường ấy.

qhWNIB02.jpgPhóng to
Lãnh đạo Trường Đoàn Lý Tự Trọng trao đổi cùng các học viên của trường tại buổi tọa đàm sáng 21-3 - Ảnh: Q.NGUYÊN

Từ yêu cầu cần có nơi đào tạo cán bộ làm công tác thanh niên thời chiến mà Trường Huấn luyện cán bộ thanh niên - tiền thân của Trường Đoàn Lý Tự Trọng - ngày nay đã ra đời. Hôm qua 21-3, nhiều thế hệ cán bộ Đoàn xuất thân từ trường đã ngồi lại bên nhau trong tọa đàm “Trường Đoàn Lý Tự Trọng - 40 năm tiếp lửa cán bộ Đoàn”.

Một thời gắn bó

Nhắc chuyện cũ, anh Nguyễn Xuân Ngọc (bí thư Đoàn khối Bộ Xây dựng) kể hồi đó đi học mà nghèo quá, cũng may lãnh đạo Trường Đoàn thương, cho anh tá túc một góc trường và anh đã ở đó suốt mấy năm trời. “Ngôi trường này chính là nơi đã chắp cánh cho tôi rất nhiều trong cuộc sống, để tôi nhận rõ đam mê của mình với công tác Đoàn và gắn bó đến nay” - anh Ngọc chia sẻ. Chị Thanh Trúc (Quận đoàn 9) phát biểu: “Chính trường Đoàn đã giúp khơi trong tôi ngọn lửa đam mê công tác vì trước khi đến đây học, tôi vừa thiếu kỹ năng cần thiết, vừa không biết thế nào là làm công tác thanh niên”.

Bí thư Quận đoàn 3 Lâm Ngọc Mẫn bảo rằng mình không có may mắn được học lâu ngày, chỉ theo những khóa huấn luyện ngắn ngày tại trường khi còn là bí thư chi đoàn khu phố, nhưng những gì đã học từ đây mãi là dấu ấn không quên. Anh Mẫn bày tỏ: “Tôi nhận ra mình đã thay đổi rất nhiều. Tôi hoạt bát hơn, kỹ năng quản trò khá hơn, ngôn ngữ hình thể bộc lộ rõ nét hơn sau khi từ trường trở về”.

Mời dự lễ kỷ niệm

Trường Đoàn Lý Tự Trọng sẽ mừng 40 năm thành lập trường (26-3-1973 - 26-3-2013) tại địa chỉ: số 3 Dân Chủ, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức (TP.HCM). Ban giám hiệu nhà trường trân trọng kính mời các anh chị là học viên các thế hệ, những anh chị đã từng gắn bó với trường các thời kỳ cùng tham dự lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào lúc 9g sáng thứ bảy 23-3.

Với chị Phan Thị Thanh Phương, Trường Đoàn đã xuất hiện trong ký ức từ những ngày còn là đội viên khi được đến đây cắm trại. Ký ức ấy lớn dần theo năm tháng khi chị trải qua các khóa huấn luyện lúc còn là cán bộ Đoàn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) cho đến đại học, trở thành cán bộ Đoàn chuyên trách Trường ĐH Khoa học tự nhiên và hiện là phó Ban thanh niên trường học Thành đoàn. “Trường Đoàn không chỉ là niềm tự hào vì là một cơ sở của Thành đoàn mà còn trở nên gắn bó thân thiết với bao thế hệ cán bộ Đoàn TP” - chị Phương tự hào.

Đòi hỏi đổi mới

Cuộc trao đổi như gợi mở của hiệu trưởng Trường Đoàn Vũ Anh Tuấn là “để mong được lắng nghe tất cả những gì các bạn muốn nói với trường” đã thu nhận khá nhiều hiến kế. Anh Nguyễn Xuân Ngọc cho rằng giáo viên của trường cần tiếp cận những vấn đề thanh niên từ thực tế cuộc sống diễn ra và đúc kết thành bài giảng song song với giáo dục truyền thống, truyền lửa đam mê công tác cho học viên.

Chia sẻ phát biểu này, chị Thanh Phương bổ sung: “Ngoài nhiệm vụ đào tạo, tôi nghĩ trường còn phải làm tốt nghiên cứu về công tác thanh niên, có khảo sát thường xuyên xem nhu cầu thực tế, hiện tại của các bạn là gì. Chưa kể trường là nơi tiếp xúc, ghi nhận ý kiến của nhiều cán bộ Đoàn nên hoàn toàn có thể là một kênh phản biện cho hoạt động Đoàn”.

Chị Dương Thị Ngọc Thương (Q.4) mong muốn trường có thể tổ chức học kỳ cán bộ Đoàn dành cho học sinh như dạng học kỳ quân đội để khơi trong các bạn lòng yêu thích làm cán bộ Đoàn, ý thức trở thành thủ lĩnh thanh niên. Trong khi đó anh Hồng Sơn (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đề xuất trường nên xen kẽ đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho học viên cùng với chuyên môn để có thể tìm ngay được giáo viên cho trường từ chính học viên, không đợi tuyển giáo viên bên ngoài về rồi lại mất thời gian gửi đi đào tạo nghiệp vụ sư phạm.

“Tôi kỳ vọng đây còn là nơi có thể tư vấn, hướng dẫn khi có những phát sinh trong phong trào thanh niên, để các cơ sở Đoàn tìm ra cách làm mới qua tư vấn của nhà trường chứ không đơn thuần chỉ làm nhiệm vụ đào tạo, tập huấn cán bộ” - anh Đinh Xuân Tỏa (ĐH Văn Lang) đặt vấn đề. Còn anh Nguyễn Thanh Trúc (Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM) đề nghị phải tăng thời lượng thực hành hơn để học viên cọ xát thực tế mới có thể công tác tốt sau khi ra trường vì chương trình hiện nay lý thuyết khá nặng.

Trao đổi thông tin, phó hiệu trưởng Trường Đoàn Hà Tài Sáu cho biết trong thiết kế khung chương trình sắp tới, trường đã xây dựng 2/3 thời lượng dành cho việc thực hành, linh động trong việc tổ chức lớp và sẽ có thêm những lớp liên kết mở tại cơ sở chứ không nhất thiết chỉ tổ chức tại trường. “Chúng tôi đã nghĩ đến tiêu chuẩn ISO cho trường về nội dung, phương thức đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên và cả kỷ luật của học viên. Điều này chắc phải làm lâu dài chứ không thể có ngay trong năm nay” - anh Sáu phát biểu.

Nâng chất giảng dạy và giáo viên

Bên lề cuộc tọa đàm, hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng Vũ Anh Tuấn đã trao đổi với Tuổi Trẻ về hướng đi sắp tới của ngôi trường thanh niên. Anh Vũ Anh Tuấn cho biết:

- 40 năm hình thành và phát triển, Trường Đoàn Lý Tự Trọng đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 200.000 lượt cán bộ Đoàn - Hội - Đội cho phong trào thanh thiếu nhi TP, cung cấp nhiều lớp cán bộ cho Đảng và chính quyền.

* Đâu là những dấu ấn đáng nhớ của trường trong 40 năm qua, thưa anh?

- Mỗi năm, ngoài việc trường đào tạo khoảng 800 học viên, tập huấn và bồi dưỡng cho 8.000 cán bộ Đoàn - Hội - Đội của TP, chúng tôi còn hỗ trợ đào tạo cán bộ Đoàn cho nhiều tỉnh, thành miền Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây nguyên. Ở tuổi 40, Trường Đoàn mang diện mạo mới hiện đại hơn với sức chứa 1.000 học viên.

* Trường đã chuẩn bị gì cho việc nâng cấp thành Trường cao đẳng Thanh niên Lý Tự Trọng thời gian tới?

- Chủ trương này có từ nhiệm kỳ 2007-2012 và tiếp tục được khẳng định trong nghị quyết Đại hội Đoàn TP nhiệm kỳ 2012-2017. Các bước thực hiện đề án đang được hoàn chỉnh và theo đúng quy định của Bộ Giáo dục - đào tạo. Nhà trường xác định quan trọng nhất là nâng chất đội ngũ giảng viên, công tác quản lý để đảm bảo chất lượng của trường cao đẳng. Bí thư Thành đoàn mới đây cũng yêu cầu trường phải hoàn thành bổ sung đội ngũ, bộ máy quản lý ngay trong quý 2-2013.

Dự kiến trường sẽ đào tạo bậc cao đẳng các ngành xã hội, văn hóa kết hợp giữa chuyên môn với nghiệp vụ công tác thanh niên cho sinh viên.

QUỐC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên