17/04/2014 02:14 GMT+7

Ngôi trường "nhất nghệ tinh"

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Ba lần liên tiếp trong các năm 2012, 2013, 2014, Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức luôn đoạt giải nhất tập thể Hội thi học sinh giỏi nghề do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.

tnJB0zlu.jpgPhóng to
Học sinh hệ trung cấp Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức thi nghề điện lạnh trong Hội thi học sinh giỏi nghề 2014 - Ảnh: Q.Linh

Hầu hết giải cao nhất đều thuộc về các học sinh nghề của ngôi trường này, thậm chí đội tuyển năm thành viên đi thi thì cả năm đều có giải. Đó là nỗ lực không chỉ một ngày một bữa của cả thầy và trò.

Rèn tình yêu nghề nghiệp

Là thí sinh có tổng điểm 29/30 ở cả hai phần thi lý thuyết và thực hành, Nguyễn Đình Sơn - giải nhất nghề hàn, cũng là nghề lần đầu tiên được đưa vào hội thi năm 2014 - nói “mình đã tự tin hơn với nghề đã chọn từ kết quả này”. Sơn từng làm thợ hàn ở quê Nghệ An cả năm trước khi quyết định vào Sài Gòn theo học bài bản nghề hàn. “Hàn trong tư thế quỳ gối là một yêu cầu không dễ của đề thi năm nay. Kết quả thi ấy vừa là niềm vui vừa giúp tôi khẳng định mình đã chọn đúng nghề” - Sơn chia sẻ.

Cũng như Sơn, giải nhất nghề điện tử Trần Trung Hiếu cũng có hơn một năm làm việc tại một công ty điện tử trong Khu công nghệ cao TP.HCM trước khi đăng ký học tại trường. Hiếu thừa nhận dù được các thầy giúp ôn luyện kỹ, chuẩn bị tâm lý đi thi nhưng ngay khi hoàn thành bài thi lý thuyết không như ý, Hiếu cũng có chút lo lắng khi bước vào phần thực hành. Thở phào với kết quả cao nhất của nghề điện tử, Hiếu không chỉ tin rằng mình đã chọn đúng nghề mà nhờ đi thi kiến thức cũng được củng cố chắc hơn, biết thêm các kỹ năng khác hữu ích cho công việc sau này.

Duy nhất anh chàng Võ Văn Phụng - giải nhất nghề điện công nghiệp - là chưa từng làm gì liên quan đến nghề đang học. Như bạn bè, thành công của lần thi này giúp Phụng thêm quyết tâm gắn bó với công việc tương lai. Đi thi mạnh ai nấy làm, với một khối lượng công việc không nhỏ và cả tâm lý hồi hộp trong phòng thi đã giúp Phụng học được kỹ năng xử lý công việc một cách độc lập. “Nhờ đi thi mà mình đã có cơ hội chia sẻ thêm nhiều điều từ bạn bè các trường bạn, tự kiểm tra kiến thức mình đã học cũng như khả năng của mình khi đối diện với áp lực của công việc trong một khoảng thời gian dự thi nhất định” - Phụng cho biết.

Tạo đất dụng võ cho trò

Bí thư Đoàn trường Huỳnh Thiên Vũ cho biết thường trong tháng 2 hằng năm, trường đã cơ bản hình thành các đội tuyển chuẩn bị dự thi cấp TP. Có kết quả cao nhất hội thi tay nghề cấp trường thôi chưa đủ, những thành viên của từng đội tuyển đại diện trường đi thi còn phải đảm bảo là những bạn có ý thức kỷ luật và kết quả rèn luyện tốt. “Chúng tôi xác định phải làm tốt việc tổ chức để chọn được nhân tố tốt nhất cho các hội thi cấp cao hơn nên hằng năm Đoàn trường đều phối hợp với các khoa để tuần tự tổ chức hội thi tay nghề tại các khoa, sao cho bạn nào cũng có cơ hội tham gia” - anh Vũ nói.

Nhiều năm bồi dưỡng và dẫn học trò đi thi, thạc sĩ Tôn Ngọc Triều, trưởng khoa điện - điện tử của trường, cho biết khi đã thành lập được đội tuyển, các giảng viên của khoa sẽ được phân công tổ chức ôn luyện thêm ngoài giờ cho trò. Những giờ luyện tập thêm này sẽ giúp trò nhuần nhuyễn hơn trong thao tác và thầy sẽ giải đáp bất kỳ thắc mắc nào của trò.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, khẳng định điều nhà trường quan tâm nhất chính là các em sau khi rời trường có được làm việc

đúng với tay nghề mình đã được đào tạo hay không. Vì vậy, các hội thi tay nghề vừa là sân chơi học thuật nhưng cũng là cơ hội để học sinh hệ trung cấp của trường bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm nghề sau này nên mọi cơ sở vật chất, nhân lực hiện có của trường đều phục vụ tối đa cho việc tổ chức này.

Theo bà Lý, trường chủ động ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp và mời chính các doanh nghiệp này cùng tham gia giảng dạy một số chuyên đề tại trường. “Các đơn vị này cũng hỗ trợ tổ chức, làm giám khảo trong những hội thi tay nghề của trường. Điều này vừa giúp nhà trường nhận ra chất lượng tay nghề học sinh do trường đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu thực tế công việc chưa, đồng thời cũng là dịp cập nhật, bổ sung kiến thức mới trong khung chương trình đào tạo của trường” - bà Lý chia sẻ.

Học kỳ doanh nghiệp

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong thiết kế chương trình đào tạo của trường có một phần gọi là “học kỳ doanh nghiệp”. Gọi là học kỳ nhưng thường chỉ có vài tuần, các sinh viên, học sinh của trường sẽ được đưa đến các doanh nghiệp có ký kết hợp tác với trường để học và bắt đầu làm quen với chính môi trường thực tế của các doanh nghiệp mà sau khi tốt nghiệp các bạn sẽ làm.

Sinh viên một vài khoa đã tham gia học kỳ này và hiện tại giảng viên khoa công nghệ thông tin của trường đang tham gia học kỳ này tại một số doanh nghiệp. Giảng viên sẽ làm việc và được hưởng lương như một nhân viên của doanh nghiệp ấy. Chính thời gian này sẽ giúp các thầy cô cập nhật kiến thức thực tế và bổ sung kịp thời những thay đổi mới vào khung chương trình đào tạo của ngành nghề mình đang phụ trách.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên