14/06/2015 08:44 GMT+7

Ngôi trường của ông Lộc

THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI
THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI

TT - Hơn 20 năm trước, học sinh các xã Tân Hòa, Vĩnh Thới, Đình Hòa, Phong Hòa muốn học lên cấp III phải ra thị trấn Lai Vung (Đồng Tháp) học. Đường xa, nhiều em phải bỏ ngang việc học.

Ông Lộc quây quần cùng học trò Trường THPT Lai Vung 2 - ngôi trường do ông cùng những người trong ban vận động xây dựng - Ảnh: N.T.
Ông Lộc quây quần cùng học trò Trường THPT Lai Vung 2 - ngôi trường do ông cùng những người trong ban vận động xây dựng - Ảnh: N.T.

Em nào trì chí lắm thì dựng chòi gần trường học, cuối tuần đạp xe hơn 20km về nhà lấy gạo, mắm muối tiếp tục hành trình.

Thấy xót xa, ông Võ Văn Lộc (xã Tân Hòa, huyện Lai Vung) bàn với những người bạn “hay là mình vận động xây trường đi mấy ông”. Không ngờ chỉ một câu nói của ông Lộc đã nhận được nhiều cái gật đầu của nhiều người. Sau khi bàn bạc và phân công cụ thể, cả nhóm túa ra đi vận động.

“Ngày khởi công xây trường, bà con kéo đến coi đông lắm. Họ thấy mình quyết tâm, một mặt họ ủng hộ vật chất, một mặt họ góp ngày công. Mấy ngày đó ai cũng thấy trong lòng có niềm vui khác lạ” - ông Lộc nhớ lại.

Ba phòng học tạm bợ, bé xíu trở thành địa điểm sinh hoạt, học tập của cả học sinh lớp 10 và thầy cô. Năm học đầu tiên tạm ổn, đến năm thứ hai thầy cô phải nhường phòng học cho học sinh. Thấy vậy, ông Lộc và nhóm vận động xây trường tiếp tục chạy đôn chạy đáo mượn một điểm khác gần trường để thầy cô có chỗ nghỉ ngơi. Đến năm thứ ba các lớp học bị quá tải trầm trọng, ông Lộc lại trằn trọc không yên.

“Không thể vận động người dân mãi được. Tới nước này hổng lẽ buông xuôi. Bất chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu. Hay là đi gặp giám đốc Sở GD-ĐT xin thêm phòng học”.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp khi đó là ông Lê Vũ Hùng. “Đường sá khó khăn, tui đi cả buổi trời hỏi ngược hỏi xuôi mới đến nơi. Sau khi xin cái hẹn, vào gặp ổng tui moi hết ruột gan ra mà nói. Vì đã trót hứa với bà con phải mang tin mừng về nên tui ráng thuyết phục tới khi ông Hùng gật đầu mới chịu về” - ông Lộc nhớ lại.

Ít hôm sau, ông Hùng xuống tận nơi, mời UBND bốn xã cùng ban giám hiệu các điểm trường và ông Lộc đến làm việc. Sau buổi làm việc, sở đồng ý xây dựng thêm ba phòng học mới tinh tươm. Nhắc lại những ngày đầu thành lập Trường THPT Lai Vung 2, thầy Cao Thanh Nghị - nguyên hiệu trưởng - chia sẻ: “Những ngày tháng cùng người dân xây dựng Trường THPT Lai Vung 2 là quãng thời gian mà tôi nhớ mãi. Đó là những ngày ai nấy đều mệt lả nhưng trong lòng hân hoan không thể tả. Lại có những buổi tối mọi người quây quần tìm cách gỡ khó, dù cách biệt tuổi tác, công việc cũng không ai giống ai nhưng tất cả đều quyết tâm chừng nào bàn xong mới về. Rồi ngôi trường cũng hoàn thành, không mấy khang trang nhưng đã đem lại hạnh phúc không hề nhỏ cho cô bác, thầy cô và các em học trò”.

Ông Lộc có tổng cộng chín người con thì bảy người theo nghề “gõ đầu trẻ”. Nếu tính luôn cả dâu, rể và cháu thì đại gia đình ông có đến 18 người công tác trong ngành giáo dục tại các trường trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh lân cận, trong đó có hai người con hiện là giảng viên Trường đại học Đồng Tháp. Hiện ông Lộc đang là chủ tịch ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Lai Vung 2 và chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Hòa.

THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên