18/11/2018 13:35 GMT+7

Ngôi trường của những trẻ bị lạm dụng tình dục ở Pakistan

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - 10 năm qua, bà Zeba Husain gây dựng và duy trì thành công ngôi trường Mashal đã cứu giúp và thay đổi cuộc đời của gần 1.000 trẻ em nghèo đường phố tại vùng ngoại ô thủ đô của Pakistan.

Ngôi trường của những trẻ bị lạm dụng tình dục ở Pakistan - Ảnh 1.

Bà Zeba Husain bên những đứa trẻ được bà giúp đỡ ở ngôi trường Mashal gần thủ đô Islamabad, Pakistan - Ảnh: CS MONITOR

Ở vùng ngoại ô thủ đô Islamabad của Pakistan, có một khu vực rất xa lạ với những chiếc xe hạng sang, những ngôi trường tư đắt đỏ và những tuyến phố trật tự, ngăn nắp của thành phố. 

Ở đây, quanh ngôi đền Bari Imam, chỉ có những ngôi nhà gạch nằm ven các con đường bẩn thỉu, những thằng nhóc mặt mày lem luốc chào mời khách rửa xe với giá cực "bèo" chỉ một đô-la và những em gái áo quần rách rưới, trùm khăn đứng bán hoa cho người đi cầu nguyện nhà thờ.

Nhưng cách không xa ngôi đền đó là một ngôi trường đặc biệt, nơi giúp những đứa trẻ nghèo đường phố được học hành, an ủi. Bà Zeba Husain, ở độ tuổi 50, là sáng lập viên của ngôi trường đó - trường Mashal. Mỗi khi bà bước vào cổng, các em học sinh luôn đón chào bằng những nụ cười thật tươi. 

Ngày nào cũng thế, những dòng người không dứt nối tiếp nhau tìm tới phòng làm việc của bà. Đó là các bà mẹ, những tình nguyện viên đến từ các trường đại học quanh vùng và nhiều nhà hảo tâm tìm tới trợ giúp.

Rõ ràng sống giữa cộng đồng đó, bà Husain được mọi người vô cùng yêu quý. Nhưng với ngôi trường Mashal này, hành trình từ những ngày đầu cho tới diện mạo như hôm nay - với gần 1.000 học sinh, 4 chi nhánh khắp thủ đô Pakistan, và 790 cựu học sinh giờ đã được chuyển vào học chính thức trong hệ thống giáo dục công lập - là không hề đơn giản. "Tôi đã bắt đầu chỉ với hai đứa trẻ 10 năm trước đây" - bà Husain nói.

Nguyên cớ sâu xa để người phụ nữ này tận hiến cả đời mình cho những đứa trẻ bắt đầu từ chính những trải nghiệm khó quên lúc trẻ. Thời nhỏ bà từng bị quấy rối tình dục khi đi học ở trường, và vào những năm 1970, trong một thời gian ngắn ở London (Anh), bà cũng từng nếm trải cảm giác bị phân biệt chủng tộc. 

"Việc bị quấy rối và không thoải mái là điều thực sự đã ngấm sâu vào cảm giác của tôi. Tôi có thể thấy là một người cần được giải thoát khỏi những điều này, khỏi tình trạng bị bóc lột" - bà chia sẻ với trang CS Monitor. 

Chính khoảng thời gian làm việc cùng những người tị nạn trong khuôn khổ các hoạt động của Liên Hiệp Quốc tại Pakistan đã giúp bà thấu cảm nỗi cùng cực của nhiều người. "Đó là điều đã thay đổi cuộc sống của tôi vì tôi chưa bao giờ chứng kiến nỗi khổ sở cùng cực ấy" - bà nói.

"Một số người trong chúng ta bị cùng đường. Tôi đã thấy quá nhiều người tự tử vì chính sự tuyệt vọng của bản thân" - bà nói tiếp. Sự tuyệt vọng này là điều bà Husain có thể nhìn thấy trong mắt những đứa trẻ đường phố tại Bari Imam khi bà lần đầu tiên gặp chúng 10 năm trước. 

"Tôi nhìn thấy những đứa trẻ này. Tôi hỏi chúng "Các cháu không tới trường sao?" và chúng đáp "Chẳng ai trông coi chúng cháu, chẳng ai cần chúng cháu cả"".

Ngôi trường này là phao cứu sinh của tôi. Nó cũng đang giúp tôi sống. Tôi đang làm một việc để giúp người khác, nhưng nó cũng đang giúp tôi và chữa lành bản thân tôi

Bà ZEBA HUSAIN

Bà Husain đã từng di cư tới Mỹ cùng cha mẹ và các con sau khi ly hôn. Nhưng sau khi người cha bất ngờ qua đời, bà thuyết phục mẹ trở lại Pakistan. Đó cũng là thời gian bà phát hiện mình có khối u ở não. 

"Tôi đã khóc rất nhiều - bà nói - Nhưng khi đó có một ước mơ đã giúp tôi nhận ra mình có một lý do để thấy cuộc đời chỉ mới bắt đầu". 

Khối u sau đó được chẩn đoán lành tính, nhưng bà Husain hiểu đã tới lúc bà cần hành động để thực hiện ước mơ giúp đỡ người nghèo.

Bà Husain nói với đám trẻ rằng bà sẽ bắt đầu dạy chúng học. Nhưng công việc này rốt cuộc lại phức tạp hơn bà tưởng, vì cái bọn trẻ cần trước tiên chính là giải quyết những vấn đề sức khỏe. Thế rồi dần dà bà cũng bắt đầu dạy chúng mỹ thuật và thể thao. 

"Tôi không bắt đầu từ những thứ được quy định theo khuôn khổ vì chúng đã nhiều ngày phải tự vật lộn với cuộc sống của mình. Chúng cần sự thay đổi" - bà giải thích.

Khi ngôi trường đông đúc hơn, nhiều phụ nữ trong vùng cũng ghé tới góp một tay giúp bà Husain. Buổi học trên trường được sắp xếp để lũ trẻ vẫn được nghỉ buổi chiều đi làm kiếm sống. Nếu không thế, việc thuyết phục các gia đình cho chúng đi học rất khó khăn. 

Ngay giáo trình giảng dạy cũng được tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu của trẻ. Bà Husain thêm vào các môn học như dinh dưỡng và vệ sinh, những môn mà hầu hết các trẻ em Pakistan khác sẽ được học ở nhà. Chưa hết, nhiều học sinh trong trường còn mắc các vấn đề về hành vi ứng xử.

"Xảy ra rất nhiều chuyện bắt nạt, ăn cắp, cấu véo, cắn nhau và cả lạm dụng tình dục trong lớp. Chúng tôi đã phải dần giải quyết những chuyện này trước rồi sau đó mới giảng dạy kiến thức" - bà Husain cho biết.

Cũng theo người phụ nữ này, hầu hết các em nhỏ tới học ở trường đều đã từng bị lạm dụng tình dục trên đường phố. Tại khu vực của họ, vẫn còn những gã đàn ông dùng tiền dụ dỗ các em. 

Vì nghèo khó, nhiều cha mẹ chấp nhận để con họ kiếm tiền theo cách đó, bất kể các em còn nhỏ và công việc nhạy cảm thế nào. Tại ngôi trường Mashal, bà Husain đã xóa bỏ những chuyện này và giúp đứa trẻ nhận ra đâu là mối quan tâm và đam mê thực sự của chúng.

Rất nhiều học sinh của bà Husain giờ đã hoàn thành chương trình đào tạo. Một số em đã ra đời, đi làm, trở thành người lương thiện với những gì học được từ ngôi trường của bà Husain. “Trong quá khứ các em từng là những người lượm rác. Và điều tuyệt vời là giờ đây tất cả các em đều muốn làm gì đó cho người khác” - bà chia sẻ.
Ngôi trường dạy bơi, nhạc, tiếng Anh... miễn phí

TTO - Hè năm nay, nhiều đứa trẻ ở vùng quê nghèo xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vui hơn vì có một ngôi trường dạy nhạc, tiếng Anh, bơi, võ thuật miễn phí...

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên