06/12/2020 11:20 GMT+7

Ngôi trường cổ tích ở Tắk Pổ

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Sáng 5-12, một nghi thức đơn sơ theo phong tục Ca Dong trên triền núi đỉnh Ngọc Linh đã được tổ chức với sự chủ trì của vị già làng. Đó là lễ đặt viên gạch đầu tiên cho công trình điểm trường Tắk Pổ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Ngôi trường cổ tích ở Tắk Pổ - Ảnh 1.

Bản thiết kế điểm trường Tắk Pổ. Dự kiến cuối năm sau sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng

"Hôm nay già làng có mặt ở đây xin các vị thần linh, các Yang núi, Yang sông... chứng giám cho công trình điểm trường Tắk Pổ. Đây là món quà của người miền xuôi, các thầy cô giáo mang lên để tặng cho con cháu trong làng Tắk Pổ" - già làng Nguyễn Đình Nớ, làng Mô Rỗi, đứng giữa triền dốc trong cơn mưa ướt sũng, cầm lọn trầu cau và lễ vật, mắt ngược lên lim dim đọc lời cúng cho nghi thức động thổ điểm trường Tắk Pổ.

Hiện thực hóa giấc mơ

Biết tin đoàn công tác lên làm lễ động thổ xây trường, nhiều thầy cô giáo ở Trường Trà Tập khấp khởi đón đợi. Việc đặt viên gạch đầu tiên cho ngôi trường nhiều duyên nợ này được kỳ vọng không chỉ bởi sẽ giúp học sinh vùng cao có một chỗ ngồi học khang trang, mà là sự hiện thực hóa một giấc mơ dài về câu chuyện đẹp của Tắk Pổ từ ngày khai giảng năm học 2019 tới nay.

"Chúng tôi đã nhận được nhiều tấm lòng đến với trường và các nhà tài trợ hỗ trợ xây trường. Có những lúc tôi và các thầy cô đã nghĩ dự án có thể sẽ không thực hiện được. Nhưng khi thấy anh em vượt đường xa, đi bộ lội rừng ngược núi lên tới trường bỗng nhiên khóe mắt mình cay cay" - hiệu trưởng Trường Trà Tập - thầy Lê Huy Phương mặc áo mưa, đứng ở đầu con dốc, đi bộ dẫn lên điểm trường Tắk Pổ nói với đoàn lúc trời nhá nhem tối 4-12.

Ngôi trường cổ tích ở Tắk Pổ - Ảnh 2.

Tuyến đường mới được mở đi vòng các dãy núi để lên điểm trường Tắk Pổ

Nam Trà My là huyện bị mưa lũ vùi dập tả tơi suốt hai tháng qua và chứng kiến nhiều sự kiện đau thương nhất của tỉnh Quảng Nam. Sau một ngày di chuyển từ TP Đà Nẵng, gần 19h tối trong cơn mưa ướt sũng đoàn mới có mặt ở điểm trường chính để từ đây bắt đầu hành trình lội bộ ngược núi lên với Tắk Pổ. 

Trong đêm tối, dưới những ánh đèn pin le lói xuống dẫn đoàn lội bộ có rất nhiều bà con ở Tắk Pổ đã đứng đợi từ giữa trưa. Cô Trà Thị Thu - giáo viên phụ trách điểm trường này năm 2019 - nói rằng biết có người từ TP.HCM lên đặt viên gạch đầu tiên tặng cho con em đồng bào vùng cao ngôi trường mới, đích thân nóc trưởng Hồ Văn Tiến đã dẫn những thanh niên mạnh khỏe nhất xuống núi để cõng đồ đạc.

"Lần này đón anh em lên xây trường, dù đường xa, chúng tôi rất tự tin vì đã có đường mới được mở dẫn lên làng thay vì lối đi bộ luồn qua các khe suối như trước đây. Đường đã mở, nghĩa là thầy cô cũng sẽ đỡ vất vả hơn, và cũng có nghĩa là việc xây trường sẽ không mịt mùng mông lung như thời điểm cuối năm 2019 khi các nhà tài trợ và báo Tuổi Trẻ đặt vấn đề" - thầy Lê Huy Phương nói.

Ngôi trường cổ tích ở Tắk Pổ - Ảnh 3.

Ông Lê Thanh Hảo (trái) và thầy Lê Huy Phương (phải) cùng già làng làm lễ cúng động thổ công trình điểm trường Tắk Pổ sáng 5-12 - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Chúng tôi không coi đây là một ngôi trường mà là một món quà tình cảm và yêu thương cho những gì cô trò Tắk Pổ đã thể hiện và đang có.

Ông Lê Thanh Hảo (chủ tịch Cộng đồng cựu sinh viên AIT tại Việt Nam)

Không lo thiếu nguồn lực

Ông Lê Thanh Hảo - chủ tịch Cộng đồng cựu sinh viên AIT tại Việt Nam, đơn vị tài trợ xây trường - xúc động nói: "Chúng tôi đã dự định và đặt lịch, kỳ vọng rất nhiều để công trình này sớm khởi công nhưng suốt một năm qua mọi việc quá khó khăn. Đại dịch COVID-19 kéo đến làm cả xã hội bất an, chúng tôi không lo thiếu nguồn lực, nhưng cái khó nhất là chọn thời gian để lên với Tắk Pổ. Không ít lần đặt vé máy bay để lên đường nhưng lại phải hoãn vì dịch, rồi bão lũ vùi dập miền Trung".

Ông Hảo chia sẻ rằng từ ngày đặt chân lần đầu lên điểm trường nằm dưới chân núi Ngọc Linh này, mọi thành viên trong cộng đồng đã đặt quyết tâm rất cao và kỳ vọng cho lễ động thổ. Nhưng tới cuối tháng 9, khi đã gần một năm từ ngày lời hứa với Tắk Pổ được gửi đi, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. 

"Cuối tháng 10, khi mưa bão đổ dồn dập vào miền Trung liên tục, anh em chúng tôi ngồi đọc báo, tìm thông tin về Tắk Pổ mà nóng lòng. Khi thấy ngôi trường tơi tả, nghiêng đổ hôm 28-10 trong cơn bão lớn, chúng tôi sững sờ. Đây không chỉ là một lời hứa, mà là một duyên nợ buộc chúng tôi phải hành động" - ông Hảo nói.

Gần 20h ngày 4-12, sau hơn 1 giờ đi bộ lên tới nơi, ông Hảo đã đề nghị thầy hiệu trưởng trực tiếp dẫn mình đi khảo sát hiện trạng của điểm trường này. Trở lại Tắk Pổ với bản thiết kế điểm trường mới trên tay, ông Lê Thanh Hảo không giấu được nỗi xúc động. 

Theo ông Hảo, thời điểm năm 2019 khi lần đầu tiên lên khảo sát và ra ý tưởng, các kiến trúc sư trong cộng đồng đặt vấn đề khá lớn để biến Tắk Pổ thành một công trình điểm nhấn. Nhưng do đường sá quá khó khăn, trên cơ sở tham vấn ý kiến nhà trường, địa phương, phương án đã được điều chỉnh.

Bản thiết kế hiện thực của Tắk Pổ là một khối nhà kiên cố, đúc bằng bêtông cốt thép, kiến trúc bám sát địa hình và văn hóa đồng bào bản địa. Trường sẽ được xây dựng trên tổng diện tích hơn 200m2 sàn, nền được đúc móng bằng bêtông cốt thép dày đặc để chống chịu được mưa bão, sạt lở, lũ quét. 

Công trình gồm ba dãy phòng học, phía ngoài được ốp gạch thẻ tuân thủ không gian, phía trong được bố trí đầy đủ các công năng gồm nơi giảng dạy, học tập cho cô trò vùng cao, phòng ngủ cho giáo viên, nhà vệ sinh khép kín...

Một năm đặc biệt của cô Trà Thị Thu

co tra thi thu 1(read-only)

Cô Trà Thị Thu (phải) bàn giao công việc tại Tắk Pổ cho cô giáo mới lên thay là cô Nguyễn Việt Thảo - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Sau một năm "gây bão" với lễ khai giảng 5-9-2019 trong trẻo trên núi cao, đầu năm học 2020-2021 cô giáo Trà Thị Thu đã được điều động về điểm trường chính để dạy học, kiêm thêm việc quản lý bán trú cho hơn 300 học sinh. Thay cô Thu để ngược lên Tắk Pổ là hai cô giáo trẻ, đều chưa lập gia đình gồm cô Nguyễn Việt Thảo (26 tuổi) và cô Nguyễn Thị Bích Nguyên (24 tuổi).

Suốt hai ngày theo đoàn lên động thổ xây trường, cô Trà Thị Thu không rời bước chân của các thành viên. Cô Thu cho biết từ ngày lễ khai giảng của cô trò Tắk Pổ tổ chức và nhận được tình cảm của nhiều đồng nghiệp, người dân khắp cả nước, cô đã trải qua một năm đặc biệt.

Không chỉ nổi tiếng trên mạng xã hội, cô còn liên tiếp nhận được các giải thưởng lớn dành cho người trẻ dấn thân cống hiến. Đặc biệt, ngày 14-11 cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời ra Hà Nội tôn vinh là nhân vật truyền cảm hứng của giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục 2020 (tác phẩm "Ngày khai giảng trong trẻo trên đỉnh Ngọc Linh" mà cô Thu là một trong hai nhân vật chính đã được trao giải nhất và giải đặc biệt).

Cô Thu còn được mời tới gặp mặt tại Hội trường Quốc hội, là nhà giáo trẻ tuổi nhất trong các nhà giáo tiêu biểu của cả nước năm 2020 được Đảng, Nhà nước mời ra Hà Nội tuyên dương.

Cuối năm tới trường sẽ mọc lên

Đón nhận niềm vui công trình điểm trường Tắk Pổ được hiện thực hóa, thầy Lê Huy Phương không giấu nỗi âu lo khi thời tiết ở vùng cao vẫn tiếp tục những ngày mưa lớn.

"Việc vận chuyển vật liệu lên vô cùng gian nan, chi phí đội lên cả nhân công lẫn tổng dự toán. Với bản thiết kế mà phía AIT đưa ra thì dưới đồng bằng sẽ chỉ mất khoảng 1 tỉ đồng, nhưng khi đặt ở Tắk Pổ thì ít nhất phải 2-3 tỉ đồng. Chúng tôi đã có lòng quyết tâm, nhưng...".

Nghe nỗi niềm này, ông Lê Thanh Hảo cho biết dù khó khăn tới đâu thì muộn nhất cuối năm tới, ngôi trường khang trang, trong trẻo nằm giữa những hàng cau già cũng sẽ mọc lên. "Đây là lời cam kết chứ không chỉ là lời hứa" - ông Hảo nói.

Ngôi trường cổ tích ở Tắk Pổ - Ảnh 8.

Cô Trà Thị Thu, thầy Lê Huy Phương và ông Lê Thanh Hảo - đơn vị tài trợ đang khảo sát thống nhất phương án chuyển vật liệu lên xây điểm trường

Ngôi trường cổ tích ở Tắk Pổ - Ảnh 9.

Bản thiết kế điểm trường Tắk Pổ

Ngôi trường cổ tích ở Tắk Pổ - Ảnh 10.

Bản thiết kế điểm trường Tắk Pổ

Điểm trường Tắk Pổ hư hỏng vì bão, giáo viên mượn nhà dân dạy học tạm thời Điểm trường Tắk Pổ hư hỏng vì bão, giáo viên mượn nhà dân dạy học tạm thời

TTO - Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, điểm trường Tắk Pổ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bị hư hỏng nặng, để kịp chương trình giảng dạy giáo viên phải mượn nhà dân mở lớp học tạm thời.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên