Trường Đoàn Lý Tự Trọng phải khẳng định là nét riêng vì chỉ duy nhất Thành Đoàn TP.HCM có ngôi trường dành riêng đào tạo cán bộ làm công tác thanh niên trong hệ thống tỉnh, thành Đoàn cả nước. Bao thế hệ cán bộ Đoàn - Hội - Đội của TP.HCM và nhiều tỉnh khác đã cùng trau dồi kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng và trưởng thành từ đó.
Là một trong những hiệu trưởng của trường này, ông Hoàng Đôn Nhật Tân cho rằng để có thể đào tạo và cho ra những thế hệ cán bộ Đoàn tốt, trường cần lắng nghe sự thay đổi của xã hội hôm nay và nắm bắt tâm lý thanh niên.
Ông nói sự tác động của công nghệ, bối cảnh xã hội chuyển động không ngừng, đặc biệt thế hệ Z đặt ra yêu cầu cần có những công trình nghiên cứu khách quan và khoa học mới có thể đồng hành, làm bạn với thanh niên.
Có khá nhiều đầu bài được đặt ra tại hội thảo nhân 50 năm thành lập trường được tổ chức ngày 25-3. Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp Huỳnh Minh Thức đặt hàng cùng với đào tạo, trường hãy truyền cho các bạn tâm thế làm cán bộ Đoàn. Lý giải, anh Thức nói nhiều bạn hôm nay chưa sẵn sàng mà "bị làm cán bộ Đoàn" vì nhiều lý do.
Bí thư Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM Nguyễn Đăng Khoa chia sẻ với suy nghĩ này và kỳ vọng Trường Đoàn sẽ thiết kế chương trình đào tạo sao cho "người học muốn học, có động lực đi học".
Theo anh Khoa, không thể chỉ dựa vào nguồn giáo viên cơ hữu của trường, nên mở rộng mạng lưới thầy cô, báo cáo viên từ chính những cựu cán bộ Đoàn, người có tình cảm và luôn sẵn sàng chia sẻ với Đoàn.
Một cách thẳng thắn, ông Phạm Chánh Trực - hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đoàn Lý Tự Trọng - nói nội dung đào tạo của trường hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Và ông chỉ ra: "Đào tạo phải đi từ lý luận cơ bản, trường phải nắm chắc điều này mới có thể dẫn dắt, định hướng đào tạo vì thanh niên hôm nay rất trí tuệ, năng động. Đó là cách dĩ bất biến ứng vạn biến với ngôi trường đào tạo cán bộ làm công tác thanh niên, thiếu nhi trong thế giới thay đổi chóng mặt hiện nay".
Thừa nhận có nhiều nỗ lực song đúng là rất khó đáp ứng hết yêu cầu đặt ra, hiệu trưởng Trường Đoàn Huỳnh Ngô Tịnh chia sẻ vẫn thường xuyên chuẩn hóa nội dung, chương trình đào tạo. "Trường nghiêm túc tiếp thu các góp ý từ hội thảo để hướng tới điều chỉnh, cân đối đào tạo giữa lý luận - nghiệp vụ - kỹ năng công tác", anh Tịnh nói.
Câu hỏi được Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương đặt ra, cũng là trăn trở của chính đội ngũ chính là sau 50 năm, hướng đi của ngôi trường đặc biệt này sẽ là gì và phải trả lời được điều đó. Bởi ngoài nhiệm vụ đào tạo cho TP.HCM, trường còn hỗ trợ đào tạo cán bộ Đoàn cho nhiều tỉnh phía Nam, và gần đây còn là hai tỉnh Champasak và Attapeu của nước bạn Lào. Đề án nâng cấp thành trường cao đẳng thanh niên trên cơ sở hiện có đã bàn từ lâu, đến nay vẫn chỉ đang hoàn thiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận