Nó không có một tuyến truyện như đẩy người đọc lao đi trên đường ray tàu lượn siêu tốc hay cuộc chiến với một thế lực xấu xa. Nhưng cũng có nhiều lý do để bạn đọc thích tập truyện của một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong thời đại hôm nay.
Đọc các truyện trong Ngôi thứ nhất số ít của Haruki Murakami, có cảm giác chúng được viết ra nhẹ như không. Cái nhẹ bẫng của một người viết ở tuổi ngoài 70, không cần làm gì để chứng minh, không cần làm gì để giữ một "vị trí".
Cái nhẹ bẫng khi đã đủ già để hiểu năm tháng là một gánh nặng và tất cả hào quang là phù phiếm, nếu còn sót lại gì thì chỉ là một tập thơ bạc màu mà chẳng rõ "rốt cuộc có ý nghĩa và giá trị gì", "Nhưng dẫu sao thì đó là những gì còn sót lại. Khi tất cả những từ ngữ và cảm xúc khác đã thành bụi và biến mất" (trích truyện Trên gối đá).
Người Nhật Bản có câu "nhất kỳ nhất hội" (Ichigo Ichie), đại ý là duyên hạnh ngộ của con người trên phù thế này chỉ đến một lần, thế nên hãy sống trọn vẹn trong khoảnh khác tương ngộ đó.
Trong Ngôi thứ nhất số ít, Murakami viết nhiều về những khoảnh khắc như thế.
Cô gái viết thơ tanka trong Trên gối đá, cô nữ sinh trong With The Beatles, cuộc gặp trong mộng tưởng với nghệ sĩ jazz Charlie Parker (1920 - 1955) quá cố trong Charlie Parker plays bossa nova, con khỉ biết nói tiếng người trong Lời thú tội của Khỉ Shinagawa, và cả trong truyện có nhan đề được lấy đặt cho toàn tập Ngôi thứ nhất số ít...
Quá khứ thì vĩnh viễn ở đó. Nhân vật người kể chuyện hồi tưởng lại khi mình còn đi học, mối tình đầu; khi mình là sinh viên đi làm thêm; lúc lại nhớ về một "khuôn mặt xấu xí", một chuyến đi... Tất cả chúng đều trở về như một niềm ám ảnh, về cái phi lý của cuộc đời.
Sự phi lý khiến ta liên tục phải nhìn lại, tự tra vấn "một câu chuyện gần như không có kết luận", về "một sự việc nhạt nhẽo và vô giá trị" như một hình tròn nhiều tâm không đường ngoại biên.
Nhưng rồi tất cả sẽ vượt qua "khi chúng ta thật lòng yêu ai đó, cảm thông sâu sắc với điều gì đó, có lý tưởng về thế giới này, tìm thấy niềm tin (hoặc thứ giống với niềm tin), chúng ta sẽ hiểu và chấp nhận sự tồn tại của hình tròn đó như lẽ đương nhiên" (truyện ngắn Kem).
Đến truyện cuối cùng, Ngôi thứ nhất số ít, sự phi lý nhuốm màu sắc Kafka.
Người kể chuyện tình cờ gặp một cô gái xa lạ ở quán rượu và cô đã nói với anh: "Hãy biết tự xấu hổ". Anh ta không biết cô, không nhớ gặp cô ở đâu, không biết mình đã làm chuyện gì có lỗi.
Lời buộc tội vô tăm tích ấy lại bám riết trong tâm trí, làm tha nhân trở thành địa ngục như Jean-Paul Sartre nói.
Cái thế giới lúc người kể chuyện bước vào quán bar, với lúc anh ra khỏi quán dường như là hai thực thể khác biệt. "Thế giới mới" như địa ngục, đầy đe dọa, mọi ánh mắt đều như phán xét "hãy biết tự xấu hổ" và làm anh sợ hãi.
Sự tự do trong cách viết của Murakami làm ta thích thú. Trong Ngôi thứ nhất số ít, từng truyện từng truyện là cái ngoái nhìn lại, không chỉ quá khứ, mà nhìn sâu vào nội tâm chính mình, thách thức những nhìn nhận của chính ta về thế giới.
Mỗi truyện lại như một dự phóng đầy hứa hẹn, để mở ra một truyện khác, hay với Murakami, là một thế giới khác.
Sinh năm 1949, bắt đầu viết khi 29 tuổi (truyện Tập thơ Yakult Swallows trong tập sách có nhắc đến giai đoạn này), Haruki Murakami vẫn đang tiếp tục ra mắt những tác phẩm mới, nối dài danh sách trước tác của mình.
Tháng 4-2023, ông xuất bản tiểu thuyết 672 trang có tên The City, and Its Uncertain Walls, được phát triển từ một tác phẩm ông bắt đầu viết năm 1980.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận