Thiếu tá Nguyễn Tiến Thanh dạy chữ cho học trò nghèo buôn Drang Phôk - Ảnh: B.D. |
“Thấy mấy đứa đánh vần được, không bị bỏ học giữa chừng, biết ra chợ giúp mẹ mua con cá mớ rau và biết trả tiền là mình mừng rồi |
Thiếu tá NGUYỄN TIẾN THANH |
Toàn buôn Drang Phôk có 141 hộ gia đình với gần 500 nhân khẩu, hơn một nửa buôn là hộ nghèo, đời sống rất khó khăn.
Giúp dân trồng lúa, có nước sạch
Ngay từ thời điểm mới chân ướt chân ráo nhận nhiệm vụ, thiếu tá Nguyễn Tiến Thanh - Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Đắk Lắk, cùng các đồng đội đã tham gia khảo sát, tham mưu cho đơn vị vận động các nhà hảo tâm xây tặng bà con buôn Drang Phôk hai giếng nước khoan trị giá 350 triệu đồng, đảm bảo nguồn nước sạch cho 80% hộ dân. Xong việc, ông lại đi vận động kinh phí tu sửa nhà văn hóa cộng đồng của buôn.
Đội công tác vận động quần chúng đồn nơi ông Thanh công tác còn tự nguyện quyên góp kinh phí xây dựng mô hình “Nuôi bò vỗ béo” giúp bà con làm chuồng trại và con giống. Rồi ông cùng với Phòng nông nghiệp huyện Ea Súp tổ chức tập huấn cho bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Nhờ vậy, bà con trong buôn đã biết canh tác lúa nước, không vào rừng phát nương làm rẫy, nhiều hộ gia đình đã biết chăn nuôi đàn gia súc, trồng cây mía cho thu hoạch mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Chú ý những điều chi ly trong đời sống hằng ngày, ông Thanh vận động bà con cách làm chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh “ăn chín, uống sôi”, khi ngủ phải bỏ màn, phòng chống các loại dịch bệnh, không mê tín dị đoan, không nghe lời thầy mo thầy cúng, khi ốm đau đến phòng khám quân dân y của đồn để điểu trị.
Chính sự gần gũi chân tình này mà người dân trong buôn trìu mến gọi thiếu tá Thanh là “ngôi sao mang quân hàm xanh” vùng biên giới.
Thầy giáo biên phòng
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc lớp học được bắt đầu, thầy giáo là ông thiếu tá biên phòng. Thiếu tá Thanh cho biết buôn Drang Phôk là buôn nằm tách biệt sâu trong vùng lõi của Vườn quốc gia Yok Đôn. Từ buôn ra trung tâm xã phải vượt qua quãng đường dài trên 20km. Nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng phải bỏ học lên nương làm rẫy phụ giúp gia đình.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Thanh cùng với đồng đội đã khảo sát, lập danh sách trẻ mù chữ, tham mưu cho chỉ huy đồn và cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với Phòng giáo dục huyện Buôn Đôn tổ chức lớp xóa mù, 4 buổi/tuần. Ông Thanh và tổ công tác phối hợp với ban tự quản thôn đi đến từng nhà thuyết phục người dân cho con em mình đi học.
Tổ chức lớp học đã khó, duy trì sĩ số lớp học lại càng khó hơn bởi nhiều học sinh nhà quá khó khăn, có em gia đình ở xa lớp học đến mấy cây số. Lúc này, thiếu tá Thanh và đồng đội lại nghĩ cách, đến tận nhà chở các học trò đi về, còn trích tiền lương mua sách, vở, bút, bánh, kẹo, tổ chức các trò chơi sau mỗi buổi học...
Tự nguyện làm “thầy giáo” trong một tình huống đặc biệt, ông Thanh nói lúc đứng lớp cứ luống cuống vì chưa cầm phấn dạy chữ bao giờ. Nhưng không thể để lũ trẻ mù chữ được, cứ buổi chiều sau giờ làm việc ông lại lân la đến nhà các thầy cô giáo để xin học “kỹ năng sư phạm”, cách truyền đạt kiến thức cho trẻ.
Ông mua sách vở về tự mày mò, học kỹ năng rồi một mình tập đứng trên bục giảng. Lâu dần thành quen, từ một ông bộ đội vốn chỉ quen với điều lệnh, súng ống, thiếu tá Thanh bỗng biến thành ông thầy “gõ đầu trẻ” đầy mê say đối với học trò nghèo vùng biên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận