24/06/2019 11:34 GMT+7

Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ 3: Đời không như là mơ...

SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TTO - Á quân U17 quốc gia năm 2009, vô địch U15 quốc gia năm 2010, có thể xem đó là hai cột mốc đáng nhớ cho công tác đào tạo trẻ ở CLB SHB Đà Nẵng. Một viễn cảnh xán lạn chờ đón hai lứa tài năng trẻ này của bóng đá sông Hàn. Nhưng...

Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ 3: Đời không như là mơ... - Ảnh 1.

Phan Văn Long (19) tỏa sáng trong màu áo U19 VN từ năm 2014 - Ảnh: ANH HOÀNG

Năm 2009, U17 SHB Đà Nẵng về nhì Giải U17 quốc gia với kỷ lục khó phá: không thua trận nào ở vòng loại lẫn vòng chung kết toàn quốc. Dù vậy, họ đánh rơi HCV vào tay U17 Đồng Tháp sau loạt sút 11m luân lưu trên sân Vinh. Tròn năm sau, tại Nha Trang, lứa U15 SHB Đà Nẵng chiếm ngôi quán quân giải trẻ này.

Thực tế không mang màu hồng

Với xấp xỉ 50 cầu thủ trẻ ở hai lứa này, trước đó Trung tâm đào tạo trẻ SHB Đà Nẵng đã ký hợp đồng với gia đình các em về học văn hóa, học đá bóng để nhắm tới hai mục tiêu: hoàn tất chương trình học văn hóa và trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai. Nhưng thực tế không mang màu hồng...

Với ngôi á quân U17, rồi vô địch U15 quốc gia, người hâm mộ sông Hàn kỳ vọng rất nhiều vào hai lứa cầu thủ này bởi đó là sự bổ sung đầy hứa hẹn cho đội chuyên nghiệp SHB Đà Nẵng. Đó cũng là thời điểm mà cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức kiêm nhiệm một lúc hai vai - HLV trưởng SHB Đà Nẵng và chủ tịch hội đồng HLV trung tâm đào tạo trẻ của CLB.

Hồi tưởng lại, ông Đức nói: "Ngày ấy tôi cũng không tránh được cảm giác vui sướng khi hai đội trẻ ấy nối tiếp nhau có thành tích. Tôi kỳ vọng rằng với hệ thống đào tạo trẻ chuẩn mực, giáo trình huấn luyện xuyên suốt từ U15, U17, U19 rồi lên đến U21, khi trưởng thành các em sẽ là lực lượng kế cận xứng đáng cho đàn anh ở đội chuyên nghiệp. 

Nhưng cuối cùng sau chục năm, hai lứa cầu thủ ấy chỉ có một vài gương mặt trụ lại với V-League, tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia như: Phan Văn Long, Đặng Anh Tuấn, Hoàng Minh Tâm, Hồ Ngọc Thắng, Võ Huy Toàn...".

Lý do bị loại nhiều lắm nhưng chủ yếu vẫn là sự tự mãn, ỷ lại sớm hình thành qua một vài thành tích đầu đời. Dù được các HLV tận tình khuyên nhủ, uốn nắn nhưng vẫn không thể giúp một số em trở lại với con đường ban đầu.

HLV Võ Phước

Vô vàn lý do rơi rụng

Mất công, tốn sức chăm chút dạy dỗ học trò chẳng khác nào tình cảm thân thương của cha đối với con nhưng nhiều HLV đã nhói lòng khi phải nói lời tạm biệt học trò.

HLV kỳ cựu Võ Phước của Trung tâm đào tạo trẻ SHB Đà Nẵng (từng là trợ lý HLV đội tuyển U19 VN) bộc bạch như vậy với Tuổi Trẻ khi nói về sự gian nan, trắc trở với ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp không như ý nguyện của rất nhiều cầu thủ trẻ: "Lý do bị loại nhiều lắm, nhưng chủ yếu vẫn là sự tự mãn, ỷ lại sớm hình thành qua một vài thành tích đầu đời. Dù được các HLV tận tình khuyên nhủ, uốn nắn nhưng vẫn không thể giúp một số em trở lại với con đường ban đầu.

Nhiều cầu thủ chơi rất hay với đồng đội cùng trang lứa, nhưng khi dịch chuyển dần lên các lớp có trình độ cao hơn như U17, U19 và U21 thì không thể hòa nhập, bị chấn thương nặng, bị kỷ luật hoặc không theo kịp giáo án huấn luyện mỗi lúc một khó hơn. Lúc này, trung tâm đành phải mời phụ huynh lên thông báo lý do rồi gửi trả lại gia đình. Cũng có nhiều phụ huynh hiểu được năng lực có giới hạn của con em nên chủ động xin kết thúc hợp đồng sớm...".

Huy Toàn bao giờ thôi lận đận?

huy toan di bong 66 (read-only)

Chấn thương khiến sự nghiệp của Huy Toàn gặp trắc trở - Ảnh: N.KHÁNH

Năm nay 26 tuổi, tiền vệ trái Võ Huy Toàn chơi nổi bật từ AFF Cup 2014 rồi SEA Games 2015. Tiếc rằng trong hơn 2 năm qua, chấn thương triền miên đã tước đi cơ hội thi đấu của anh ở V-League cũng như vắng tên trong danh sách đội tuyển VN. Suốt lượt đi V-League 2019, Huy Toàn tiếp tục vắng mặt để chữa trị chấn thương cổ chân, đầu gối.

"Huy Toàn có kỹ thuật cá nhân khéo léo, lợi hại với những tình huống đột phá táo bạo, sút xa đầy uy lực... Dù luôn khát khao được cống hiến nhưng vận may ít khi song hành cùng Huy Toàn" - cựu thủ quân đội tuyển VN, cựu HLV trưởng SHB Đà Nẵng Nguyễn Minh Phương chia sẻ.

Những nuối tiếc...

HLV Lê Văn Hà (vô địch U15 cùng SHB Đà Nẵng năm 2010) kể: "Trong chặng đường phát triển bóng đá trẻ Đà Nẵng trong thập niên qua, đã có lúc người hâm mộ cùng các HLV hết sức hào hứng khi Thái Sung, Cao Thanh Hòe hay Lê Văn Chung nối tiếp nhau vượt qua hàng chục ngàn thí sinh vòng sơ loại của cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ do Học viện Aspire (Qatar) tổ chức ở VN.

Bộ ba này từng có mặt ở Qatar để tham gia chương trình tuyển chọn tài năng trẻ toàn cầu của Aspire. Tuy nhiên, cả ba lần lượt rời Qatar vì không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, thể hình bất lợi, cũng từ đó họ đoạn tuyệt với bóng đá, rẽ theo hướng đi khác để mưu sinh. 

Trong số này, tiếc nhất là Thái Sung. Chấn thương dai dẳng dần khiến Thái Sung không còn giữ được niềm tin, khát vọng vươn lên dù được HLV Lê Huỳnh Đức ưu ái, tạo nhiều điều kiện để tìm kiếm cơ hội trụ lại với V-League".

Nghịch lý thú vị

Nghịch lý khá thú vị này là nhiều cầu thủ tài năng hoàn toàn thua kém các đồng đội lúc ban đầu nhưng đến khi chuyển sang các đội lớn hơn thì những người từng "lu mờ" lại tỏa sáng để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Những cái tên "đảo chiều" đó là Hoàng Minh Tâm, Đặng Anh Tuấn, Hồ Ngọc Thắng, Phan Văn Long, Võ Huy Toàn. HLV Võ Phước hào hứng khi nói về các học trò ở Trung tâm đào tạo trẻ SHB Đà Nẵng thành đạt trong thập niên qua.

Quy trình sàng lọc

Chủ tịch CLB bóng đá SHB Đà Nẵng - ông Bùi Xuân Hòa - cho biết: "Hằng năm, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ SHB Đà Nẵng đều tổ chức chiêu sinh, đưa HLV đến các huyện, xã, vùng sâu hoặc các tỉnh lân cận để sàng lọc, tuyển chọn tài năng từ 11 tuổi.

Nếu trúng tuyển, phụ huynh các em sẽ ký hợp đồng đào tạo với trung tâm. Từ lúc vào trung tâm cho đến năm 21 tuổi, có rất nhiều đợt kiểm tra vào cuối mỗi học kỳ, nếu không đạt yêu cầu thì trả về lại gia đình để các em kịp theo học kỳ mới hoặc năm học mới.

Mỗi lứa tuổi chắt lọc được 10-20% số lượng cầu thủ tài năng là rất mừng. Có nhiều lứa, trung tâm không chọn ra được em nào thật sự nổi bật.

Đến năm 19 hoặc 21 tuổi, các em sẽ được thử thách ở đội chuyên nghiệp, nếu không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn từ HLV Lê Huỳnh Đức, chúng tôi sẽ cho các đội hạng nhì, hạng nhất mượn.

Giai đoạn này, nếu tài năng thật sự đáp ứng môi trường chuyên nghiệp thì sẽ ký hợp đồng chuyên nghiệp, ngược lại thì thanh lý hợp đồng đào tạo".

Kỳ tới: Mái nhà xưa của các ngôi sao

Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ 2: Bỏ bóng đá theo nghiệp văn phòng

TTO - Trong trang phục áo sơmi quần tây chỉnh tề, đúng 8h sáng Cao Phan Thanh bước vào bàn làm việc của mình ở ngân hàng. Trước 20 tuổi, Thanh đeo đuổi cuộc đời một ngôi sao bóng đá giàu triển vọng.


SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên