Phóng to |
Họa sĩ Jean Jacque dạy vẽ cho các em - Ảnh: Bảo Châu |
Từ khi nhóm tự lực Nụ Cười - Bạn Thầy Hùng ra đời, mở rộng vòng tay đón các em, mọi chuyện đã dần đổi khác.
Yêu thương nối dài
Nhóm Nụ Cười - Bạn Thầy Hùng do anh Nguyễn Văn Hùng lập năm 2004. 16 tuổi, nghiện ma túy, sau 20 năm anh quay lại với cuộc đời đầy quyết liệt và đam mê, là một trong số những người đầu tiên tập hợp và điều hành Chương trình trẻ em đường phố Thảo Đàn năm 1992.
Sau đó, anh tiếp tục thành lập nhóm Nụ Cười hỗ trợ cho thanh thiếu niên, trẻ em bị ảnh hưởng HIV. Anh được xem là một huyền thoại với chất lửa và tinh thần dấn thân vào những điểm nóng gai góc nhất.
Năm 2007 anh Hùng phát hiện mình bị ung thư gan. Với các tiên liệu xấu về căn bệnh của anh, người bạn thân, nữ đạo diễn Pháp Leslie Wiener, đã tức tốc bay sang chăm sóc anh. Câu chuyện tình yêu của họ chỉ vỏn vẹn 10 ngày nhưng đẹp như một câu chuyện cổ tích.
Những ngày anh bệnh nặng, chị Leslie đã chăm sóc anh tận tâm như một người vợ. Ngày 2-10 năm đó, một lễ đính hôn giữa hai anh chị đã được tổ chức ngay tại bệnh viện với hạnh phúc dù ngắn ngủi nhưng sâu đậm. Hơn 10 ngày sau anh qua đời.
Tuy nhiên, nhóm Nụ Cười - Bạn Thầy Hùng vẫn tiếp tục được những người đồng sự, trong đó có chị Leslie Wiener và chị Elisabeth, cùng nhau duy trì, phát triển đến hôm nay, đúng với nguyện vọng của anh Hùng: “Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp những người nhiễm HIV/AIDS sống trọn vẹn cuộc sống của mình, sống với sự tôn trọng và chăm sóc của cộng đồng”.
Học vẽ giấc mơ
Chiều thứ bảy, căn phòng của nhóm Nụ Cười - Bạn Thầy Hùng thoáng chốc đã ngập tràn màu sắc bút màu, bút nước, giấy trắng chờ đợi. Đã đến giờ học vẽ! Dù thầy chưa đến nhưng các em đều rất tự giác ngồi ngay ngắn vào chỗ, bắt tay vào vẽ.
Góc này, Nhật đưa nhanh bút chì trên trang giấy và thoáng chốc một ngôi nhà đã thành hình. Góc khác, Thảo đang từ từ vẽ những bông hoa đỏ rực rỡ trên giấy... Kinh coong! Vừa nghe tiếng chuông cửa, tất cả đã chạy ùa ra đón thầy, họa sĩ người Pháp Jean Jacque.
Em ôm chân, em bá vai, em tíu tít kéo thầy vào khoe tranh của mình. Còn thầy, do chỉ biết rất ít tiếng Việt nên chỉ cười và từ tốn đến xem tranh của từng em, sửa sang, chăm chút từng nét vẽ. Không có cảm giác đây là lớp học giữa thầy và trò mà giống một gia đình giữa cha và các con vậy.
Hai năm nay, với những nỗ lực của họa sĩ Jean Jacque và nhóm Nụ Cười - Bạn Thầy Hùng, hoạt động dạy các em vẽ tranh đã luôn được duy trì định kỳ hằng tuần và có sức hút mạnh mẽ với các em, trong đó đa số là trẻ bị ảnh hưởng HIV.
Muốn đem lại cho các em một lớp học vẽ đúng nghĩa, ban chủ nhiệm nhóm đầu tư rất chu đáo vào cọ vẽ, giấy, bút màu, còn thầy Jean Jacque đã sáng tạo rất nhiều cách thức giảng dạy độc đáo để hấp dẫn các em.
Có hôm tranh thủ khi các em đi chơi, thầy chụp ảnh từng em rồi dán nửa gương mặt vào giấy, các em sẽ tự vẽ nửa chân dung còn lại của mình. Hôm khác, thầy mua cả lẵng trái cây, rồi tượng con vật lên lớp để các em tập vẽ, hoặc dắt các em ra công viên vẽ đủ thứ từ tàu lượn siêu tốc đến ngựa quay, xích đu...
Kết quả từ chỗ ban đầu các em đều lắc đầu quầy quậy khi nghe đến chuyện học vẽ, giờ thì đa số đã chuyển từ vẽ bút sáp sang màu nước một cách “chuyên nghiệp” và đến lớp vẽ với niềm say mê, vẽ xong cho mình còn nhiệt tình giúp các bạn khác.
“Con rất thích học vẽ vì có nhiều màu, ở đây con cũng có nhiều bạn cùng vẽ với con, tụi con tô màu chung với nhau rất vui” - Bùm, 6 tuổi, cho biết.
Từ chỗ suốt ngày chỉ lang thang trong chợ xin ăn rồi bán vé số khắp nơi với mẹ, quen thuộc với mọi ngôn từ chợ búa, đường phố, khi vào đây Bùm đã bắt đầu có thể ngồi yên một chỗ, cầm bút vẽ và tô màu những tác phẩm của mình.
Tháng 8 vừa qua, một triển lãm tranh của các em đã được tổ chức trang trọng tại khách sạn ibis (quận 7, TP.HCM) và tranh của Bùm nhận được sự quan tâm, hỏi han của nhiều khách nhất.
Một phần quan trọng khác của hoạt động vẽ tranh là tìm hiểu tâm lý các em. Tất cả tác phẩm đều được thầy và các nhân viên xã hội lưu giữ, phân tích kỹ lưỡng vì “với những tổn thương sâu kín, đôi khi việc các em thể hiện suy nghĩ, tâm tư tình cảm bằng lời nói rất khó khăn, nhưng khi vẽ thì mọi thứ lại dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ cần nhìn cách chọn màu hơi tối, cách tô màu hơi nhợt nhạt hơn so với ngày thường, thầy cô đã đoán biết được em đang gặp vấn đề và có thể can thiệp ngay bằng cách nói chuyện riêng, hỏi han phụ huynh” - chị Nguyễn Thị Hằng Nga (nhân viên xã hội của nhóm) cho biết.
Sắp tới, theo kế hoạch của chị Nguyễn Thị Minh Phương (quản lý nhóm), nhóm sẽ tiến hành thử nghiệm việc trị liệu tâm lý bằng liệu pháp nghệ thuật, mời các chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực này đến tham vấn cho một số ca tiêu biểu thông qua tác phẩm nghệ thuật này của các em.
Cùng chèo một con thuyền
Bên cạnh hoạt động vẽ tranh, nhóm còn sáng tạo nhiều hình thức giải trí khác cho các em vào cuối tuần như đá bóng, bơi lội, làm đồ thủ công, học văn hóa, học kỹ năng sống và cách tự chăm sóc mình. Để các em vào nhóm, phụ huynh phải đưa đón các em đến cơ sở vào những ngày cuối tuần.
Với phần lớn gia đình các em đều là dân lao động nghèo, cha mẹ nhiều em đang nghiện ngập hoặc đã qua đời vì bệnh AIDS, chuyện phụ huynh đồng ý đều đặn chở con đi học như thế này tưởng chừng bất khả thi, nhưng “với Nụ Cười thì... được hết!”.
Chị Minh Phương, trưởng nhóm, bảo: “Mình phải luôn nói với phụ huynh rằng hành trình chăm lo các em cũng giống như chèo thuyền vậy, một mình Nụ Cười chèo sẽ có lúc đuối sức buông tay, nhưng nếu có phụ huynh mỗi em tiếp một cánh tay chèo phụ thì chắc chắn đi được tới đích”.
Hằng tuần, vào những ngày thường, nhân viên xã hội của nhóm thường xuyên đến thăm gia đình các em, vừa tìm hiểu, nắm bắt các thay đổi trong đời sống gia đình, vừa động viên, trò chuyện với phụ huynh, gầy dựng sự tin tưởng lẫn nhau.
Ngược lại, vào cuối tuần, phụ huynh sẽ là người trực tiếp đưa các em đến nhóm sinh hoạt. “Có thực hiện rồi mới biết phụ huynh nào cũng rất thương con, có em ở tận Thủ Đức, sáng 6 giờ mẹ đã đưa đến nhóm, nhiều ông bà ở tận quận 6, quận 8 cũng đưa cháu qua đây rồi tình nguyện ở lại phụ việc cho nhóm, chờ hết giờ đưa cháu về luôn”, chị Hằng Nga cho biết.
Vào mỗi trưa chủ nhật, nhóm còn có một bữa ăn do chính các phụ huynh xắn tay vào bếp nấu nướng. Sáng sớm, mọi người đã tíu tít lên thực đơn, dặn nhau đi chợ rồi về chia việc nhau nấu, rộn ràng, ấm áp cả gian bếp, khi con em vẫn còn ê a học chữ, học vẽ bên ngoài. Đến trưa thì mẹ con, bà cháu và cả các tình nguyện viên cùng nhau ăn. Kết thúc bữa ăn, các em sẽ là người phụ rửa chén, lau chén.
Bà Kiến (59 tuổi) là một phụ huynh thân thiết với nhóm Nụ Cười từ những hoạt động như thế trong suốt năm năm qua. Sống trong một khu lao động nghèo ở quận 6, mỗi ngày bà Kiến đi bán vé số từ sáng đến chiều, vậy mà cuối tuần nào bà cũng chạy chiếc xe cà tàng hơn 10 cây số chở cháu sang quận 3 học ở nhóm Nụ Cười, bà vừa phụ bếp vừa chờ chở cháu về.
Bà cho biết: “Hồi trước cháu tui đi học không có bạn, thầy giáo cũng sợ cháu chạy nhảy lỡ đụng chạm vào bạn bè lây bệnh nên muốn cháu chuyển trường. Để đảm bảo với thầy, giờ ra chơi nào tui cũng vô lớp ngồi với cháu. Từ ngày vô nhóm Nụ Cười, cháu vui vẻ hẳn lên, có thêm nhiều bạn bè, đi học không mắc cỡ nữa, giờ học gần xong cấp II rồi. Không có nhóm Nụ Cười thì cháu tui không học được tới giờ này, bởi vậy tui cũng muốn qua đây giúp đỡ phần nào cho các cô!”.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Bi kịch của một cô giáo Kỳ 2: Chết đi sống lại Kỳ 3: Cánh cửa mở ra Kỳ 4:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận