23/02/2023 14:22 GMT+7

Ngôi nhà miền cũ

Thỉnh thoảng, giữa hơi men say chếnh choáng, bố tôi hay buồn kể chuyện những ngày chúng tôi ngấp nghé lên năm.

Ngôi nhà miền cũ - Ảnh 1.

Những bụi hành trong khu vườn tuổi thơ

Gia đình tôi là một gia đình thuần nông, không mấy khá giả; chị em chúng tôi bởi vậy trải qua một tuổi thơ không nhiều sách truyện, đồ chơi hay kẹo bánh.

Tuổi lên năm; tất nhiên chúng tôi chưa biết phân biệt giàu nghèo, lớn nhỏ, đứa bụng to, đứa bụng gầy, chưa lúc nào thấy mình nghèo khổ như trong những lời lắng lo bố nói.

Tôi vẫn giàu oách vì những mảnh vườn bao giờ cũng ăm ắp quả na chín và bắp ngô non, lổn nhổn dây rau và những củ khoai tròn óng mẹ vẫn hay vùi khi canh bếp lửa nấu cơm ban chiều.

Tôi có những ngày hít đầy lồng ngực ngọn khói của những gánh củi mù u ngan ngát như mùi trầm mộc và làm răng quên được những bộ quần áo tôi tung tẩy đi chơi mỗi mùa Tết ghé mà bố đã thắt lưng chắt mót từng hòn gạch đỏ với chiếc bai cùn và bụi xi măng để sắm về nhà.

Hơn tất thảy, tôi có một ngôi nhà để được trở về dù là lúc tôi lên năm tuổi có bài điểm kém hay lúc tôi lớn cuộc đời dập dềnh…

Ngôi nhà miền cũ - Ảnh 2.

Hoa đào, mâm ngũ quả - một góc ngôi nhà ngày Tết

Căn nhà tôi ở, chênh vênh giữa những triền hoa xuyến chi trắng xóa, nghiêng mình bên bờ mương dẫn nước ra sông, ra những đồng vàng.

Không gian gần gũi đến nỗi chiếc mũi con con cũng nghe lựng thơm mùi hoa cau mới rớt bên hè, tiếng con ngỗng trắng nhốn nháo đạp nước dưới ao, tiếng váng lục bình nứt trổ mầm mới.

Trong vườn cải đắng; bầy gà chiêm chiếp bới giun bên bờ lau sậy; bọn mèo mướp, con chó mun rục rạo đào hang bắt dế. Những con cún tròn, bụng anh ách cá, nhe hàm răng sữa dọa oai, lăng xăng kêu bọn dế choắt dế chũi mau mau quy hàng. Tuổi tôi lên năm, đó là khoảng đất vui nhất trên đời.

Chiều chạng vạng, bố tôi cặm cụi cuốc đất, chị em chúng tôi đội mũ tai bèo lượm lặt đá sỏi và cỏ dại. Đất này không giống như bất kỳ hòn đất nơi nào tôi từng đi qua, xôm xốp và au đỏ như màu phù sa mỡ màng, chôn chân cho cả một mảnh vườn xanh lênh láng nắng tươi.

Mùa gặt về, khoảng sân trước vườn lạo xạo thóc lúa vàng ươm và đám rơm rát khô, nhặm ngứa. Bọn cún lại được dịp bày trò đào hốc rơm vàng trốn chủ, nhắng nhít hết những ban trưa oi ả nắng hè. Chỗ đấy thơm tho, sực nức mùi giọt mồ hôi bố mẹ đổ xuống, ấm áp như đôi tay sần hay gót chân sưng buổi nào đi cấy, đi ươm...

Thành lệ, mùa phơi chưa vãn mà mưa bão về, thóc nảy mầm mốc trong chái nhà cũ, ụ rơm trôi tuột theo mương máng, lênh đênh, kéo đi hết cả sức công và nhọc nhằn mẹ bỏ.

Trong một ngôi nhà cũ đặc trưng của những người Nghệ chân chất quê tôi ngày đó, là chum hứng nước, cái cày, con trâu và những bài ví giặm.

Người miền quê có thể không có một chiếc tivi màu, nền nhà xi măng hay xe máy sùng sục phóng đi khắp làng nhưng chắc chắn có một chiếc radio và những cuộn băng hình chữ nhật.

Tôi không dám chắc chuyện rằng nó hay, vì tôi cũng chỉ là đứa con quê nhạt nhẽo và mơ hồ âm nhạc nhưng có thể là trong ai cũng thăm thẳm vài câu chuyện buồn, những mối tình ngang...

Đi dăm ba ngõ sẽ nghe ví giặm ngân vang từ những chiếc radio, ở quán xúp lươn, rượu nhậu, những hội hè dưỡng sinh của người cao tuổi hay cả những hàng rau củ, thịt cá và hàng nước mía ngọt lừ kẽ răng kề bên bãi chợ.

Ngôi nhà miền cũ - Ảnh 3.

Hội hát ví giặm, hội sênh tiền trên miền quê tôi

Sau này khi tuổi tôi thành lớn; hôm đi qua những ngôi nhà cổ kính ở thành phố, thấy mái ngói cong cong rêu ken từng lùm; chợt nhớ ngôi nhà quê tôi thuở ấy da diết.

Tôi bỗng buồn nhận ra trên đời ước chi có thực một chuyến tàu liêu xiêu khói đục dẫn về với khu vườn, khoảng sân, ụ rơm vàng tháng sáu và câu ví xôn xao nắng mưa như ngày nớ.

Ngôi nhà của tôi, rồi cũng như những lùm rạ khô, như bông lau sậy, như lục bình tím, như điệu ví giặm xưa, như mọi thứ trên đời, đẹp nhất lúc phai, đẹp nhất lúc tàn, đẹp nhất khi đã thuộc về những miền quá vãng.

Tôi ghé thăm ngôi nhà miền cũ trên một sân ga không tuổi không tên không người soát vé, những chuyến tàu xập xình không người lái xe.

Đưa tôi về là những hồi ức thăm thẳm mù xa, vẫn thấy mình giữa những giấc mơ của tuổi lên năm lên sáu, con bé ngày xưa không bao giờ lớn, vẫn lén trốn nhà đi chơi giữa những ban trưa, vẫn leo ngọn rơm bố xây như thể leo núi, vẫn nằm phơi rốn nghe câu à ơi điệu ví giận thương bà hát mẹ ca.

Nó bắt sâu đo cho gà lẫn ngỗng, nó gieo lên đất mầm rau húng quế, mầm lá mồng tơi, nó cũng gieo lên mái nhà bé con của nó tất thảy tin yêu và hy vọng, để mọc thành một tổ ấm êm - một chốn phù sa không cỏ mọc hoang, không đá, không sỏi, chỉ có thương yêu đơm thành hoa nở.

Người lớn đôi khi áy náy muốn con hiểu rằng những mái nhà tranh thực ra cũng rất đáng giá, còn với tụi trẻ thì nơi có bố mẹ là nơi có nhà. Hoặc lớn lên và đi thật xa và ngã thật đau mới biết trân quý những ngôi nhà.

Thế nên, có những nơi trên địa cầu này vốn không đẹp vì cảnh, không phải di sản cũng chẳng cần được ban danh nhưng nó vẫn hơn những miền kỳ vĩ khác, chỉ đơn giản vì nó là nhà, mà bên trong nhà, thì có tình yêu.

Cảm ơn 820 bạn đã gửi bài Về nhà

Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.

Cuộc thi Về nhà dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút... và gửi về địa chỉ email [email protected].

Giải thưởng: 1 giải nhất - 20 triệu đồng, 1 giải nhì - 15 triệu đồng, 1 giải ba - 10 triệu đồng, 10 giải khuyến khích - 5 triệu đồng/giải.

Tính đến ngày 23-2, cuộc thi đã nhận được hơn 820 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.

BAN TỔ CHỨC

Ngôi nhà miền cũ - Ảnh 5.
Chỉ là, tôi lớn lên, nhưng nội thì già điChỉ là, tôi lớn lên, nhưng nội thì già đi

Tôi luôn có hai nhà để về vào dịp Tết, một là ngôi nhà mà tôi đã lớn lên, hai là nhà nội, cũng tức là nhà của ba, nơi mà mỗi năm ba luôn mong ngóng quay về.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên