06/07/2017 08:00 GMT+7

Ngôi nhà của Ba và nếp nhà của chúng tôi

Bà NGUYỄN THANH HÀ (Con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh)
Bà NGUYỄN THANH HÀ (Con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh)

TTO - 9h sáng 6-7-1967, trái tim của nhà cách mạng, người ái quốc, vị tướng tài danh Nguyễn Chí Thanh ngừng đập. Hôm nay, tròn 50 năm ngày mất Đại tướng, con gái ông gửi tới Tuổi Trẻ bài viết về Cha, về gia đình.

Gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ảnh do bà Nguyễn Thanh Hà cung cấp

Cách đây 3 năm - vào năm 2014 - gia đình chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ba tôi - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Dịp đó gia đình chúng tôi có một niềm vui lớn, đó là bốn chị em, cả đại gia đình đã có một ngôi nhà chung. Và chúng tôi đã thực sự đoàn tụ sau nhiều năm rời căn nhà cũ - căn nhà 34 Lý Nam Đế mà Ba Mẹ tôi đã sống, và là ngôi nhà tuổi thơ của chúng tôi.

Đến nay chúng tôi lại được cùng sống với nhau dưới một mái nhà, cùng thờ cúng Ba Mẹ. Các em ở xa mỗi đứa cũng có một căn hộ ở đó, mỗi khi ra Bắc, vợ chồng con cái lại về nhà của mình.

Cũng thời gian ấy, gia đình chúng tôi tràn ngập nhiều niềm vui mới. Các cháu của Ông Bà có thêm các thành viên dâu, rể... Đặc biệt, thế hệ thứ tư đã xuất hiện và mỗi lúc lại lớn lên, mỗi lúc lại trở nên quan trọng hơn trong đại gia đình.

Thật là vui khi mỗi buổi chiều đi làm về, mỗi nhà ăn cơm xong, có thời gian rảnh lại í ới gọi nhau, ngồi tán chuyện, kể lại ngày xưa, ôn nghèo kể khổ, cùng chia sẻ vui buồn, bình luận những vấn đề xã hội, mắng mỏ cháu chắt, hay đơn giản chỉ vài câu chuyện không đầu không cuối...

Thỉnh thoảng các nhà lại mời nhau ăn cơm, bọn đàn ông thì dăm ba ly rượu... có lúc làm tôi bực mình: “Cứ vui thế này vài bữa không khéo ốm hết vì rượu...”. 

Cũng đôi khi bực dọc, khi những phiền muộn, phức tạp của cuộc sống chung kiểu nửa bao cấp như ngày xưa quay trở lại - ngày đó là câu chuyện về những hóa đơn tiền điện, tiền nước, chiếc xe đạp, những quả khế, quả dừa... thì bây giờ là chuyện vệ sinh, tiếng ồn, tiền thang máy, mạng Internet hay chỗ đỗ ô tô, xe máy...

Cuộc sống chung không phải lúc nào cũng tụ họp, không phải lúc nào cũng bằng lòng, nhưng vui lắm, ấm áp lắm.

73 lá thư của Ba Mẹ gửi cho nhau

Trong ngôi nhà ấy, điều làm chúng tôi hài lòng nhất là mấy chị em cùng cả đại gia đình đã giành được phần diện tích đẹp nhất, trang trọng nhất làm nơi thờ cúng, trưng bày đồ kỷ niệm của Ba Mẹ.

Suốt mấy tháng trời, mấy anh chị em loay hoay sửa chữa, xây dựng, xếp đặt những kỷ vật của Ba Mẹ, Ông Bà. Chúng tôi bỏ rất nhiều thời gian để xếp đi, xếp lại, tranh luận với nhau, quá khứ thì mỗi người nhớ một kiểu, không ai chịu ai, kể cả thằng em út mà ngày xưa còn bé tý - để thu xếp ngôi nhà chung sao cho xứng với nơi thờ cúng Ba Mẹ, sao cho giống với “ngày xưa”, sao cho ngày càng ấm áp hơn.

Và chúng tôi ngạc nhiên là sau từng ấy năm, mà những chiếc giường, chiếc tủ ọp ẹp bằng gỗ dán ấy vẫn tồn tại, chiếc rương của Ba Mẹ từ Chiến khu Việt Bắc vẫn còn chắc chắn. Rồi những bức thư được viết trên những tờ giấy đen đủi, thấm đẫm màu thời gian và cả nắng mưa, bom đạn của chiến trường ác liệt; rồi không biết bao nhiêu tấm ảnh ngày đó, khổ 2/3, thậm chí là 1/2 chỉ bằng đầu ngón tay, lại nhiều và đầy đủ đến thế.

Đủ để chúng tôi hình dung được cuộc sống của Ba Mẹ từ ngày mới cưới nhau cho đến khi ra đi.

Đặc biệt, chúng tôi giữ được 73 lá thư của Ba Mẹ gửi cho nhau từ năm 1947, bây giờ được giới thiệu trong cuốn sách “Những cánh thư ra Bắc vào Nam” của anh Vũ Công Lập.

Nghiền ngẫm những bức thư ấy, bao nhiêu kỷ niệm cũ ùa về, những câu chuyện của chính gia đình mình mà nghe như chuyện của ai, chuyện của 60, 70 năm trước mà đọc cứ như cuộc sống của ngày hôm nay vậy.

"Ba mình đây rồi!"

Có nơi lưu giữ rồi, chúng tôi bảo nhau đi tìm, đi xin, đi sưu tầm thêm những tư liệu, kỷ vật của Ba Mẹ ở tất cả những nơi nào có thể.

Vào một buổi tối muộn, thằng cháu đích tôn của Ông về nhà, mặt hí hửng, đầy vẻ quan trọng khoe với cả nhà: “Đã tìm được băng ghi âm của Ông, phát biểu ở Hội nghị Trung ương 9/Khóa 3 về đường lối cách mạng Việt Nam”. Ngay lập tức, mấy chị em tụ họp, gác hết mọi công việc chờ thằng cháu bật đoạn ghi âm bằng cái điện thoại của nó.

Thoạt tiên, khi nghe giọng nói trong băng, chúng tôi không nhận ra đó là tiếng Ba mình. Trong tâm tưởng và ký ức của chúng tôi, Ba có giọng rất trầm, ấm và nhẹ nhàng. Nhưng trong đoạn băng ấy, khẩu khí rất đanh thép, cứng rắn, giọng lại rất cao, mãi chúng tôi không nhận ra được.

“Có đúng Ông không?”, tôi hỏi. Nó bảo: “Đúng Ông mà, cháu xin ở tận kho tư liệu. Bác nghe mà không nhận ra à?”. Phải rồi, hơn 50 năm, nhận ra làm sao bây giờ? Tôi thầm nghĩ mà mắt nhòe đi.

Nhưng được một lúc, đặc biệt là khi nghe được những từ ngữ thường dùng của Ba, chúng tôi cùng ùa lên: Ba mình đây rồi! Cứ thế, tất cả ngồi lặng nghe, không ai nói gì, và cũng không hiểu là Ba đang nói gì, chỉ cùng một ý nghĩ: Ba đây rồi!

Mỗi người chìm đắm trong suy tưởng riêng, hồi ức theo một kiểu. Nhưng có lẽ tất cả mọi người đều cảm thấy rằng mình một lần nữa lại được gặp Ba.

Cứ như thế, mỗi lần sưu tầm được một kỷ vật, một lá thư, một tấm ảnh, hay một tư liệu viết về Ba, chúng tôi đều sống trong cảm giác được gặp Ba một lần nữa. Nhưng có lẽ không thời điểm nào lại có dấu ấn sâu sắc đến thế, khi được nghe giọng nói của Ba 50 năm trước vọng về.

Đó là những tài sản vô giá mà chúng tôi trân trọng và sẽ giữ gìn từ đời này sang đời khác, sẽ mỗi ngày một dày thêm, để nó trở thành nguồn năng lượng nuôi dưỡng cả họ tộc, cả đại gia đình qua nhiều đời con, cháu. 

Gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ảnh do bà Nguyễn Thanh Hà cung cấp

Ngày giỗ là ngày lễ

Năm nay, gia đình tôi bận rộn ngay từ đầu năm. Đó là vì vào ngày sinh nhật Ba (1/1/2017), cả nhà quyết định sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày mất của Ba thật ý nghĩa, thật vui và trang trọng.

Cả gia đình xúm lại lên kế hoạch: sửa khu lưu niệm thế nào? chuyển phòng khách thế nào? viết sách thế nào? làm phim thế nào? Ngay cả chuyện mời khách ra sao, ăn uống thế nào?..., tất cả đều được lên kế hoạch chi tiết, tỷ mỷ. Rồi phân công công việc, thời gian cho từng người, từng nhà rất cụ thể, rất nghiêm túc mà mỗi thành viên trong gia đình đều phải có phần trách nhiệm.

Mỗi một việc ấy thôi mà cũng không biết bao nhiêu cuộc họp gia đình, những chuyến đi, tốn bao nhiêu giấy mực... Một công việc nhỏ bé, giản dị trong nhà nhưng hội tụ bao nhiêu kinh nghiệm, năng lực của các thành viên lão thành của gia đình - những nhà khoa học, tướng lĩnh, nhà quản lý kinh tế, giáo viên... nhưng nay lùi về tuyến sau, chỉ làm cố vấn.

Còn chủ lực là thế hệ thứ ba, chúng cũng đầy nhiệt huyết, đầy trách nhiệm như khi chúng tôi còn trẻ, nhưng bọn trẻ làm tốt hơn thế hệ trước rất nhiều. Bên cạnh đó là những người trẻ, gia đình tôi coi họ là bạn - những người bạn trẻ trung, vô cùng thông minh sắc sảo, đều là chuyên gia trong công việc của riêng họ nhưng đầy nhiệt huyết cùng tham gia như thành viên trong gia đình.

“Ngày giỗ mà cứ bảo là vui vẻ, nhộn nhịp, tưng bừng là sao?”. Tôi bảo các em, các cháu. Mọi người cự lại: “Sao không vui? Đây là ngày lễ mà”.

Đúng là như vậy! Sao không vui, khi mà 50 năm rồi chúng mình vẫn đoàn tụ, vẫn sướng khổ vui buồn có nhau, vẫn cùng thờ cúng Ba Mẹ. Sao mà không vui khi mà Ba Mẹ thấy chúng mình trưởng thành, rồi cũng già đi, nhưng thế hệ sau đã lớn lên và đảm trách được công việc của gia đình.

Mặc dù sinh ra sau khi Ông Bà mất lâu lắm, nhưng chúng vẫn được sống với Ông Bà trong ngôi nhà này. Tôi hỏi: “Làm thế để làm gì?”. Chúng trả lời: “Vì thấy cần làm, và chúng cháu thích làm!”. Làm cho chính gia đình mình, ông bà cha mẹ, các bác các chú các cô, người thân và họ hàng của mình, những người mà gia đình mình coi là người thân, và những người coi gia đình mình như ruột thịt.

Ba Mẹ không bao giờ là quá khứ

Vào những ngày này, tôi thường ngồi nhìn các em, các cháu trong nhà và thấy thật hài lòng về gia đình mình - một đại gia đình không phân biệt già hay trẻ, con gái con trai, con dâu hay con rể, không phân biệt cháu ngoại hay cháu nội... Mỗi người đều có công việc và cuộc sống độc lập, đều làm chủ vận mệnh của mình.

Mỗi người đều có một trách nhiệm đầy đủ với Ba Mẹ, Ông Bà và trách nhiệm với nhau. Mỗi người đều sẵn sàng chia sẻ vô điều kiện những vui buồn, khó khăn hay thuận lợi. Chúng tôi sống với nhau như vậy, tôi nghĩ đơn giản đó là Nếp nhà.

Chúng tôi luôn nhớ về Ba Mẹ và những người đi trước, nhưng chúng tôi không bao giờ coi họ là quá khứ, không bao giờ thấy họ đứng đằng sau lưng mình.

Mà dường như những người đã khuất - không chỉ Ba Mẹ mà còn nhiều người khác nữa - đang đứng sừng sững ở phía trước, ở đó họ nở nụ cười hiền lành, với cặp mắt nhân hậu, nâng đỡ hệt như bức tượng Ba tôi ngay trước cửa, kêu mình bước tiếp, gọi mình phải tiến lên, để mà không dám làm điều gì vô đạo, để mà bảo chúng tôi rằng cần phải cố gắng làm tốt hơn một chút, đóng góp nhiều hơn một chút, cho điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Cuộc sống ấy đã dạy chúng tôi rằng cần nhìn đời với cái nhìn độ lượng, thanh thản thay vì so đo mất còn, hơn thiệt. Chúng tôi không dám nghĩ là mình sống đã tròn, tôi cũng không nghĩ gia đình mình có gì khác so với muôn vạn gia đình khác - ai cũng có nếp nhà, ai cũng có niềm tự hào về gia đình mình, về cha mẹ vợ con anh em mình.

Tôi chỉ vô cùng hạnh phúc khi nghĩ về một điều giản dị: Ba Mẹ sẽ vui và hài lòng khi biết chúng tôi đã sống như thế.

Bà NGUYỄN THANH HÀ (Con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên