Nạn nhân (bên phải) cư trú tại “Ngôi nhà bình yên” đang được nhân viên xã hội hỗ trợ về tâm lý - Ảnh: CHU HÀ LINH
Trung tâm này có những "Ngôi nhà bình yên" được duy trì liên tục suốt 12 năm. Trong đối thoại cùng Tuổi Trẻ với chị Phương Thúy sau đây, chân dung xấu xí của bạo lực gia đình được hình dung rõ hơn qua hành trình của những nạn nhân mà họ giúp đỡ trong hơn một thập kỷ qua.
Bạo hành gia đình và vòng tròn bạo lực
* Đôi khi một vụ chồng đánh vợ tàn bạo được quay clip tung lên mạng gây xôn xao, phẫn uất và những câu hỏi đặt ra vì sao trong xã hội văn minh hơn lại vẫn có những chuyện như vậy. Còn các chị nhìn nhận câu chuyện này thế nào qua công việc hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực gia đình?
- Luật phòng chống bạo lực gia đình ra đời năm 2007 và 10 năm sau khi tổng kết tình trạng bạo lực gia đình, con số thống kê chỉ có vài chục ngàn ca. Nhưng một số liệu khác của ngành tòa án mà chúng tôi được biết là trung bình mỗi năm có 100.000 vụ ly hôn liên quan bạo hành gia đình.
Một nghiên cứu khác cũng cho biết có 87% phụ nữ ở Việt Nam bị bạo hành không muốn nói ra câu chuyện của mình.
Những con số này thể hiện một điều: tình trạng bạo lực gia đình lớn hơn rất nhiều con số được thống kê. Những phụ nữ đã phải đi tới ly hôn và ly hôn được thì có nghĩa họ đã rơi vào bi kịch rất nặng nề rồi.
* Những người tìm đến "Ngôi nhà bình yên" thường thuộc tầng lớp nào, thưa chị?
- Bạo lực gia đình không phải chỉ xuất hiện ở những gia đình có dân trí thấp như nhiều người tưởng, mà có ở mọi tầng lớp. Trong những ca chúng tôi đón về giúp đỡ ở "Ngôi nhà bình yên" có những người cả vợ chồng đều là trí thức. Thậm chí có người là tiến sĩ, giảng viên, giáo viên, có người giữ chức vụ cao, cũng có những người làm nghề tự do, nông dân.
Cũng không thể nói bạo lực trong một gia đình nông dân thì kinh khủng hơn trí thức. Mức độ, hành vi khác nhau nhưng hệ lụy đều lớn.
* Các nạn nhân chạy đến "Ngôi nhà bình yên" đều trong tình trạng bị thương, bị đe dọa?
- Phải tìm đến đây, với họ là đường cùng. Những phụ nữ bị bạo hành thường cố chịu đựng vì không muốn điều tiếng, vì vẫn muốn giữ thể diện cho chồng, cho mình, vì sợ bố mẹ biết, vì thương con cái không muốn đổ vỡ. Khi phải cầu cứu là lúc họ nhìn thấy sự không an toàn sẽ đến với cả con mình.
Nhưng nạn nhân của bạo lực gia đình không phải chỉ bị đánh đập, lớn hơn là bạo lực tinh thần. Điều đó còn khủng khiếp, ám ảnh hơn là cách "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay". Hậu quả cũng không chỉ xảy ra với những người vợ, mà đáng lo ngại là tác động nặng nề lên trẻ em.
Câu chuyện của các nạn nhân bạo lực gia đình khiến tôi liên tưởng đến con nhộng tằm bị quấn chặt trong cái kén, không thể tự thoát ra được. Họ có quá nhiều ràng buộc. Nhưng cái ràng buộc họ kinh khủng nhất lại là suy nghĩ ở trong đầu các nạn nhân, là quan niệm tác động lên mỗi người và cả cộng đồng.
* Chị nói đến "vòng tròn bạo lực" như thể một hành trình khép kín không lối thoát khỏi bạo lực gia đình?
- "Vòng tròn bạo lực" là chúng tôi rút ra từ câu chuyện cụ thể của hơn 1.300 nạn nhân mà Ngôi nhà bình yên đã đón nhận, giúp đỡ trong 12 năm qua. Nạn nhân rơi vào vòng tròn này rất khó thoát ra, kể cả khi có sự giúp đỡ. Một số trường hợp gia đình trí thức, vòng tròn này càng tinh vi trong sự trói buộc và mức độ tổn thương càng sâu hơn.
Xuất phát điểm là quan niệm vẫn còn khá phổ biến trong xã hội khi dồn lên vai người phụ nữ nhiều trách nhiệm đối với gia đình và khi có bất cứ điều gì xảy ra, chỉ họ là người có lỗi, họ là người phải "một điều nhịn, chín điều lành", phải "biết hi sinh".
Ngược lại, vẫn còn rất nhiều người đàn ông trong gia đình cho mình quá nhiều quyền. Không chỉ là quyền quyết định những việc to lớn trong nhà, mà cả những việc rất nhỏ.
Mức độ bạo lực trong nhiều trường hợp đều tăng tiến dần. Những người phụ nữ rơi vào bạo lực gia đình dần trở nên lệ thuộc, sợ hãi. Có những người chỉ một cái lừ mắt của chồng cũng bị tê liệt.
Với khá nhiều phụ nữ trong cảnh này, chỉ có tự tử mới là giải thoát. Hiếm có người phụ nữ nào muốn tự tay phá vỡ gia đình - nơi mình còn tia hi vọng mong manh hàn gắn. Mủi lòng, tha thứ và cứ thế "vòng tròn" được tiếp tục.
ThS Lê Thị Phương Thúy tốt nghiệp ngành luật học, làm việc tại Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, nghiên cứu, đề xuất các chính sách, đảm bảo thực hiện quyền cho phụ nữ và trẻ em. Từ năm 2004 đến nay, chị thực hiện việc xây dựng các mô hình trợ giúp phụ nữ, trẻ em, trong đó có mô hình "Ngôi nhà bình yên".
Ngôi nhà bình yên của những nạn nhân bạo hành gia đình
* "Ngôi nhà bình yên" đã đón những nạn nhân của bạo lực gia đình như thế nào?
- Không chỉ có phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, ở đây còn đón nhận hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của các vụ buôn bán người, nạn nhân của xâm hại tình dục… Các nạn nhân được tạm trú 3-6 tháng. Trường hợp họ chưa được an toàn sẽ có thể gia hạn.
Trong thời gian lưu trú, họ được hướng dẫn, chia sẻ về các quy định pháp luật, các kỹ năng tự vệ, tư vấn chăm sóc về sức khỏe, tâm lý. Trong thời gian đó, chúng tôi có trách nhiệm liên hệ với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để phối hợp hỗ trợ, đảm bảo cho họ an toàn khi trở về cuộc sống thường ngày.
* Đây là công việc nhạy cảm, những người giúp đỡ có gặp khó khăn, trở ngại không? Khó khăn nhất trong việc giúp đỡ những nạn nhân của bạo lực gia đình là gì?
- Rất nhiều khó khăn. Những kẻ gây bạo lực từng đến đây đe dọa, đập phá, đòi "thả người". Chính quyền địa phương vẫn coi đây là chuyện riêng của các gia đình, chứ không là việc xã hội phải quan tâm.
Nhưng cái khó nhất tôi nghĩ là quan niệm của xã hội chậm thay đổi, vẫn trọng nam khinh nữ. Ví như khi một vụ bạo lực xảy ra bị tung lên mạng, nhiều người thường trực ngay suy nghĩ "cô vợ có thế nào mới bị đánh", hoặc "phải dạy vợ là đúng rồi", "cãi chồng thế đánh cho là phải"…
Bị chịu trách nhiệm, bị đổ lỗi cũng là lý do nhiều nạn nhân không mở lòng, không tin tưởng để chia sẻ câu chuyện của mình và nhận sự hỗ trợ.
Chúng tôi có những nguyên tắc, trong đó ưu tiên số 1 là sự an toàn cho nạn nhân cả về thể chất và tinh thần. Việc này không chỉ đảm bảo khi họ lưu trú ở "Ngôi nhà bình yên" mà cả khi trở về. Tiếp theo là thái độ tôn trọng, sẵn sàng lắng nghe.
Đây là một nghề đặc biệt, làm việc với những người đang bị tổn thương nên không ai có quyền làm cho tình trạng của họ trầm trọng hơn. Bởi thế, nếu coi đây chỉ là "nghề kiếm cơm" đơn thuần thì sẽ không làm được.
* Nếu được trợ giúp, các nạn nhân có thể thoát được khỏi "vòng tròn bạo lực" không?
- Có người thoát ra được bi kịch, nhưng có người trở đi trở lại "Ngôi nhà bình yên" nhiều lần. Chúng tôi giúp họ có kiến thức, kỹ năng, quan trọng nhất là họ có niềm tin vào những người sẽ đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ họ.
Chúng tôi cũng can thiệp với gia đình, địa phương để an toàn cho việc họ trở về. Nhưng tất cả những điều chúng tôi làm cũng chỉ để các nạn nhân hiểu được quyền của mình, giá trị của bản thân mình. Nếu họ hiểu được thì không ai khác ngoài họ sẽ là chuyên gia của chính đời mình. Vì chỉ họ mới biết rõ nhất họ cần gì.
"Ngôi nhà bình yên" thành lập năm 2007 trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ, trẻ em. Từ thành công của dự án này, "Ngôi nhà bình yên" được duy trì bằng nguồn kinh phí của Chính phủ và nguồn tài trợ của nhiều lực lượng xã hội.
Hiện chúng tôi có 3 "Ngôi nhà bình yên", trong đó có 2 cơ sở ở Hà Nội, 1 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong số 1.300 trường hợp được đón nhận vào "Ngôi nhà bình yên", có 70% trường hợp là nạn nhân bạo lực học đường. 30% đối tượng được hỗ trợ là trẻ em.
Để giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân trong thời gian dài, chúng tôi có sự phối hợp với mạng lưới bệnh viện, trường học, cơ quan tư pháp, công an, chính quyền các địa phương và đội ngũ tình nguyện viên.
Bà Phạm Thị Hương Giang (giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận