Vốn là một làng thuần nông từng đến gạo cũng không đủ ăn, nhưng nay chẳng những nhà cao cửa rộng mà người nông dân còn có lương hưu góp phần dưỡng già. Lương do chính bà con tự lập, tự hạch toán thu chi, không cần đợi chính sách nơi nào.
Ở làng ai cũng có lương hưu
Chúng tôi ghé thôn Ất, nay đã lên phố (khu Ất, phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), nơi được nhắc tới đầu tiên xây dựng thành công quỹ lương hưu cho nông dân. Một sáng kiến lạ đem lại nhiều lợi ích cho người dân quanh năm tay lấm chân bùn, cả đời cũng không nghĩ sẽ được mang sổ đi lĩnh lương.
Thôn Ất bây giờ nhà nào cũng được xây kiên cố, đặc biệt có khu như biệt thự liền kề ở đầu làng. Một phụ nữ đang loay hoay tưới phân cho luống dưa leo và rau mùi sau mưa tiếp chuyện chúng tôi:
- Sao cô không trồng lúa mà trồng hoa màu hết vậy? - tôi hỏi.
- Trồng lúa chuột ăn hết, ở đây chẳng còn ai cấy lúa nữa - cô trả lời.
- Cô có lương hưu nông dân không?
- Tôi có, nhà sáu suất đóng quỹ liền. Tôi nay 59 tuổi, còn hai năm nữa được nhận lương hưu rồi.
Cô là Nguyễn Minh Thuyết, cho biết phong trào lương hưu ở đây vẫn được người dân hưởng ứng mạnh.
Chuẩn bị ra đồng, cụ Trần Thị Xuân, tuổi 87, vẫn minh mẫn kể chuyện: "Tôi nhận lương hưu đã 26 năm rồi. Ngày xưa nghèo làm gì đủ ăn, từ khi có lương hưu thì đỡ nhiều. Giờ con cháu làm ăn có tiền vẫn đóng, về già mà hưởng lương" - cụ cười khoe con trai của cụ là Phạm Công Bộ, năm nay 63 tuổi, cũng hưởng lương hưu được hai năm.
Đối diện nhà cụ Xuân, hai bà hàng xóm đang ngồi "buôn chuyện" cũng đều tham gia quỹ hưu. "Lương cũng không nhiều đâu, chủ yếu lấy trẻ nuôi già mà. Trước còn lãi cao, mấy năm nay lãi ngân hàng thấp nên đóng để dành sau này thôi", bà Hoa cho biết thêm đang chờ được hưởng năm lương đầu tiên của mình.
Ngồi kế bên là bà Trần Thị Đào, 64 tuổi, mới nghỉ hưu. Tết vừa rồi vợ chồng bà đều được lĩnh lương, ông lĩnh năm nhất, bà lĩnh năm hai. "Vợ mua bánh chưng, chồng sắm giò chả, thế là đủ Tết", bà Đào tếu táo.
Hành trình quỹ hưu
Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Anh Hào - "thuyền trưởng" gắn bó với phong trào ngay từ buổi đầu sáng lập quỹ. Năm nay ông dù đã gần 80 nhưng vẫn cặm cụi tính toán từng con số ở nhà văn hóa thôn.
"Không ảnh hưởng dịch COVID-19, chúng tôi đã tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập rồi, tiếc là chưa làm được. Năm kỷ niệm 25 năm làm khá to, bà con tham dự đông vui lắm. Cuối năm đến ngày lĩnh lương, bà con sẽ lại gặp nhau", ông Hào vui vẻ nói.
Năm 1992, thôn Ất còn là một xóm nhỏ, dân nghèo đến độ giáp hạt là thiếu hụt. Tình cờ cụ Nguyễn Văn Khoan, một cán bộ tuyên huấn vừa nghỉ hưu, về làng mang theo chủ trương xây dựng quỹ lương hưu cho nông dân. Sáng kiến "an sinh nhờ hạt thóc" thiết thực nên nhanh chóng được triển khai.
Mỗi nông dân đóng tổng cộng 100kg thóc, đóng trong vòng 10 năm, đến năm 60 tuổi sẽ được nghỉ hưu và hưởng lương. 18 tuổi trở lên có thể tham gia, đóng xong quỹ thì được hưởng lãi, chờ hưu. Người 50 tuổi trở lên được khuyến khích đóng luôn 100kg thóc.
Một ban vận động quỹ được thành lập, khuyến khích ai là hội viên hội nông dân thì hãy gương mẫu.
"Chúng tôi đến từng nhà, có nhà họ tránh không gặp, phải đến nhiều lần họ mới chịu tham gia. Cũng khó trách vì hồi đó một số hợp tác xã, tín dụng hoạt động kém hiệu quả, xảy ra tiêu cực. Người dân mất niềm tin nên việc đóng quỹ hưu còn e dè" - ông Hào trong ban vận động quỹ kể thêm công việc của ban thu chi quỹ không dễ, không tròn trách nhiệm khó mà trụ được.
Năm 1994, khi quỹ hưu chuyển từ thu thóc sang thu tiền càng phải minh bạch, ngoài trưởng ban, kế toán, thủ quỹ còn phải bầu thêm một trưởng kiểm soát. Ấy vậy mà có lúc phải đứng bên bờ vực tan rã.
"Một số nơi cũng lập quỹ đều gặp khó khăn. Mỗi lần họp hội đồng chúng tôi đều kêu gọi hãy phát triển nữa đi thì chúng tôi mới có chỗ dựa, đơn thương độc mã quá khó sống", ông Hào nhớ lại.
Quỹ hưu sau khi thu sẽ được gửi vào ngân hàng, hằng năm sẽ chi hưu và lãi cho bà con. Ai cần vay để tăng gia sản xuất sẽ được vay và trả lãi như ngân hàng.
"Thời điểm lãi cao bà con phấn khởi nhưng khi lãi hạ, thu không bù chi bà con chán, muốn bỏ quỹ. Tôi tìm đến ông Khoan, cũng là người thân, tâm tình: "Có lẽ phải bỏ cuộc thôi". Ông ấy nói: "Đừng lo lắng. Ngân hàng hạ lãi mình cũng hạ, chỉ chi 70% lãi suất cho bà con". Cách này đã 'cứu' quỹ hưu và duy trì cho đến ngày nay", ông Hào kể.
Mới đây, xảy vụ lùm xùm ở một ngân hàng, ông Hào đã rút hết tiền gửi chuyển sang ngân hàng khác để bảo toàn quỹ hưu cho bà con. Hiện nay số thành viên quỹ hưu tới 570 người, chiếm 60% nhân khẩu của khu Ất. 127 nông dân đang hưởng lương, 356 người hưởng lãi, số còn lại đang chờ hưu. Lương được tính theo thời giá. Năm ngoái, mỗi nông dân được lương 900.000 đồng, nhận lãi 70.000 đồng.
Quỹ lương hiện còn hơn 3 tỉ đồng gửi ngân hàng, số đang cho bà con vay là 170 triệu đồng. "Trước đây bà con vay nhiều lắm, quỹ ra đời để hỗ trợ bà con phát triển kinh tế mà. Bây giờ cuộc sống không còn khó khăn như trước nữa, tôi cũng mừng", ông Hào bày tỏ.
Bớt khó nhờ quỹ hưu nông dân
Lương hưu đã làm thay đổi đời sống của người nông dân thôn Ất ra sao? "Thời kỳ đầu quỹ hưu thật sự dùng để cứu đói, sau đó số hộ vay tăng gia sản xuất ngày càng nhiều", ông Hào kể.
Những gia đình "đi lên" nhờ quỹ hưu phải kể đến nhà ông Trần Hữu Loát. Ông Loát từng vay quỹ hưu 100 triệu đồng để con trai đi xuất khẩu lao động. Chỉ một thời gian, anh đã gửi tiền về để bố mẹ trả nợ, bây giờ ông bà còn xây được căn nhà ba tầng rộng rãi ở quê.
Gia đình ông Nguyễn Đức Ba từng bị cảnh thiếu đói, nhất là những tháng giáp hạt. Năm 2002, ông đăng ký vay 5 tấn thóc để nuôi gà vịt và cũng cho con gái sang Đài Loan làm việc. Cô đi hai năm đã gửi tiền về cho ông trả xong nợ nần. Thấy lợi, ông hỏi vay tiếp thêm quỹ 4 tấn thóc để con trai sang làm cùng chị gái.
Ông Nguyễn Văn Luyến cũng thoát nghèo nhờ quỹ hưu nông dân. Từ khoản vay 30 triệu đồng đầu tư ao cá, tiền bán cá ông cũng dồn cho con đi xuất khẩu lao động. Cuộc sống của gia đình ông bước sang trang mới.
Cũng nhờ khoản vay, bà Trần Thị Đào đã mua một con bò vừa để cày cấy vừa cho sinh sản. Nhờ đó, gia đình bà lo cho con cái học hành. Hiện các con bà đã có gia đình riêng, xây được nhà mới to đẹp. "Lương hưu nông dân hay mà, tuổi già cũng đỡ lo", bà Đào cười nói.(còn tiếp)
Đối với những người già neo đơn, con cái ở xa như hoàn cảnh bà Trương Thị Lờ, 87 tuổi, lương hưu nông dân và trợ cấp người cao tuổi đã góp phần giúp bà sống an bình tuổi già.
Nhiều cụ trong làng hưởng lương hưu 10 năm, 20 năm, tính ra đã vài tấn thóc. Chính ông Hào cũng nhận số tiền lương của 16 năm, mua được khoảng 2 tấn thóc. Quỹ hưu còn giúp chương trình xây dựng nông thôn mới, như cho thôn vay 20 tấn thóc xây dựng trạm biến thế và nhà văn hóa thôn khang trang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận