Lần theo câu hát trong bài Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân, chúng tôi tìm về làng chiến đấu Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.
Phóng to |
Làng Cự Nẫm được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia - Ảnh: Nguyên Linh |
Thầy giáo già Nguyễn Hữu Phi (75 tuổi, nguyên hiệu trưởng Trường THCS Cự Nẫm) - người chấp bút cuốn Lịch sử đảng bộ xã Cự Nẫm giai đoạn 1945-2005 - vừa dẫn chúng tôi dạo quanh làng vừa say sưa kể về những ngày tháng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc và những khó khăn trước kinh tế thị trường của người dân Cự Nẫm.
Ở đây có cả ngàn câu chuyện kể về sự hi sinh, những ký ức và những phận đời, với những tấm lòng cao cả của các mẹ, các chị đã góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân 1975, góp phần thống nhất non sông.
Binh trạm trong lòng dân
"Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, người Mỹ đã huy động cả ngàn lượt máy bay, ném xuống Cự Nẫm khoảng 55.500 quả bom hạng nặng, chưa kể ba tốp máy bay B52 rải thảm 12.600 tấn bom vào ngày 14-1-1973 giết chết 120 người dân vô tội. Toàn xã có 268 người chết, 221 người bị thương, 658 căn nhà bị cháy, nhiều kho hàng bị đánh sập, hàng ngàn gia súc bị chết. Tính ra mỗi người dân Cự Nẫm phải “đội” trên đầu mình 16 quả bom" |
Thầy Phi đưa chúng tôi thẳng tới nhà ông Mai Văn Giá. “Về Cự Nẫm phải gặp ông Giá. Ông là pho sử sống của làng, người vinh dự được gặp Bác Hồ báo công. Trong những năm tháng chiến tranh, làng Cự Nẫm đã trở thành huyền thoại thì ông Giá là người đầu tiên viết nên huyền thoại đó” - thầy Phi tự hào giới thiệu.
Ông Giá năm nay đã 99 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông kể vanh vách những ngày tháng sôi sục cùng nhân dân Cự Nẫm rào làng chiến đấu chống Pháp.
Ông Giá kể: “Tôi người Huế. Sau khi mặt trận ở Huế vỡ, tôi chuyển về hoạt động ở Quảng Bình. Cuối năm 1946, tôi và hai người bạn được tỉnh giao nhiệm vụ về cắm ở Cự Nẫm, cùng nhân dân rào làng chiến đấu, khiến quân địch khiếp sợ mỗi khi nhắc tên làng”.
Bước qua cuộc trường chinh đánh Mỹ, người Cự Nẫm chưa có đêm nào ngủ trọn giấc, bởi họ phải che chở những đoàn quân ra trận. Một lần nữa Cự Nẫm được chọn là điểm tựa, nơi đụng đầu của lịch sử, trở thành cửa ngõ ra Bắc vào Nam.
Đây là điểm dừng chân cuối cùng của bộ đội Trường Sơn trước khi vào chiến trường, đồng thời là điểm tập kết hàng hóa quân sự, là trạm trung chuyển, tiếp nhận chăm sóc thương bệnh binh chuyển ra từ chiến trường. Bởi thế người ta mới gọi Cự Nẫm là “làng binh trạm” hay “làng một đêm”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Giá ít nói về thành tích của mình, nhưng ông kể nhiều về tấm lòng cao cả của các chị, các mẹ dành gạo nuôi quân.
Nhắc lại chuyện cũ, ánh mắt của ông Hoàng Tiến Dũng, nguyên xã đội trưởng Cự Nẫm thời kỳ chống Mỹ, sáng rực lên. Ông kể rằng Cự Nẫm là nơi đóng binh trạm lớn nên quân Mỹ đã dùng đủ các loại máy bay ngày đêm chà xát, trút xuống Cự Nẫm hàng vạn tấn bom nhằm chặt đứt cuống họng này.
“Hồi nớ, bộ đội nườm nượp vào làng. Họ vào làng buổi tối, ra đi vào chiều tối hôm sau. Người Cự Nẫm cứ ngày ra đồng sản xuất, đêm về băng rừng dẫn bộ đội về nhà nghỉ ngơi; rồi đi bốc dỡ, cất giấu hàng hóa đến 2g-3g sáng mới hết việc” - ông Dũng nhớ lại.
Dẫn chúng tôi ra khu vườn nhà mình, ông Dũng cho biết bao quanh căn nhà từng là kho gạo của binh trạm. “Lúc đó, người dân quê tôi thiếu thốn trăm bề, nhưng lương thực, thực phẩm của bộ đội không ai đụng đến” - ông Dũng nhớ lại.
Thế mới có chuyện các chị, các mẹ Cự Nẫm âm thầm giúp bộ đội nấu cơm, tiếp nước; cất giữ lương thực, vũ khí, chăm sóc thương binh. Người thì tháo nhà ở của mình lót đường cho xe ra mặt trận. Nhiều gia đình bị bom đạn hủy diệt, nhưng dòng máu anh hùng của người Cự Nẫm thì cao ngút ngàn.
Đó là chuyện chị Nguyễn Thị Khỏe cương quyết hoãn lễ cưới để lên đường đánh Mỹ. Anh Nguyễn Bình mồ côi, mới 16 tuổi đã viết tâm thư để được đi bộ đội cầm súng đánh giặc.
Và anh hi sinh ở tuổi 17, để lại tấm gương sáng với hành động dũng cảm lấy thân mình che đạn cho một thương binh. Rồi chuyện cụ Lười cứ nằng nặc nhận nhiệm vụ ôm mìn đi phá bom nổ chậm để thông đường; còn mẹ Ngạn, mẹ Luyến, mẹ Xê... ngày ngày chăm sóc thương binh, ngụy trang xe pháo. Họ trở thành một hậu phương vững chắc, điểm tựa tinh thần cho bộ đội trước giờ vào trận.
Chưa có ngọt bùi...
Chiến tranh đã lùi xa. Về Cự Nẫm bây giờ khó nhận ra dấu vết của một thời đạn bom khốc liệt. Những quả đồi, mảnh vườn chi chít hố bom xưa nay đã xanh màu cây trái.
Dẫn chúng tôi đi thăm đình làng - nhà truyền thống, ông Phan Đình Hà, phó chủ tịch UBND xã Cự Nẫm, giới thiệu rằng Cự Nẫm có cả một quần thể cụm di tích lịch sử cấp quốc gia; làng được phong tặng danh hiệu Anh hùng vũ trang và cả Anh hùng lao động.
Hợp tác xã Cự Nẫm từng là lá cờ đầu của miền Bắc trong phong trào “hai giỏi”, nhiều lần được tuyên dương. Trong phòng truyền thống là một kho đầy ắp hiện vật ghi lại những chiến công oai hùng, những dấu mốc lịch sử khốc liệt của quân dân Cự Nẫm.
Thế nhưng cuộc chiến đã đi qua hơn 40 năm, ngôi làng anh hùng này vẫn nghèo. Ông Hà nhìn ra cánh đồng nói giọng đượm buồn: “Cự Nẫm thuần nông nghiệp, người dân cần mẫn bám ruộng đồng mà sống. Nhưng người ngày một đông, còn đất sản xuất thì eo hẹp lại. Trong khi đó 460ha ruộng lúa màu mỡ chỉ làm được một vụ mùa đông xuân, còn vụ hè thu thì thiếu nước, khô hạn. Ruộng đồng bỏ hoang, người dân thất nghiệp phải đi làm thuê tứ xứ”.
Trong câu chuyện kể về đời sống người dân Cự Nẫm, ông Mai Văn Giá cứ băn khoăn, đất nước thống nhất đã lâu nhưng người dân vẫn phải “bầm trầy” kiếm miếng ăn, cái khó, cái nghèo vẫn đeo đẳng họ.
“Người Cự Nẫm hi sinh nhiều cho sự nghiệp thống nhất đất nước, giờ chiến tranh đã lùi xa nhưng người dân vẫn khó, vẫn nghèo, nhiều khi thấy tủi thân lắm. Giờ mong sao Nhà nước có những chính sách hỗ trợ, đầu tư để giúp người dân thoát khỏi khó khăn” - ông Giá nói.
Giữa trưa nắng gắt, hai mái đầu bạc của vợ chồng ông Chửng - bà Ánh vẫn cặm cụi, cần mẫn trên đồng ruộng. Bà Ánh nói rằng các con đều lập gia đình và ra ở riêng, hai vợ chồng bà phải gắng làm lụng để tự nuôi bản thân và tích cóp tiền trả nợ.
“Mới đây, tôi đổ bệnh hiểm nghèo, gia đình phải chạy đôn chạy đáo vay nợ mấy chục triệu để lo chi phí phẫu thuật mới cứu được mạng sống”.
Vợ chồng cựu chiến binh Đào Xuân Long cũng đang “gánh” những khó khăn cho các con mình. Ông Long nói công việc làm ăn ở quê ngày càng khó khăn, ruộng đồng khô hạn, các con ông không có việc làm phải bỏ lại con nhờ ông bà nuôi để đi làm thuê nơi khác.
Kết quả những cuộc tình một đêm Hôm về Cự Nẫm, chúng tôi được nghe kể những chuyện tình bất tử trong lửa đạn chiến tranh. Hàng vạn người chỉ ở Cự Nẫm một đêm, ăn một bữa cơm, dù gặp nhau chỉ vài giờ trong lửa đạn nhưng đã kịp nảy nở những mối tình một đêm chung thủy. Đó là tình yêu của những anh bộ đội Trường Sơn với các o dân quân Cự Nẫm. Qua ánh mắt, lời nói, họ yêu nhau rồi “hẹn ngày chiến thắng, ta sẽ về trong một nhà”. Và sau ngày thống nhất non sông, những người lính mang theo lời hẹn ước vào chiến trường ấy đã trở lại. Rồi họ nên vợ thành chồng, hạnh phúc bên nhau trên mảnh đất chi chít hố bom này. Chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh Đào Xuân Long. Ông Long quê ở huyện Đông Hưng, Thái Bình, cựu lính lái xe của đoàn 559, còn bà Trà - vợ ông - là y tá thôn. Sau khi rời quân ngũ, ông Long quyết định “ở rể” đất Cự Nẫm. Ông Long là lính lái xe vận chuyển khí tài, lương thực từ binh trạm 14 vào chiến trường Quảng Trị, sang Lào. Trong một lần đánh xe đến nhận hàng ở Cự Nẫm, trái tim ông Long rung động trước vẻ đẹp dịu hiền và nụ cười duyên của cô Trà. Sau vài giờ tâm sự, ông Long trở vào chiến trường, mang theo lời hẹn ước với cô y tá. “Ba năm sau, tôi trở lại Cự Nẫm và xin phép được cưới Trà làm vợ. Anh em trong đơn vị thay mặt họ nhà trai tổ chức buổi liên hoan, vậy là hai đứa nên duyên” - ông Long nheo mắt cười. Bà Trà đang ngồi nhặt rau góp chuyện: “Thời đó chiến tranh ác liệt lắm, cưới xong ở với nhau chỉ được ba ngày là ông đi biền biệt, đứa con gái đầu phải sinh trong hầm, toàn bộ cậy nhờ nhà ngoại”. “Sao ông chọn Cự Nẫm để ở?” - tôi hỏi. Ông Long nhoẻn cười: “Chọn Cự Nẫm để lập nghiệp, bởi tôi quý mảnh đất này. Người dân ở đây nghĩa tình, tốt bụng, không phân biệt kỳ thị người xứ nọ tỉnh kia. Dù ở rể nhưng tôi có cảm giác thân thương như ở quê nhà”. Ở Cự Nẫm có hàng chục người “ở rể” như ông Long. Ông Đỗ Đình Chửng (quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa) trên đường vào chiến trường đã bén duyên với cô dân quân Phan Thị Ánh khi dừng chân ở Cự Nẫm. Sau này ông Chửng trở lại tìm bà Ánh, họ nên vợ thành chồng và có năm người con; người con trai cả nay làm xã đội trưởng Cự Nẫm. Ở cạnh nhà vợ chồng ông Chửng là gia đình vợ chồng anh Tơn - chị Luyến. Anh Tơn là cháu ông Chửng, cũng là lính Trường Sơn, trên đường vào chiến trường đã đem lòng yêu thương cô Luyến khi ghé vào Cự Nẫm một đêm, sau này họ thành đôi và ở lại mảnh đất này. Thầy Phi kể rằng sau ngày thống nhất, nhiều cô gái Cự Nẫm đã theo chồng ra Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An, có người lên Tây nguyên, người vào Quảng Trị để hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên nhau. |
Xem thêm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận