03/12/2014 10:05 GMT+7

​Ngôi làng “đệ nhất kéo”

H.DƯƠNG - HƯỜNG NGUYỄN
H.DƯƠNG - HƯỜNG NGUYỄN

TT - Khoảng 100 năm trước, những bộ complet-veston sang trọng của giới chức Pháp và thượng lưu người Việt tại Hà Nội đều do các nông dân một làng quê ở Hà Tây thiết kế.

Một phụ nữ chuyên công đoạn thùa khuy, cắt chỉ complet ở Từ Thuận - Ảnh: Hải Dương
Một phụ nữ chuyên công đoạn thùa khuy, cắt chỉ complet ở Từ Thuận - Ảnh: Hải Dương

Những chủ tiệm may đo đồ Âu phục nổi tiếng Hà thành khi đó cũng là người ở làng Từ Thuận, Vân Từ, Phú Xuyên. Ngày nay với những công xưởng may đo thời trang giữa làng, nơi đây trở nên giàu có, lộng lẫy nhất vùng.

Học việc tuổi 13

Từ Thuận có 150 hộ thì hiện có đến 140 hộ làm nghề may hoặc tham gia vào một công đoạn nào đó trong việc may đo complet-veston. Có tới hơn 90% số người trong độ tuổi lao động đang làm complet-veston
Ông NGUYỄN MẠNH DUY (hội trưởng Hội làng nghề Từ Thuận)

Đầu thế kỷ 20, dưới chế độ thuộc địa, dân Việt đã dần biết đến bộ Âu phục của người Tây. Những cửa hàng may đo complet-veston manh nha xuất hiện trên các phố Hàng Hòm, Hàng Gai ở Hà Nội.

Điều đặc biệt là chủ nhân của những hiệu may đồ Tây đình đám khi đó không phải dân Hà Nội mà lại là một số nông dân mãi mạn Phú Xuyên, Hà Tây cũ.

Ông Đào Dự, 76 tuổi, thuộc thế hệ thứ 3 ở làng Từ Thuận may complet-veston, nhớ lại: “Đầu những năm 1950 của thế kỷ trước, tôi, ông Nguyễn Hòa, Nguyễn Lai và một số chàng trai khác đã rời làng lên Hà Nội học may. Khi đó tôi mới 13 tuổi. Cũng bởi đất làng chúng tôi cấy hái khó khăn lắm, nên thời ông, cha đã tha hương đi kiếm ăn khắp nơi rồi”.

Trước Cách mạng Tháng Tám, ở khu phố cổ Hà Nội đã có các cửa hàng may Toàn Thuận Anh, Toàn Thuận Em, Thuận Thịnh đều của ông chủ người làng Từ Thuận. Đó là thời kỳ hưng thịnh của nghề may complet-veston, bởi khi đó nhu cầu của quan chức người Pháp và giới thượng lưu Việt rất lớn.

Ông Dự kể lại: “Đến lúc chúng tôi ra cửa hàng Toàn Thuận Em ở 73 Hàng Gai học việc thì đồ complet-veston đã suy tàn. Rồi kháng chiến chống Pháp dân mình làm gì có mấy ai giàu, có tiền mặc đồ Tây. Nhưng để giữ cái nghề truyền thống của quê hương chúng tôi vẫn quyết tâm chịu khổ, chịu đói để học nghề”.

Đặc biệt sau năm 1954, ông Dự nói: “Khi đó dân Hà Nội nghèo khó lắm, kiếm cuộn chỉ, cái kéo cũng khó khăn chứ mơ gì tiệm may phục hưng”.

Trong hai cuộc kháng chiến và khi đất nước bước vào cơ chế bao cấp, những hiệu may của người Từ Thuận nổi tiếng khu phố cổ lâm vào tình cảnh lay lắt. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì không có khách hàng.

Một người cũng nuôi chí học cắt may từ nhỏ và hiện nay được dân Từ Thuận phong cho danh “đệ nhất kéo” là ông Nguyễn Hòa quả quyết: “Từ Thuận không có thế hệ chúng tôi ra Hà Nội học nghề của cha ông chắc chắn sẽ chẳng có những hiệu may, cùng đội ngũ thợ lành nghề đông đảo như hiện nay. Học được nghề ở khu phố cổ, tuy may đo bị tạm lắng nhưng chúng tôi đã vác kéo, vác thước đi xin làm thuê ở khắp mọi nơi miễn là còn tiệm may Âu phục tồn tại”.

Đến cuối những năm 1980, ông Hòa, ông Dự đã vận động kêu gọi con cháu gây dựng lại các hiệu may: Đức Thuận, Thuận Toàn, Minh Ký... ở ngay chính làng mình. Khi đó thế hệ thứ tư gồm các thanh niên nam nữ mà hiện nay đang độ tuổi 40-50 cùng nhau kéo đến cửa hàng của ông Hòa học việc.

Cũng từ Từ Thuận, các ông Hòa, Dự, Lai đã mở nhiều lớp chuyên nghiệp cho các bạn trẻ ở cả xã Vân Từ, Phú Xuyên.

Ông Hòa nhớ lại: “Dân chúng tôi ở đây tuy thuần nông, nhưng lạ một cái là bọn trẻ rất thích học cắt may thời trang. Có lớp chúng tôi mở được một thời gian ngắn đã thu hút gần 100 học viên. Nhiều bạn trẻ hiện nay có tay nghề cao, không chỉ làm đồ complet-veston nam giới mà còn cắt cả áo dài, đầm váy cho nữ giới”.

Công xưởng may đo

Nếu mọi người về Từ Thuận hôm nay mà muốn kiếm một ngôi nhà cấp bốn hay đoạn đường đất thì quả là vô cùng khó khăn. Mặt bằng kinh tế của dân Từ Thuận hiện nay không chỉ nổi trội hơn các làng khác mà còn thuộc vào loại phát triển nhất trong các làng, xã ở vùng Hà Tây.

Theo ông Duy, hiện nay có gần 30 ông chủ mở xưởng may đo ra mặt đường với số vốn hàng chục tỉ đồng, gia đình nào cũng có xe con đắt tiền, nhà kiểu biệt thự sang trọng. Bây giờ người Từ Thuận không còn may complet-veston theo kiểu một cửa hàng kiêm tất cả công đoạn như thế hệ ông Hòa, ông Dự nữa.

Ở Từ Thuận hiện nay, tất cả công xưởng may đo đều kiêm luôn vai trò truyền nghề cho những người trẻ trong làng muốn theo học.

Hai chàng trai Đức, Hiếu cùng cô bé Ngọc Linh mà chúng tôi gặp ở một xưởng may ngoài phố là một ví dụ. Đức và Hiếu sau khi thi trượt đại học đã xin vào xưởng nhận chân ép vải với mức lương 4 triệu đồng/tháng.

Còn Ngọc Linh thì ngồi thùa khuy, đính nút cho các sản phẩm bằng máy. Cả ba bạn trẻ đều cho chúng tôi biết ngoài việc chuyên môn hóa trên, họ đều được ông chủ dạy cắt may để sau này có vốn sẽ mở tiệm làm riêng.

Trong chuyến về Từ Thuận, chúng tôi có nhắc tới một thương hiệu may nổi tiếng ở Hà Nội, đó là Công ty may đo thời trang cao cấp Toàn Thắng, 137 Tây Sơn, Đống Đa. Ông Dự nghe thấy tên ấy cười khà khà và cho biết: “Ông chủ của công ty ấy là Đào Mạnh Thắng, anh em họ với tôi đó”. 

Nhưng ở chính làng Từ Thuận hiện nay số công xưởng hay gọi đúng hơn là các công ty chuyên may complet-veston cao cấp cỡ Toàn Thắng nhiều vô số kể.

Riêng ba người con của ông Hòa là Nguyễn Mạnh Duy, Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Văn Trường đã có xưởng trưng bày, tiêu thụ sản phẩm ở khắp các tỉnh thành phía Bắc như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hải Phòng, Hòa Bình...

Trải qua 100 năm, Từ Thuận đã sản sinh ra nhiều nhà thiết kế cắt may trứ danh. Có một điều đặc biệt, đàn ông mới là những người cắt may thiết kế chính, còn phụ nữ ở Từ Thuận chỉ phụ chồng, phụ con mà thôi.

Trai Từ Thuận bao đời nay vẫn được coi là những tay kéo, tay thước tài hoa, đắt vợ, con gái làng khác đều muốn làm dâu Từ Thuận.

Mỗi khi mùa cưới về, Từ Thuận ngày nào cũng như trẩy hội. Người dân sắp làm đám cưới ở khắp mọi nơi đã lặn lội, tấp nập về đây thuê, mua đồ cho chú rể, cô dâu, cho đội bưng tráp và quan viên hai họ...

Những bộ complet-veston giá 1 triệu đồng bình dân cho đến bộ cao cấp 10-12 triệu đồng, làng Từ Thuận đều có thể đáp ứng khách hàng.

Cuộc sống ấm no

Chúng tôi vào nhà anh Lê Ngọc Thanh nằm ở giữa làng và chứng kiến cảnh ba thành viên trong gia đình đang ngồi bên máy khâu.

Vào ngày nghỉ cuối tuần hay những buổi nghỉ học, cô con gái đang học cấp III của anh rất hào hứng học việc từ chính người bố của mình.

Anh Thanh cho biết: “Mình có thể thiết kế cắt may được hoàn chỉnh một bộ quần áo complet. Nhưng ở làng bây giờ chẳng mấy ai làm từ A-Z như thế, vừa lâu lại không cho thu nhập cao. Chính vì thế gia đình mình giờ chỉ chuyên nhận may phần ráp thân và ráp cổ thôi, sau đó chuyển cho các gia đình khác làm công đoạn hoàn thiện tiếp theo”.

Cũng giống như nhiều gia đình khác, nhà anh Thanh lúc nào cũng có 4-5 chiếc máy may công nghiệp và bàn cắt ở bên cạnh. Dù chỉ làm một công đoạn nhưng anh Thanh vẫn đang cố gắng dạy cho con gái cắt may hoàn chỉnh được một bộ complet.

Theo anh, nếu sau này không học hành cao lên được, con gái đi lấy chồng thì cũng có cái nghề trong tay, có thể mở tiệm để kiếm sống. Với 2 lao động chính và cô con gái học việc, thu nhập hằng tháng của gia đình anh Thanh cũng tầm 13-15 triệu đồng.

Anh tâm sự: “Ở làng này thu nhập như gia đình tôi đáng kể gì. Nhìn chung các gia đình trong xóm làm quần áo theo công đoạn thường có thu nhập 150-200 triệu đồng/năm. Còn các ông chủ có xưởng và phòng trưng bày sản phẩm ngoài mặt đường mới đích thực là những đại gia, giàu có”.

H.DƯƠNG - HƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên