Học sinh quay cóp tại hội đồng thi trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012 - Ảnh chụp từ clip |
Cách đây mấy hôm, tôi đi ngang qua gia đình cạnh nhà, tình cờ nghe được đoạn trao đổi của hai mẹ con về ngày tựu trường.
Ngoài những chuyện về sách vở, đồng phục, ăn uống... thì người mẹ có dặn con cố gắng xin cô ngồi bàn đầu để tiện theo dõi bài giảng.
Người con liền đáp lại: “Ngồi bàn đầu khó coi bài lắm mẹ ơi. Khi kiểm tra không nhìn được bài của bạn khi gặp câu khó...”. Một ít giây sau, người mẹ lên tiếng: “Ừ, thì thôi, đừng ngồi bàn đầu…”.
Nghe đến đây tôi giật mình. Đứa trẻ này năm nào cũng nghe người mẹ khoe với hàng xóm là học sinh giỏi, sao còn muốn nhìn bài của bạn khi làm bài kiểm tra?
Câu chuyện trên tưởng chừng nhỏ, không đáng quan tâm. Nhưng đằng sau đó là một hệ lụy khôn lường. Khi đứa con đưa ra lời đáp cho việc không muốn ngồi bàn đầu vì “khó coi bài khi kiểm tra”, người mẹ đã không phản ứng gì.
Trái lại, bà đồng ý với con rằng không ngồi bàn đầu cũng được. Phải chăng bà đang đồng lõa với con về hành vi “gặp bài kiểm tra khó thì có thể nhìn bài bạn xung quanh”?
Việc học sinh quay cóp - nhìn bài bạn là vi phạm nội quy học đường, là thiếu công bằng trong kiểm tra, thi cử; là hành vi thiếu trung thực, làm bào mòn tính tự trọng nơi học sinh. Nhưng qua câu chuyện trên còn thấy sự làm ngơ của phụ huynh trước hành vi không trung thực từ con cái mình.
Thực tế có không ít bậc làm cha mẹ đã không đề cao sự tự trọng và trung thực trong môi trường học đường, chỉ chăm chắm mong con đạt điểm số cao bằng mọi giá để tự hào với thiên hạ, để đạt điểm vào trường này trường kia...
Chính họ đã vô tình giáo dục con mình sự thiếu trung thực, ban đầu chỉ là chuyện học hành, sau này dẫn đến các hành vi sai trái khác của chúng khi ra đời, đi làm… đưa đến các hậu quả khó lường cho chính bản thân đứa con và xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận