Siêu mẫu Ngọc Thúy - Ảnh tư liệu |
Trước đó, ngày 11-12-2013, báo Đời Sống và Pháp Luật (trụ sở tại Tầng 4, Tòa tháp Ngôi Sao, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) đăng bài viết “Siêu mẫu Ngọc Thúy chửi mắng, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà” trên trang web doisongphapluat.com. Nội dung bài viết nói về việc bà Ngọc Thúy cặp kè với người nổi tiếng, không chăm sóc con cái, dùng chất gây nghiện, đuổi mắng cha mẹ...
Sau khi báo đăng, bà Ngọc Thúy khởi kiện báo Đời Sống và Pháp luật ra TAND quận Cầu Giấy.
Phỏng vấn mẹ, đăng chuyện con?
Theo đơn khởi kiện của bà Ngọc Thúy, tiêu đề và nội dung bài báo “Siêu mẫu Ngọc Thúy chửi mắng, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà” là thiếu chính xác, không có cơ sở, bị thổi phồng, bóp méo làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của bà.
Bà Thúy cho rằng nội dung trong bài báo ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân bà nhưng đã không được xác minh, kiểm chứng thông tin, tờ báo viết phải là những gì có thật, được thu thập đúng pháp luật chứ không phải chỉ là lời trình bày, phát biểu của một ai đó...
Phiên tòa xét xử vụ kiện này nhiều lần hoãn xử vì nguyên đơn, bị đơn, người liên quan lần lượt vắng mặt.
Tại tòa chiều 9-12, ông Phạm Ngọc Thanh Trung (em trai nguyên đơn) có mặt tại tòa với tư cách người làm chứng. Bà Trương Thị Bê và ông Phạm Ngọc Tảo (bố mẹ nguyên đơn, người làm chứng) có giấy ủy quyền cho ông Trung tham gia phiên tòa.
Hội Luật gia VN và tác giả bài báo, anh Huy Linh có đơn xin xét xử vắng mặt.
Trả lời tòa, ông Phạm Ngọc Thanh Trung cho biết thời điểm tháng 11-2012, khi gia đình ông xảy ra nhiều mâu thuẫn, phóng viên Huy Linh gọi điện cho ông xin phỏng vấn gia đình để viết phóng sự điều tra. Bài viết nhằm mục đích lên án, giáo dục, răn đe người làm con trong gia đình không tôn trọng bố mẹ.
Sau đó, vợ chồng bà Bê và ông Trung tiếp phóng viên Huy Linh tại nhà riêng và kể về thời gian bà Bê sinh sống với bà Thúy tại Hoa Kỳ, bà Thúy đã đánh đuổi bố mẹ ra khỏi nhà, không cho bố mẹ lấy hành lý, có dấu hiệu nghiện ma túy...
Trên cơ sở thông tin gia đình bà Bê cung cấp, phóng viên Huy Linh đã đăng tải bài viết “Siêu mẫu Ngọc Thúy chửi mắng, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà” trên báo Đời sống và Pháp luật.
Ông Trung cho rằng nội dung bài báo đăng tải đúng ý kiến gia đình ông, vì vậy nếu siêu mẫu Ngọc Thúy kiện thì nên kiện gia đình ông, ông sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã cung cấp cho Báo Đời sống và Pháp luật.
Trả lời tòa, đại diện báo Đời sống và Pháp luật cho biết thời điểm báo đăng bài, tác giả Huy Linh là phóng viên thuộc cơ quan đại diện phía Nam của báo. PV Huy Linh ký hợp đồng có thời hạn một năm với công việc là viết tin bài cho báo.
Sau khi phỏng vấn gia đình bà Bê, phóng viên Huy Linh viết bài và trình tòa soạn một số chứng cứ như băng ghi âm cuộc trao đổi. Tòa soạn yêu cầu phóng viên liên lạc với bà Ngọc Thúy để xác minh thông tin bà Bê cung cấp nhưng thời điểm đó bà Thúy không ở VN nên không liên lạc được.
Hình ảnh bà Ngọc Thúy đăng trong bài viết được báo lấy từ internet.
Tòa nhiều lần đặt câu hỏi đối với đại diện báo về việc khi đăng bài có nội dung liên quan đến bà Ngọc Thúy thì có cần liên hệ với bà Thúy để xác minh thông tin hay không, hay chỉ nghe bà Bê cung cấp?
Trước câu hỏi này, có lúc đại diện báo Đời sống và Pháp Luật trả lời thời điểm đó bà Ngọc Thúy ở Mỹ, phóng viên không liên lạc được, có lúc lại trả lời không cần thiết phải xác minh.
Cơ sở nào báo khẳng định tất cả các nội dung do bà Bê, ông Tảo cung cấp cho báo là đúng với nội dung vụ việc? Trả lời câu hỏi này của tòa, đại diện Báo Đời sống và Pháp luật cho biết:
“Thứ nhất, ông Tảo bà Bê kể lại chi tiết việc xảy ra, chụp màn hình trao đổi trên facebook của bà Thúy với em trai, bà Thúy dùng ngôn ngữ không tốt đẹp. Thứ 3 là hóa đơn khách sạn ông Tảo bà Bê ở bên Mỹ khi thăm con, vì bị đuổi nên phải ra khách sạn ở”...
Quan điểm của báo có phải thẩm định lại những nội dung bà Bê nói về bà Thúy không? “Không cần xác minh lại, vì đây là bài phỏng vấn, nhân vật lại đang nói về sự kiện xảy ra với chính nhân vật đó, nhân vật phải chịu trách nhiệm với tính chính xác và nội dung thông tin” - Đại diện Báo Đời sống và Pháp luật cho biết.
Trước một số câu trả lời của báo Đời sống và Pháp luật, vị chủ tọa đề nghị báo phải xem xét lại quy trình tác nghiệp của phóng viên cũng như cách xử lý thông tin khi đăng báo.
Yêu cầu bồi thường 1 triệu đồng
Tại tòa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cho rằng bài báo đăng trên báo Đời sống và Pháp luật với tiêu đề “Siêu mẫu Ngọc Thúy chửi mắng, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà” nhưng lại không gặp bà Thúy để xác minh thông tin mà chỉ nghe một phía từ bà Bê, trong khi những thông tin mà bà Bê cung cấp là không chính xác.
Cùng đó, nguyên đơn đưa ra chứng cứ cho rằng bài báo thiếu căn cứ, gây ảnh hưởng đến cá nhân nguyên đơn. Các chứng cứ nguyên đơn cung cấp cho tòa bao gồm báo cáo, kết luận của Sở Dịch vụ gia đình và trẻ em - Cơ quan an sinh xã hội quận Santa Clara, California và báo cáo của Sở Cảnh sát San Jose, quận Santa Clara, bang California (Mỹ). Các báo cáo thể hiện các con của bà Thúy đều mạnh khỏe và được chăm sóc chu đáo bởi ba mẹ; không có nguy cơ bị bỏ bê và không có dấu hiệu về việc cha mẹ sử dụng ma túy.
Trước các chứng cứ này, đại diện Báo Đời sống và Pháp luật cho rằng xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của Mỹ do nguyên đơn cung cấp là xác nhận từ tháng 9-2012 nhưng bài báo đăng từ tháng 11-2013. Trong thời điểm này, có thể cuộc sống gia đình của bà Thúy đã thay đổi, không như xác nhận trước đó.
Bác bỏ ý kiến này, luật sư của nguyên đơn cho rằng bà Bê sang Mỹ thăm con gái từ năm 2012, sau này bà Bê về VN và tường thuật lại cho phóng viên nghe chuyện xảy ra bên Mỹ. Vì vậy, xác nhận từ các cơ quan của Mỹ là hoàn toàn trùng thời điểm bà Bê ở Mỹ.
Luật sư cho rằng bài báo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của bà Ngọc Thúy nên đề nghị báo Đời sống và Pháp luật phải gỡ bài ra khỏi hệ thống, xin lỗi công khai bà Thúy và bồi thường tổn thất tinh thần số tiền tượng trưng là 1 triệu đồng.
Sau khi các bên tranh luận, tòa nghị án. Lúc 15g chiều ngày mai 10-12, tòa sẽ tuyên án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận