● Nỗi khổ của mũi
Mũi là trạm đầu tiên nhận không khí đi vào phổi. Nó còn là cơ quan khứu giác nhận biết mùi. Mũi lại nằm chính giữa mặt tạo nên nét đẹp cho mỗi người. Ấy vậy mà khối người chưa biết cách bảo vệ mũi, một trong những việc làm phiền mũi là ngoáy mũi.
Theo thống kê thì 1/3 dân số thế giới có thói quen ngoáy mũi mỗi ngày 4 lần. Trẻ nhỏ và một số người lớn “tiết kiệm”, bằng cách xơi luôn cái món gỉ mũi vừa ngoáy bằng ngón tay không lấy gì làm sạch sẽ. Ấy vậy mà có người cho đó là điềm may mắn, trong đó có không ít huấn luyện viên và cả vận động viên nổi tiếng thế giới...
● Cú ngoáy mũi tai hại
Bạn ngoáy mũi thường làm lông mũi rụng theo. Lông mũi giống như một màng lọc không khí. Nó cản bụi, tránh cho chúng ta những cú “hắt-xì- hơi” vì bụi lớn là dị vật đối với đường thở. Ngoáy mạnh tay hơn thì niêm mạc mũi chảy máu, thấy rõ nhất là trẻ em, chúng cho tay vào mũi rồi khóc ầm lên khi thấy máu chảy. Niêm mạc mũi có một hệ thống mạch máu dày đặc nhằm làm ấm không khí trước khi vào phổi. Nay bạn làm nó tổn thương, chẳng những chức năng điều nhiệt giảm mà còn làm bạn hoảng sợ khi chảy máu cam. Nhiều người xem phim Hàn thấy cứ ai chảy máu cam thế nào cũng bị ung thư nên càng sợ hơn.
Lại nữa, khi niêm mạc tổn thương, lại ngoáy mũi bằng ngón tay không sạch tức là bạn đang bắc nhịp cầu cho vi khuẩn đi vào mũi. Chúng tụ thành một cục màu đỏ, vùng mũi đó tấy lên và cảm giác đau cho bạn biết đã có kẻ xâm nhập lãnh thổ. Từ đây chúng vô tư rẽ qua thăm “bác tai”, tụt xuống họng gây viêm họng và sâu hơn nữa là viêm phổi. Chuyện này các bà mẹ nuôi con nhỏ thường gặp nhưng không biết đường đi của vi khuẩn như vậy, nên cứ để trẻ vô tư ngoáy mũi. Người lớn ngoáy mũi trước đám đông không chỉ là cử chỉ mất vệ sinh mà còn mất lịch sự. Nếu lại làm thêm động tác “ăn” nữa thì kể như…đáng sợ thật.
● Mê ngoáy tai cũng coi chừng…
Tai là cơ quan thính giác. Trẻ khiếm thính thường không nói được vì không thể nghe. Âm thanh được vành tai hứng truyền qua ống tai làm rung màng nhĩ rồi đưa vào tai giữa và tai trong. Ống tai dài khoảng 2,5 cm có lớp da mỏng chứa những lông nhỏ và mịn , bên dưới là sụn. Dưới da có những tuyến tiết dịch nhằm acid hóa nơi đây để ngăn chặn vi khuẩn. Dù có cơ chế bảo vệ như vậy nhưng nhiều người vô tình phá vỡ hàng rào này bằng thói quen ngoáy tai.
Thỉnh thoảng bạn thấy hơi ngứa trong ống tai, thế là vớ được bất cứ vật gì từ que tăm, kẹp tóc hay tăm bông là chĩa thẳng vào tai mà ngoáy…cho đã. Dần dần có bạn ghiền ngoáy, mỗi ngày không dùng vật cứng “hỏi thăm” tai là không chịu được. Một số anh có thói quen cứ cắt tóc là lấy ráy tai. Cô thợ áp đầu khách vào ngực rồi dùng cái kẹp, kẹp từng miếng ráy nho nhỏ ra làm anh nào anh ấy lim dim sướng quá. Các anh đâu biết là đầu kẹp nhọn kia đã làm tổn thương một vài điểm ở ống tai. Hôm sau thấy tai ngứa, lại ngoáy tiếp, nếu vật cứng kia không sạch thì viêm ống tai là cầm chắc. Tuy nhiên nếu sưng, nóng, đỏ ,đau thì các anh sẽ tìm đến bác sĩ, còn chỉ ngứa thì càng ngoáy bạo gây viêm tai ngoài mãn tính.
Chẳng may “đồ nghề” chuyển giao vi khuẩn P.aeruginosa thì chúng từ ống tai ngoài chạy vào trong gây viêm xương chũm và có thể lên thẳng não. Xin đừng xem ngoáy tai là “chuyện nhỏ” bởi có thể nguy đến tính mạng!
● Vậy thì nên như thế nào?
Hàng ngày lau tai, mũi bằng khăn sạch, mềm, hết sức tránh các “vũ khí sát thương” mũi và tai. Nếu thấy ngứa, viêm hãy đến với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cụ thể. Khi nghe kém hoặc không nhận biết được mùi càng phải gặp bác sĩ để được chữa trị gấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận