Triển lãm Ngoạn tình từng được Bùi Thanh Thủy trưng bày cuối tháng 12-2022 tại Hà Nội nhân dịp sinh nhật mẹ của cô.
Gặp gỡ công chúng TP.HCM từ nay đến 14-10 tại Flatto Art Space, triển lãm có thêm ba tác phẩm mới sáng tác. Vì với Thủy, vẽ như là thở, là sống mỗi ngày, và chẳng thể ngừng lại.
Vẽ gì cũng là vẽ chính mình
Ngoạn tình là triển lãm cá nhân thứ ba của Bùi Thanh Thủy, sau Miên du (2015) và THUY (2020), trưng bày tranh phong cảnh trừu tượng trên chất liệu sơn dầu, acrylic và tổng hợp.
Tranh của cô gây ấn tượng với những dòng cảm xúc phức tạp, vừa lắng đọng ẩn sâu vừa dào dạt tuôn chảy dưới những mảng màu mỏng manh tinh tế, cuốn hút người xem chìm vào thế giới thăm thẳm của tác giả.
Cuồn cuộn chảy ẩn dưới bình an trôi, hệt như cái tên Thanh Thủy.
Sinh ra trong gia đình nghệ thuật, cha là nhà văn Bùi Bình Thi, mẹ là họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ, anh trai là đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Bùi Thanh Thủy yêu sáng tạo như lẽ tự nhiên.
Tốt nghiệp đại học mỹ thuật công nghiệp năm 1995, cô từng làm thiết kế thời trang cho các bộ phim, làm đồ họa, quảng cáo, dạy học… trước khi tìm về hội họa. Sang Mỹ định cư cùng con gái năm 2013, nỗi nhớ nhà thôi thúc cô cầm cọ vẽ để được giãi bày cảm xúc của mình.
"Thời gian đầu, tranh của mình buồn lắm! Có lẽ do đời sống nhiều biến cố thăng trầm, nên dù không chủ ý vẽ nỗi buồn, mình chỉ vẽ chân thật nhất với cảm xúc nội tâm thôi, nhưng ai xem cũng cảm nhận ngay được.
Lâu dần, tranh mình ngày càng trừu tượng hơn, gần với biểu hiện vì vẫn gợi hình nhưng không còn sự tách bạch rõ ràng đường nét. Mình thích vẽ mọi thứ hòa vào nhau, tan thành một. Con người hòa nhập với tự nhiên một cách hài hòa, đồng điệu, tự do…" - họa sĩ tâm sự.
Ngoạn tình khởi đầu bằng các tranh Thủy tự họa trong thời gian ở Việt Nam vì đại dịch COVID. Sau khi sang Mỹ, cô tiếp tục vẽ mình hòa lẫn trong những khung cảnh quê nhà, như thể "có mình ở đó".
Cũng có lúc Thủy vẽ mình "không ở đó", trong những cõi mơ. Không phải là "không thể", chỉ đơn giản "không ở đó". Một sự chấp nhận nhẹ nhàng, không khát cầu những điều bất khả.
Nhưng khi cầm cọ, cô luôn đòi hỏi tranh phải vượt qua "ngưỡng" của chính mình, chứ không vẽ chỉ để có tác phẩm. Vì thế, cô vẽ nhiều rồi lại cất. Có những bức vẽ tiếp sau cả năm trời...
Vẽ đi rồi ngắm lại, dường như Thủy vẽ gì cũng là vẽ chính mình. Nhưng với mỗi người xem, họ lại cảm thấy chính bản thân trong đó.
Đi qua thăng trầm bằng tình yêu
Người ta hay hỏi tranh này vẽ trong bao lâu, làm sao trả lời cho chính xác? Vì cái vẽ ra là thành quả từ bao năm miệt mài đúc kết, đâu chỉ là thời gian đứng trước tấm toang.
Nói như họa sĩ Lương Lưu Biên, Ngoạn tình là những kinh nghiệm cảm xúc trước cái hùng vĩ bao la của thiên nhiên, cảm xúc của một nghệ sĩ đã đi qua nhiều nơi, nhiều cao thấp thăng trầm của địa lý cũng như của cuộc đời.
Còn với Bùi Thu Thủy, cô chỉ đơn giản là tiếp tục đi để cảm nhận đời sống và vẽ bằng tâm hồn nghệ sĩ đầy phóng khoáng, tự do.
Thủy cũng ít khi đặt tên tranh. Cô vẽ và để cảm xúc trong quá trình sáng tác dẫn lối. Vì tranh vẽ xong thường ẩn chứa nhiều cảm xúc phức tạp, khó gọi thành tên.
"Cũng có tranh mình sẽ đặt tên. Mình thích ngắm tranh khi vẽ xong. Đôi lúc, một cái tên bật ra vừa vặn, thế thì đặt thôi. Điều đó cũng hay mà!" - họa sĩ cười. Cô không bó buộc bản thân trong hình thức thể hiện hay bất cứ điều gì.
Chỉ còn một họa sĩ giàu nữ tính và trải nghiệm, một tâm hồn nhạy cảm và gắn kết với thiên nhiên, một tâm thế yêu và hạnh phúc khi được sống, được chia sẻ vẻ đẹp của sự sống.
"Những tác phẩm của Thủy có cái thi vị, ngọt ngào, mênh mang của đất trời, cái bao la phóng khoáng và hùng vĩ của núi non, sông suối, có cả tiếng chim chóc, tiếng róc rách suối thác… Tất cả biến hóa, vận động trong bản hòa ca miên man vĩnh cửu của mẹ thiên nhiên.
Màu sắc tươi trẻ, trong trẻo, ngọt ngào và mềm mại trong những bố cục uyển chuyển, cân đối tạo nên cho mỗi tác phẩm của cô một niềm vui thị giác, một nỗi hân hoan, biết ơn đấng sáng tạo sự sống mà mỗi chúng ta đang hiện hữu" - họa sĩ Lương Lưu Biên chia sẻ.
Một số tác phẩm của họa sĩ Bùi Thanh Thủy trong Ngoạn tình:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận