Báo Financial Times sáng 29-3 (giờ Việt Nam) cho biết Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đang có chuyến công du Ấn Độ. Chia sẻ với báo này, ông Kuleba cho rằng Ấn Độ cần cảnh giác trước quan hệ với Nga.
Ngoại trưởng Ukraine chỉ ra rằng Matxcơva đang có quan hệ ngày một khăng khít với Trung Quốc - quốc gia đang mâu thuẫn gay gắt với Ấn Độ về vấn đề biên giới trên bộ. Sau một số cuộc xô xát gây thương vong giữa binh sĩ hai nước những năm gần đây, cả hai đều đang tăng cường lực lượng quân sự dọc đường biên giới với số quân lên đến hàng chục ngàn người.
Ông Kuleba chia sẻ về vấn đề trên: "Quan hệ Trung - Nga sẽ là vấn đề Ấn Độ cần đặc biệt chú ý để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia".
Tuyên bố trên của ngoại trưởng Ukraine được cho là nhằm thuyết phục Ấn Độ - đối tác thân thiết của Nga - xem xét lại mối quan hệ với Matxcơva. Ngoài ra, Ukraine cũng mong muốn đẩy nhanh quan hệ với quốc gia đông dân nhất thế giới.
"Sau cuộc chiến, Ukraine có lẽ sẽ trở thành nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới. Các công ty Ấn Độ rất được hoan nghênh trong việc tham gia quá trình phục hồi đất nước", ông Kuleba khẳng định.
Ngoại trưởng Ukraine cũng nhấn mạnh việc Kiev đang muốn "khôi phục thương mại" với New Delhi, điển hình là việc bắt đầu xuất khẩu trở lại một số mặt hàng nông sản như dầu hướng dương và nhập khẩu một số mặt hàng khác. Ông khẳng định: "Chúng tôi quan tâm việc nhập khẩu các mặt hàng máy móc công nghiệp nặng mà Ấn Độ sản xuất".
Từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ hồi tháng 2-2022 đến nay, Ukraine tương đối chật vật trong việc thuyết phục Ấn Độ và nhiều nước thuộc nhóm "Nam bán cầu" (Global South) khác nghiêng hẳn về mình. Hầu hết các nước trong nhóm này đều không muốn chọn phe trong cuộc chiến được họ xem là "việc của các nước giàu".
Là một trong những nước dẫn đầu nhóm này, Ấn Độ hiện vẫn duy trì quan hệ khăng khít với Nga. Dù New Delhi đã cố gắng đa dạng hóa nhà cung cấp trang bị quốc phòng sang Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác nhưng đến nay, Nga vẫn là đối tác vũ khí lớn nhất của nước này.
Ấn Độ cũng luôn là một trong những nước nhập khẩu dầu Nga tích cực nhất sau khi mặt hàng trên đối mặt vô vàn lệnh cấm vận của phương Tây. Chính điều này từng bị ông Kuleba chỉ trích gay gắt.
Hiện cả Nga và Ấn Độ đều chưa phản hồi với những phát ngôn trên của ông Kuleba.
Về khái niệm "Nam bán cầu" không theo khu vực địa lý
Trong quan hệ quốc tế, có thuật ngữ Global South (Nam bán cầu) và Global North (Bắc bán cầu). Sự phân chia này không hẳn dựa theo khu vực địa lý mà còn theo trình độ phát triển.
Những nước phát triển và giàu có đều tập trung ở phía bán cầu bắc của Trái đất nên thuật ngữ Global North (gọi là Nhóm Bắc bán cầu) dùng cho nhóm này. Các nước đang phát triển, phát triển trung bình và ít phát triển lại tập trung phần lớn ở phía bán cầu nam nên được gọi chung là Global South (gọi chung là Nhóm Nam bán cầu).
Theo từ điển Cambridge, Nhóm Nam bán cầu (Global South) là thuật ngữ dùng để gọi nhóm các nước ở châu Phi, Mỹ Latin và các khu vực đang phát triển thuộc châu Á. Trong khi đó Nhóm Bắc bán cầu (Global North) là thuật ngữ được dùng để nói đến nhóm các nước giàu, công nghiệp hóa ở châu Âu, Bắc Mỹ và các khu vực phát triển ở châu Á.
Một nước có thể nằm ở phía bắc bán cầu (theo địa lý) nhưng lại thuộc Nhóm Nam bán cầu là bởi dựa theo trình độ phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận