Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (trái) chạm cùi chỏ thay cho bắt tay trong dịch bệnh COVID-19 với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước buổi hội đàm ngày 8-6-2021 tại Trùng Khánh, Trung Quốc - Ảnh: TTXVN
Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy quan hệ song phương với các nước, chuyến thăm của ông Vương Nghị cho thấy Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ với các nước nằm ở phía nam biên giới của họ. Việc lựa chọn điểm đến lần này cũng đã phản ánh mức độ quan tâm của Trung Quốc với những quốc gia cụ thể trong khu vực.
Vì sao là ASEAN?
Singapore và Việt Nam từng là điểm đến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin và Phó tổng thống Mỹ Harris trong tháng 7 và tháng 8. Là một quốc đảo nhỏ bé nhưng Singapore có ảnh hưởng rất lớn trong ASEAN nhờ chính sách ngoại giao thông minh và linh động.
Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối và ngày càng có quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ.
Trong khi đó, Campuchia được coi là quốc gia ASEAN có quan hệ rất thân thiết với Trung Quốc. Cùng với Lào và Myanmar, Campuchia cũng đã nhận được nhiều viện trợ vắc xin nhất từ Trung Quốc với 4 triệu liều.
Sự tập trung về thương mại của Trung Quốc đã xoay trục và ASEAN chính là điểm đến. Năm 2019, ASEAN vượt Mỹ trở thành bạn hàng lớn thứ 2 của Trung Quốc với tổng kim ngạch khoảng 644 tỉ USD.
Năm 2020, ASEAN vượt qua Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc. Trong đó, theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6, là thị trường cung ứng hàng hóa lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới trong năm 2020.
Trong bối cảnh thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian trước mắt, các nước ở phía nam Trung Quốc trở thành khu vực kinh tế mà nước này có thể đẩy mạnh để bù đắp cho thị trường Mỹ.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng cung cấp các nguồn lực thực sự như đầu tư, thị trường xuất khẩu lớn, kết nối và quan hệ đối tác trong các thể chế đa phương cho các quốc gia Đông Nam Á.
Tháng 11-2020, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết giữa ASEAN và 5 quốc gia khác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Hiệp định này đã giúp gây dựng mối quan hệ kinh tế bền chặt với Trung Quốc bằng cách giảm thuế, tăng cường tiếp cận thị trường, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ASEAN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực.
ASEAN trở nên quan trọng hơn với Trung Quốc không chỉ về thương mại, mà cả về địa chính trị. Đông Nam Á đã trở thành khu vực địa lý quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc.
Cuộc cạnh tranh mới Mỹ - Trung
Cũng nên nhắc lại rằng trong cuộc họp báo với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cuối tháng 8 vừa qua, bà Harris nhấn mạnh: "Lý do tôi ở đây vì Mỹ là quốc gia lãnh đạo toàn cầu, và chúng tôi coi trọng vai trò đó". Khi nhìn rộng ra khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bà Harris nêu rõ: "Mỹ là một phần đáng tự hào của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và khu vực này cực kỳ quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của chúng tôi".
Nhưng vai trò của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Mỹ là chuyện không mới. Ngay từ thời tổng thống Obama, Đông Nam Á đã được coi là một phần không thể thiếu trong chiến lược xoay trục và tái cân bằng của Mỹ, do khu vực này có điểm nóng Biển Đông.
Dù chính sách tái cân bằng của ông Obama chưa thật rõ nét nhưng mối liên kết giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á đã trải qua thay đổi đáng kể sau khi tổng thống Donald Trump nhậm chức năm 2017. Kể từ đó, Đông Nam Á đã trở thành một chiến trường khác trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dưới thời Tổng thống Biden, Trung Quốc đã được coi là đối thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ. Hai siêu cường này đang cạnh tranh vị trí dẫn dắt khu vực và thế giới, cũng như cạnh tranh vai trò lĩnh xướng cung cấp các hàng hóa công trong hy vọng phục hồi kinh tế thế giới.
Tính đến đầu tháng 9, Mỹ viện trợ hơn 23 triệu liều vắc xin cho Đông Nam Á mà "không có ràng buộc nào". Trung Quốc cũng không kém khi viện trợ khoảng 20 triệu liều vắc xin cho khu vực này, nhưng tặng nhiều hơn cho các nước có quan hệ thân thiết với họ như Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines.
Ngày 5-8 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố tặng 100 triệu USD cho cơ chế phân phối vắc xin toàn cầu COVAX. Cam kết này được Trung Quốc đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã tặng hơn 100 triệu liều vắc xin cho các nước thu nhập thấp, và tiếp tục giữ cam kết cung cấp 500 triệu liều vắc xin cho COVAX.
Hình ảnh một quốc gia lãnh đạo thế giới thân thiện, tích cực, đáng tin cậy đối với các nước trên thế giới đang là cuộc cạnh tranh mới giữa Trung Quốc và Mỹ, và Đông Nam Á là nơi cảm nhận điều này rõ nhất.
Ông Vương Nghị thăm Việt Nam trước
Nhận lời mời của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm chính thức Việt Nam và dự phiên họp lần thứ 13 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc từ ngày 10 tới 12-9.
"Chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì được xu thế phát triển và hợp tác trên các lĩnh vực, đạt được tiến triển đáng khích lệ. Hai bên sẽ trao đổi về các biện pháp để đẩy mạnh hơn nữa thế mạnh, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế đáng quan tâm" - phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 9-9 cho biết.
Dự kiến ông Vương Nghị sẽ cùng Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì phiên họp lần thứ 13 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, và có các cuộc chào xã giao lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
NHẬT ĐĂNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận