Theo Hãng tin AFP, chuyến công du của ông Hayashi Yoshimasa là lần đầu tiên một ngoại trưởng Nhật Bản đến thăm Trung Quốc kể từ tháng 12-2019.
Trung Quốc phản đối hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản
Giới quan sát đánh giá chuyến thăm này đã chấm dứt hơn ba năm quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Nhật Bản xấu đi nghiêm trọng.
Cuộc họp của hai ngoại trưởng tại Bắc Kinh diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nhật Bản công bố kế hoạch kiểm soát xuất khẩu đối với 23 mặt hàng được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn.
Trước đó, Mỹ cũng gia tăng áp lực đối với các nước nhằm hạn chế quyền tiếp cận công nghệ của Trung Quốc.
"Mỹ đã sử dụng các chiến thuật bắt nạt để đàn áp dã man ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản, và giờ đây họ đang lặp lại các thủ đoạn cũ của mình đối với Trung Quốc", ông Tần nói với ông Hayashi.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng cáo buộc Nhật Bản là "tay sai" của Washington. "Việc phong tỏa sẽ chỉ càng kích thích quyết tâm trở nên tự chủ của Trung Quốc", ông nói.
Trả lời báo giới ngày 2-4, ông Hayashi bảo vệ các biện pháp hạn chế mới là "phù hợp với các quy tắc quốc tế", đồng thời nói thêm rằng chúng "không nhằm vào một quốc gia cụ thể".
Chất bán dẫn đã trở thành điểm nóng chính trong mối quan hệ đang xấu đi giữa Trung Quốc và Nhật Bản - hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.
Ngoài Nhật Bản, Hà Lan cũng đưa ra những hạn chế tương tự vào tháng trước với lý do "an ninh quốc gia và quốc tế".
Về công dân Nhật Bản bị bắt
Ngoài ra, cả hai bên cũng thảo luận về việc Trung Quốc gần đây bắt giữ một công dân Nhật Bản làm việc tại Bắc Kinh với cáo buộc gián điệp. Người này làm cho Công ty dược phẩm Astellas có trụ sở ở Tokyo.
Ông Hayashi nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng Nhật Bản đã "phản đối" việc giam giữ và kêu gọi "thả cá nhân đó ngay lập tức".
Cùng ngày, ông Tần tuyên bố "Trung Quốc sẽ xử lý người này theo luật pháp", mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ việc.
Hai bên cũng thảo luận về một nhóm đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
"Chúng tôi nhắc lại những lo ngại nghiêm trọng của tôi về biển Hoa Đông, bao gồm cả tình hình xung quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), cũng như các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc trong và xung quanh đất nước chúng tôi, bao gồm cả hợp tác với Nga", ông Hayashi nói.
Theo AFP, sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực có thể sẽ là một trong những chủ đề chính được thảo luận tại cuộc họp G7 năm nay, mà Nhật Bản dự kiến sẽ đăng cai tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận