Ngày 19-11, Hãng tin Reuters đưa tin trang web của Chính phủ Nga thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi.
Theo học thuyết hạt nhân mới sửa đổi, Tổng thống Putin đã hạ thấp ngưỡng cho phép Matxcơva triển khai tấn công hạt nhân. Cụ thể, bất kỳ hành động gây hấn nào của một quốc gia thuộc liên minh quân sự chống Nga hoặc các đồng minh sẽ được coi là hành động gây hấn của toàn bộ liên minh đó.
Tuy nhiên, Matxcơva cũng nói rằng chính sách của Nga trong lĩnh vực răn đe hạt nhân chỉ mang tính chất phòng thủ.
Về điều này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Matxcơva sẽ làm mọi cách có thể để ngăn chặn nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân.
Trả lời báo giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil) hôm 19-11, ông Lavrov nói rằng vũ khí hạt nhân có tác dụng ngăn chiến tranh hạt nhân bùng nổ.
Cùng ngày 19-11, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng bình luận về thông tin Ukraine tấn công vùng Bryansk của Nga bằng các hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS).
Cụ thể, ông Lavrov cho biết các cuộc tấn công vào khu vực Bryansk do Ukraine thực hiện bằng các tên lửa của Washington là một "tín hiệu rõ ràng cho thấy phương Tây muốn leo thang xung đột".
"Việc các ATACMS được sử dụng nhiều lần ở khu vực Bryansk trong buổi đêm tất nhiên là một tín hiệu cho thấy họ đang muốn làm leo thang tình hình", ông Lavrov phát biểu tại thành phố Rio de Janeiro hôm 19-11.
Theo Ngoại trưởng Nga, nếu không có sự hỗ trợ của Washington, quân đội Ukraine sẽ không thể sử dụng những tên lửa công nghệ cao như thế này, "giống như những gì Tổng thống Vladimir Putin từng nói".
Hôm 12-9, Tổng thống Putin nói rằng việc các nước phương Tây chấp thuận cho Ukraine thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa do những đồng minh phương Tây gửi đến cũng đồng nghĩa với việc các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ và các nước châu Âu đang "trực tiếp tham gia" vào chiến sự ở Ukraine.
Cũng trong ngày 19-11, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Đức đã quyết định đúng đắn khi giữ nguyên quyết định không cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Nhà ngoại giao Nga còn gọi quyết định của Berlin là "một lập trường có trách nhiệm".
Trước đó vào ngày 18-11, Đức xác nhận sẽ không cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine. Theo Hãng tin Reuters, quyết định này của Berlin được đưa ra bất chấp việc Mỹ đã chấp thuận cho quân đội Kiev sử dụng vũ khí của Washington sản xuất để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Nga bắt đầu chế tạo hầm trú bom di động chống hạt nhân
Hãng tin Reuters đưa tin hôm 19-11, Nga đã bắt đầu triển khai xây dựng hàng loạt hầm trú bom di động có khả năng chống lại nhiều mối đe dọa khác nhau, bao gồm chống lại sóng xung kích và tia bức xạ phát sinh từ vụ nổ hạt nhân.
Viện nghiên cứu của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết hầm trú ẩn di động có tên “KUB-M” có thể bảo vệ con người trong vòng 48 giờ trước những mối nguy hiểm do hạt nhân cũng như các mối nguy hiểm khác bao gồm thiên tai hoặc các mối hiểm họa do chính con người tạo ra.
Ngoài các mối đe dọa từ hạt nhân, “KUB-M” được cho là có thể bảo vệ con người khỏi những vụ nổ và các mảnh đạn từ các loại vũ khí thông thường, các mảnh vỡ rơi ra từ những vụ sập nhà, các loại hóa chất nguy hiểm và gây cháy.
“KUB-M” được mô tả trông giống một container chuyên chở hàng hóa bao gồm hai mô đun (hai phần được lắp ráp vào nhau để làm thành một hầm trú ẩn di động), một mô đun là nơi trú ẩn cho 54 người và mô đun còn lại là phòng kỹ thuật.
Tuy nhiên, viện nghiên cứu của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết thêm các chuyên gia của viện có thể phát triển thêm nhiều mô đun hơn nữa trong trường hợp cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận