Hôm 26-4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kết thúc chuyến đi ba ngày tới Trung Quốc (24 tới 26-4) với một số thông điệp rõ ràng của hai bên.
Về tổng quan, hai bên và giới quan sát quốc tế nhìn nhận quan hệ song phương Mỹ - Trung đang được cải thiện và có chiều hướng ổn định hơn trước. Chuyến đi của ông Blinken là sự nối tiếp những cuộc tiếp xúc cấp cao hai nước sau giai đoạn căng thẳng cực điểm.
Tuy nhiên, từ đối thoại tới tìm thấy tiếng nói chung là một khoảng cách không ngắn.
Những cuộc thảo luận căng thẳng Mỹ - Trung
Lập trường cứng rắn với Trung Quốc có lẽ là một trong những điểm hiếm hoi được cả hai đảng tại Mỹ nhất trí. Từ Tổng thống Mỹ Joe Biden cho tới người tiền nhiệm Donald Trump trước đó, sự cạnh tranh với Trung Quốc luôn là điều công khai.
Chuyện này rõ ràng khiến nhiệm vụ của Ngoại trưởng Blinken trở nên khó khăn hơn, khi ông phải đề cập tới những khác biệt quan trọng giữa hai nước - bao gồm xung đột Nga - Ukraine, vấn đề Đài Loan, tình hình Biển Đông, tình trạng "nhân quyền ở Tân Cương", và căng thẳng trong hoạt động kinh tế - thương mại song phương.
Ngay trong giai đoạn chuyến bay của ông Blinken hạ cánh xuống Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Biden đã ký luật cho phép chi 8 tỉ USD hỗ trợ quân sự cho Đài Loan. Đây luôn là những động thái khiến Trung Quốc nóng mặt, vì Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, thậm chí sẵn sàng thu phục Đài Loan bằng vũ lực nếu cần.
Tương tự, báo chí Mỹ dẫn lời các quan chức nước này khẳng định Trung Quốc đang giúp đỡ Nga trong xung đột Ukraine, không còn là bên trung lập. Các quan chức này còn đoan chắc Washington sẵn sàng trừng phạt các công ty Trung Quốc "tái trang bị và cung cấp" linh kiện, vật tư cho ngành quốc phòng Nga.
Phía Trung Quốc không xem những bản tin như vậy là chuyện ngẫu nhiên. Tờ Global Times dẫn lời chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc đề cập tới chuyện trừng phạt công ty Trung Quốc nêu trên thể hiện "cách tiếp cận kiểu bá quyền điển hình". Theo đó, Mỹ muốn gây hấn và đe dọa Trung Quốc trước lúc thảo luận rồi nới lỏng khi gặp gỡ nhằm tạo ra "thiện chí".
Không rõ toàn bộ chi tiết và phản ứng của hai bên ra sao khi ông Blinken có cuộc gặp gần 5 tiếng rưỡi với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào hôm 26-4. Tuy nhiên, ông Vương sau đó "vừa đấm vừa xoa".
Khẳng định "con tàu lớn" của mối quan hệ Mỹ - Trung đang ổn định, nhưng "các nhân tố tiêu cực trong mối quan hệ này đang ngày càng hình thành và gia tăng", ông Vương nhấn mạnh Mỹ đang tìm cách ngăn cản Trung Quốc phát triển, và đưa ra cảnh báo về "lằn ranh đỏ" xung quanh vấn đề liên quan tới chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển.
Câu trả lời của Trung Quốc
Tính tới chiều tối 26-4, thời điểm ông Blinken hoàn thành các cuộc gặp gỡ quan trọng, bao gồm với Tổng bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, báo chí vẫn chưa tìm ra chi tiết thảo luận nào. Hầu hết các phát biểu liên quan đều đề cập tới cách tiếp cận vĩ mô.
Ông Tập lưu ý đây là kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung và nhấn mạnh hai bên "nên là những đối tác thay vì địch thủ".
"Thế giới đủ lớn để đáp ứng cho sự phát triển và thịnh vượng của cả Trung Quốc lẫn Mỹ" - ông nói, đồng thời khẳng định quan hệ song phương sẽ chỉ ổn định một khi Washington có quan điểm tích cực và mang tính xây dựng đối với sự phát triển của Trung Quốc.
Phát biểu của ông Tập không khác nhiều với một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về chuyến thăm của ông Blinken vào ngày 24-4. Giới lãnh đạo Trung Quốc luôn cho rằng căn nguyên của mọi mâu thuẫn xuất phát từ việc Mỹ có nhận thức sai lầm ngay từ đầu đối với Trung Quốc hoặc cái gọi là "sự trỗi dậy của Trung Quốc".
"Nhận thức luôn là cái đầu tiên cần đặt đúng chỗ. Việc Trung Quốc và Mỹ là địch thủ hay đối tác là vấn đề căn bản, không được phép xảy ra sai lầm tai hại nào. Trung Quốc luôn tin rằng cạnh tranh nước lớn không phải xu hướng thắng thế của thời đại này, cũng không phải giải pháp cho những vấn đề Trung Quốc, Mỹ và thế giới đang đối mặt", tuyên bố trên viết.
Trước mọi vấn đề gai góc được ông Blinken trình bày trong chuyến đi, phía Trung Quốc đều có câu trả lời từ trước với quan điểm "chuyện nước nào nước ấy có quyền xử lý, và những chuyện của người khác không nên bị lôi vào thành chuyện căng thẳng hai bên".
Quan điểm này được áp dụng vào vấn đề như Đài Loan, khi Bắc Kinh lặp lại chuyện eo biển Đài Loan là "chuyện nội bộ của Trung Quốc", một lằn ranh đỏ không thể vượt qua về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Trung Quốc ngửa bài về Nga, Ukraine
Đối với quan hệ Nga - Trung và tình hình Ukraine, phía Trung Quốc cũng lập tức nêu quan điểm rõ ràng: Trung Quốc không phải bên tham gia và cũng không tạo ra cuộc khủng hoảng Ukraine, vì vậy "Mỹ không nên bôi nhọ mối quan hệ bình thường giữa Trung Quốc và Nga".
Việc "cảnh báo Trung Quốc" về sự ủng hộ của Bắc Kinh cho Nga được đánh giá là ưu tiên trong chuyến đi này của ông Blinken. Washington muốn Trung Quốc giữ "vai trò trung lập", không đứng về phía Nga. Tuy nhiên, lời đáp của Trung Quốc có vẻ là cách "ngửa bài" về việc sẽ không thay đổi gì trong lập trường đối với chuyện này.
"Vấn đề Ukraine không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ. Phía Mỹ không nên biến nó thành vấn đề kiểu như thế", tuyên bố của Trung Quốc nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận