Trả lời phỏng vấn nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) hôm 30-1, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết châu Âu chưa coi trọng các mối đe dọa từ Nga.
Ông Sikorski cũng nhấn mạnh rằng thủ đô Berlin của Đức nằm trong tầm bắn của các tên lửa đặt tại khu vực ngoại ô vùng Kaliningrad của Nga - khu vực có vị trí địa lý đặc biệt khi nằm tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của nước Nga và lọt thỏm giữa phần phía đông châu Âu.
Đặc biệt, Kaliningrad là nơi có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng đối với nước Nga khi giáp các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Ba Lan và Litva.
Theo trang Kyiv Independent, phát biểu của ông Sikorski là bình luận mới nhất trong số hàng loạt cảnh báo từ các quan chức phương Tây về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tiềm tàng với Nga.
Quân đội của các nước thành viên NATO đã tăng cường năng lực và chuẩn bị tinh thần chiến đấu sẵn sàng, kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2-2022.
Trong khi viễn cảnh chiến sự ở Ukraine có thể leo thang thành một cuộc đụng độ toàn diện giữa liên minh trên và Nga vẫn được ngăn chặn cho đến nay. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi lo ngại rằng phương Tây chưa thực sự chấp nhận chiến tranh có thể xảy ra giữa họ và Matxcơva.
Hồi đầu tháng 1-2024, Trung tướng Alexander Sollfrank - chỉ huy Trung tâm hậu cần quân sự của NATO ở Đức - cho biết khối liên minh quân sự này nên chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng Nga tấn công tên lửa nhằm vào châu Âu trong một cuộc chiến tranh tổng lực.
Ông Sollfrank cảnh báo rằng nước Đức có thể sẽ là một trong những mục tiêu “tiềm năng” của Matxcơva.
Khi được hỏi liệu Ba Lan có gặp nguy hiểm hay không, Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đe dọa Ba Lan, Latvia và Phần Lan.
“Và vũ khí hạt nhân gần Kaliningrad - tên lửa Iskander - có thể vươn đến Berlin”, ngoại trưởng Ba Lan nói thêm.
Ông Sikorski nhấn mạnh sức mạnh kinh tế tổng hợp của phương Tây mạnh hơn sức mạnh kinh tế của nước Nga 20 lần, thế nhưng Nga vẫn chiếm thế thượng phong trong việc sản xuất đạn dược.
“Chúng ta phải huy động lực lượng của mình. Nếu Mỹ từ chối viện trợ, chúng ta sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng. Hoặc châu Âu phải thay thế Mỹ, tức là tăng gấp đôi nỗ lực hỗ trợ cho Ukraine, hoặc là để phần thắng thuộc về Nga”, ông Sikorski cảnh báo.
Những tháng vừa qua, chính trường Mỹ trải qua không ít biến động khiến khoản viện trợ mà Washington dành cho Ukraine cũng phần nào lung lay theo.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo khác của Ukraine thừa nhận châu Âu có thể sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ Kiev về mặt tài chính và quân sự, nếu Mỹ cắt giảm đáng kể viện trợ quân sự của nước này dành cho Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận