Riêng món thịt kho hột vịt, ngoại chỉ dẫn má tôi và sau đó má tôi chỉ dạy lại tôi món ăn không quá ngán và không phải cực công chế biến hay tìm kiếm phụ liệu.
Ba má tôi năm nào trước khi lên xe cũng ghé mua bánh mì ở bến xe Chợ Lớn mang về để cho anh em tôi chấm với nước thịt kho mà ngoại tôi hay nấu. Tôi đi giáp vòng chào hỏi. Cậu tôi đang chà rửa bộ lư hương, con cậu đang sơn phết mấy chỗ bong tróc của đầu lân, đầu ông địa.
Không khí Tết bao trùm khắp mọi nơi. Tiếng nói cười của mấy dì, mấy mợ và mấy cô hàng xóm qua phụ chuyện bếp núc thật rôm rả. Từng cái lu chứa đầy nước từ khi nào và củi cũng đã chặt, phơi khô xếp thành hàng dài sau mái hiên nhà. Bông mận hồng đào rụng trắng cả gốc cây.
Tết nhà ngoại có bún gạo xào lòng gà, khổ qua dồn thịt với nấm mèo, chả đùm và sau cùng là món thịt kho hột vịt. Món bún gạo xào nang hoa, cái mề cắt rồi xào sẽ đẹp mắt.
Khổ qua phải chần sơ nước sôi rồi mới mổ ruột bỏ hạt. Đừng quên chén nước mắm thoa mặt để không rớt ruột ra khi hầm. Mấy cọng hành lá trụng nước sôi cho dễ cột trái khổ qua khi đã dồn nhân vào.
Tôi được phân công chặt mấy trái dừa để kho thịt và làm nước mắm. Không khó nếu tinh ý một chút để chọn được trái dừa ngọt nước kho thịt. Ngoại chỉ tôi cách nhìn mấy cọng râu dừa. Khô ít là dừa non nên nước chua và nếu khô đến gần cuống thì dừa già quá, nước sẽ lạt.
Trái nào có râu khô chừng phân nửa hay hai phần ba, nước dừa ngọt vô cùng. Nước dừa được lấy vải mùng lược bỏ dăm dừa văng vào và để riêng trên bộ ngựa. Miếng thịt đùi hay ba rọi rửa ráo nước.
Ngoại cắt từng miếng thịt vuông vức, ướp sơ qua với nước mắm ngon, thêm một ít củ hành và củ tỏi băm nhuyễn, không thể thiếu chút bột ngọt cho thấm đều từng miếng thịt. Sau đó lấy dây chuối khô cột lại, để khi kho không sợ rã thịt và mỡ.
Mớ thịt xào sơ qua rồi mới đổ hết nước dừa vào. Lửa để liu riu, thêm hai trái ớt sừng trâu vào nồi. Hột vịt thì luộc trước rồi nên khi nào ăn thì thả vào một ít, hâm tới hâm lui dễ làm cứng hột vịt. Khi đường trong dừa và màu đỏ của ớt hòa quyện vào nhau tạo màu mật ong là món kho đã đạt.
Chờ thịt kho, tôi sẽ làm nước mắm chua ngọt. Hỗn hợp tỏi và ớt được giã nhuyễn, vét ra cái chén để riêng và cắt mấy trái chanh giấy vắt lấy nước. Phần tép chanh được giữ lại sau khi đã loại hết hột chanh ra.
Tôi cho hỗn hợp chanh tỏi đã giã và đường với nước cốt chanh vào thố to. Đổ nước đã đun sôi để nguội vào, tiếp đến là chai nước mắm ngon ngoại tôi ướp thịt còn đó. Vị ngọt ngọt, chua chua, cay cay và mặn mặn là đạt yêu cầu. Phần tép chanh tôi bỏ vào sau cùng. Khi nó nổi đầy trên mặt thố sẽ như những bông hoa nhỏ màu trắng xen lẫn với màu đỏ của ớt.
Mỗi người một tay hoàn thành chuyện bếp núc. Món bún gạo xào giá hẹ với đồ lòng, món khổ qua màu xanh hầm với thịt và nấm mèo trong ruột, món chả đùm vàng ươm vì có lòng đỏ của trứng trộn lẫn, món thịt kho hột vịt màu mật ong với mấy cái trứng nâu lẫn trong tô, xen lẫn vài cọng ngò rí... mang lên cúng rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu.
Mấy cây bông trang ngay lối vào nhà đỏ rực hòa lẫn với màu xanh thẫm của nụ mai. Bộ đầu lân do bà con trong xóm góp mua, đi khắp các nhà biểu diễn. Tiếng nói cười của trẻ con không dứt khi ông địa bị con lân vồ ngã lăn ra đất.
Chòm xóm mừng tuổi đoàn lân bằng trái dưa hấu, mấy đòn bánh tét, bánh ít hay phong bánh in ăn cho vui. Hết nhà này qua nhà khác, tiếng bước chân dẫm lên lá khô làm cho mấy con cá thòi lòi giật mình mà lao mình trên mặt nước. Tết của sự đoàn viên, Tết của tình thân là vậy.
Cảm ơn bạn đọc gửi bài dự thi "Món Tết quê nhà"
Cuộc thi là nơi chia sẻ những bí quyết về các món ăn truyền thống ngày Tết có nguy cơ bị mai một mà bạn đã có cơ hội được bà, được mẹ chỉ dạy cách chế biến và thưởng thức cùng gia đình.
Cuộc thi cũng là cơ hội cho những người con xa quê được dịp chia sẻ những cảm xúc về ngày Tết, câu chuyện đón Tết như thế nào. Những ký ức ấm áp sum họp, mâm Tết xa quê của bạn ra sao?
Bạn đọc có thể viết về ẩm thực với những câu chuyện thú vị quanh mâm cơm Tết, những món ăn tình thân sum họp gia đình, những món ăn phải có trong mâm cơm ngày Tết của từng vùng miền, những món ăn đặc trưng, cũng như tâm tư về ngày Tết quê mình qua ẩm thực.
Các bài dự thi sẽ được lựa chọn để đăng trên Tuổi Trẻ, được nhận nhuận bút, xét giải và trao thưởng. Thời gian nhận tác phẩm từ ngày 20-10 đến hết ngày 15-12-2022. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào ngày 25-12-2022, tác giả và tác phẩm đoạt giải cuộc thi sẽ được công bố trên giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân Quý Mão 2023.
Bài dự thi tối đa 1.500 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa gửi về email [email protected].
Ban tổ chức cảm ơn các bạn đọc đã gửi bài từ 20 đến 24-10: Tương Quan, Nguyễn Tín, lê tuyết, kim cương, Tuan bui thanh, Hoang Tran, Đinh Trung, Đình Tuấn Đào, Chung Thanh Huy, tran van tam, Van Hung Nguyen, Trang nguyen Thi, Mai Trang, Dung Huynh Thi, phương phương trần, Thanh Xuân Nguyễn, Anh Tu Nguyen, Ngọc Diễm, Hạnh Bảo, Anh Tran, Nhu Phuong, Le Phuc An Nguyen, An nhiên Lý, anhhung phamtruong, Khiem Thi Hoang, Dung Tran, mỹ liên phạm, Phạm Anh Tuấn, Sửu Nguyễn, Hậu Nguyễn, Quang Ngo, Quynh nhu, Thanh Nga Nguyen...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận