Phóng to |
“Nếu ở môn học khác, bên cạnh những mặt còn hạn chế thì vẫn có thành công, nhưng với môn ngoại ngữ dạy mãi mà học sinh, sinh viên vẫn không sử dụng được. Đó thật sự là một thất bại”- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nói như thế tại hội thảo triển khai đề án ngoại ngữ ở các trường đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 23-12.
TS Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực ban quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, nhận xét một trong những nguyên nhân khiến việc “dạy học ngoại ngữ mãi vẫn kém” trong các trường đại học là do quan điểm coi ngoại ngữ như một môn học kiến thức chứ không phải kỹ năng.
Chính vì vậy nên từ chương trình đến cách dạy, cách học đã không chú trọng việc rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho người học. Việc dạy và học chủ yếu phục vụ thi, trong khi các kỳ thi cuối cấp, thi vào đại học vẫn chỉ tập trung vào ngữ pháp. Quan niệm này giống như một cản trở lớn trong việc rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ của học sinh, sinh viên.
Phóng to |
Giáo viên nói quá nhiều
Cũng với quan niệm như vậy nên chương trình, sách giáo khoa chỉ chú trọng đến ngôn ngữ, coi nhẹ phát triển kỹ năng, lấy giáo trình thay cho chương trình.
Khảo sát của đề án cũng cho thấy năng lực nhiều giáo viên tiếng Anh ở các trường đại học còn bất cập, nhiều người không có phương pháp sư phạm. Một trong những lợi thế của việc dạy học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng hiện nay là có sự trợ giúp của công nghệ thông tin (các phần mềm dạy học, Internet...), nhưng nhiều giáo viên lại không có khả năng hoặc không có thói quen sử dụng các phương tiện hiện đại này vào việc dạy học - ông Hiển nhận xét.
Đề cập đến bất cập này qua đánh giá thực tiễn dạy học ngoại ngữ trong các trường đại học, TS Hùng cho rằng: giáo viên dạy ngoại ngữ vẫn nói quá nhiều trong giờ học, trong khi lẽ ra phải tạo cơ hội cho người học nghe, nói, giao tiếp, tạo môi trường để người học sử dụng ngoại ngữ.
Không ngờ giáo viên yếu kém như thế! “Khi triển khai đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 ở bậc phổ thông, điều chúng tôi đã lường trước là khó khăn về đội ngũ giáo viên. Đã biết trước là năng lực ngoại ngữ và năng lực dạy học ngoại ngữ của giáo viên còn kém, nhưng khi tiến hành khảo sát vẫn không ngờ trình độ giáo viên lại kém đến thế! Chỉ 10% số giáo viên được khảo sát đạt yêu cầu, trong đó có địa phương chỉ 1-2% số giáo viên đạt yêu cầu. Nhiều nơi giáo viên chỉ đạt trình độ B2 theo khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu, có nơi chỉ đạt B1 nhưng vẫn đi dạy. Việc này có một phần trách nhiệm của các trường đại học, nơi cung cấp nguồn giáo viên dạy ngoại ngữ”. Thứ trưởngNguyễn Vinh Hiển |
Theo nhận định của một số thành viên ban quản lý đề án, đa số sinh viên các trường đại học thụ động, không có phương pháp tự học, không biết sử dụng các phương tiện hiện đại vào việc học tập.
TS Dương Bạch Nhật, Trường đại học Duy Tân, Đà Nẵng, nhận xét kỹ năng nghe, nói, viết luận bằng tiếng Anh của sinh viên đại học rất kém. Sinh viên không quen phát âm ngữ điệu, không quen phong cách giao tiếp, vốn từ vựng ít. Nhiều sinh viên không nắm được cấu trúc câu trong tiếng Anh...
TS Hùng nói: “Sinh viên học xong, thi điểm cao, nhưng không sử dụng được ngoại ngữ vào công việc và cuộc sống do thiếu kỹ năng, do việc học không nhắm đến mục tiêu sử dụng mà chỉ để có vốn liếng đi thi, lấy bằng”.
Thách thức lớn
Tại hội thảo trên, đại diện nhiều trường không giấu được nỗi lo khi mục tiêu đề ra thì lớn nhưng có quá nhiều khó khăn.
Ông Vũ Ngọc Pi, phó hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, cho biết: “Do chất lượng dạy học ngoại ngữ ở phổ thông thấp nên đầu vào của trường đại học cũng thấp và không đồng đều, việc phân loại trình độ và áp dụng chương trình dạy học tương ứng với các trình độ là việc khó khăn, trong khi thời lượng dành cho tiếng Anh quá ít (chỉ có 10 tín chỉ/tổng số 150 tín chỉ), số lượng sinh viên/lớp tiếng Anh quá lớn, trung bình 50-80 sinh viên/lớp/giảng viên. Trong khi đội ngũ giảng viên thiếu và còn yếu, ít người được đào tạo ở nước ngoài”.
Khó khăn mà ông Pi đề cập cũng là nỗi lo chung của nhiều trường. Theo TS Dương Bạch Nhật, sự yếu kém và thiếu đồng bộ trong chất lượng đầu vào là một khó khăn rất lớn. Qua khảo sát có thể tạm chia sinh viên năm 1 ra bốn nhóm: nhóm bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 2, nhóm bắt đầu học từ lớp 3, nhóm bắt đầu học từ lớp 6, nhóm bắt đầu học từ lớp 10. Với thực trạng này, việc xếp lớp rất phức tạp và để tăng tốc đào tạo trong 3-4 năm đạt chuẩn mà đề án đưa ra là vô cùng khó.
Cũng giống như khi triển khai ở bậc phổ thông, tại bậc đại học nguồn giảng viên ngoại ngữ có chất lượng, theo đại diện nhiều trường, cũng là thách thức lớn.
Sự bất cập về chất lượng dạy học ngoại ngữ, yêu cầu bức thiết về việc tăng cường ngoại ngữ trong đào tạo nguồn nhân lực của xu thế hội nhập là động lực để việc triển khai đề án ngoại ngữ phải gấp rút thực hiện ở bậc đại học. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nếu ở bậc phổ thông khi triển khai đề án ngoại ngữ phải có kế hoạch chi tiết, hướng dẫn cụ thể thì ở bậc đại học, Bộ GD-ĐT kêu gọi các trường phải chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện trên cơ sở trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các trường. Năm 2012 sẽ chú trọng triển khai đề án ngoại ngữ ở bậc đại học và các trường phải sớm thành lập ban chỉ đạo triển khai đề án ngoại ngữ, có lộ trình, giải pháp thực hiện. Để có sự chuyển động trong việc tăng cường dạy học ngoại ngữ sẽ phải điều chỉnh đồng bộ về thời lượng dạy học, chương trình, tài liệu, công nghệ dạy học, giáo viên... Theo TS Nguyễn Thị Lê Hương - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, mục tiêu của đề án đặt ra là sinh viên tốt nghiệp các ngành không chuyên ngữ tối thiểu phải đạt bậc 3 (hiểu được ý chính của một diễn ngôn tiêu chuẩn, rõ ràng về các vấn đề quen thuộc trong công việc; có thể xử lý các tình huống diễn ra khi đến nơi sử dụng ngôn ngữ) theo khung năng lực ngoại ngữ, và đạt bậc 4 (hiểu chính xác văn bản phức tạp về các chủ đề cụ thể, có thể giao tiếp ở mức độ trôi chảy, tự nhiên với người bản ngữ) và bậc 5 (có thể hiểu được các văn bản dài với phạm vi rộng và nhận biết được hàm ý, diễn đạt trôi chảy) đối với sinh viên tốt nghiệp các ngành chuyên ngữ ở bậc cao đẳng và đại học. Năm học 2011-2012 sẽ cố gắng thực hiện chương trình đào tạo tăng cường ngoại ngữ cho khoảng 10% số lượng sinh viên đại học, cao đẳng và khoảng 60% số sinh viên vào năm học 2015-2016, 100% vào năm học 2019-2020. |
N.T.T. - hiện là kỹ sư dầu khí cho một công ty nước ngoài - cho biết khi vừa tốt nghiệp (năm 2005), T. nộp hồ sơ vào nhiều công ty dầu khí trong và ngoài nước nhưng tất cả đều thất bại.
Kiến thức chuyên môn không đáng ngại nhưng T. không vượt qua được vòng kiểm tra tiếng Anh. Bằng B tiếng Anh T. tích lũy được trong bốn năm đại học chỉ giúp T. có thể đọc, hiểu được phần nào tài liệu chuyên ngành và tốt nghiệp, chứ không thể giao tiếp hay trả lời phỏng vấn trôi chảy. Sau một thời gian vừa phụ việc cho công ty gia đình, vừa đi học tiếng Anh, T. được nhận vào làm kỹ sư cho một công ty dầu khí Thái Lan có trụ sở tại Cần Thơ. Công ty đã đưa T. sang Thái Lan học tập một thời gian cả về chuyên môn và ngoại ngữ. Khi trở về Việt Nam, T. cho biết đã vững vàng hơn rất nhiều và hiện làm việc cho một công ty dầu khí của Malaysia với mức lương khá cao.
Ở phía doanh nghiệp, bà Tạ Thị Kim Ngân - trưởng phòng nhân sự FPT Software TP.HCM - cho biết tùy theo yêu cầu tuyển dụng của các dự án mà công ty có các yêu cầu khác nhau về ngoại ngữ. Tuy nhiên, các ứng viên đều phải trải qua các bài kiểm tra, trong đó có bài kiểm tra tiếng Anh với 50 câu hỏi. Điểm thi tiếng Anh của các ứng viên dao động từ 18-30, nhưng số đạt điểm 30 rất hiếm.
Thông thường ứng viên đạt 50% yêu cầu sẽ trúng tuyển, nhưng do kết quả không cao nên công ty phải hạ xuống mức 18. Tuy nhiên, khi đã trúng tuyển rồi, tùy vào dự án công ty phải đào tạo bổ sung kỹ năng ngoại ngữ. Hiện nay cách đào tạo bổ sung tiếng Anh mà công ty áp dụng là tuyển người nước ngoài vào làm việc chung dự án. Sử dụng mail tiếng Anh, họp bằng tiếng Anh... để từ đó nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ cho nhân viên.
Nhận xét tổng quan về phẩm chất của sinh viên luật tốt nghiệp ra trường Theo khảo sát năm 2011 của Trường đại học Luật TP.HCM, có đến 66,7% sinh viên khóa 2006-2010 sau khi tốt nghiệp đã tham gia các khóa đào tạo hoặc học thêm để bổ trợ các kiến thức phục vụ công việc của mình.
Cũng theo khảo sát này, tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá sinh viên chưa thành thạo về sử dụng ngoại ngữ vẫn chiếm khá cao (27,3%), cao nhất trong số các tiêu chí khác như ý thức tập thể, cộng đồng (18,2%), tinh thần học tập, cầu tiến (18,2%), sức khỏe (18,2%). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận