08/05/2006 11:42 GMT+7

Ngoại ngữ 3 năm, 7 năm: thi trắc nghiệm tuyển sinh chung một đề?

QUỐC DŨNG
QUỐC DŨNG

TTO - * Năm nay khối D thi trắc nghiệm thì câu hỏi có khác nhiều so với nội dung như mọi năm không? Thời lượng em dự thi là bao nhiêu (cả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH)? Em học một trường ở quê chương trình tiếng Anh hệ 3 năm thì em sẽ thi như thế nào? (fociluckyly1988@)

JcGWaIy0.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi kỳ thi ĐH 2005
TTO - * Năm nay khối D thi trắc nghiệm thì câu hỏi có khác nhiều so với nội dung như mọi năm không? Thời lượng em dự thi là bao nhiêu (cả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH)? Em học một trường ở quê chương trình tiếng Anh hệ 3 năm thì em sẽ thi như thế nào? (fociluckyly1988@)

- Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2006, thí sinh (TS) sẽ làm bài thi trong 60 phút với đề thi gồm 50 câu trắc nghiệm. Đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, thời gian thi sẽ là 90 phút. Số lượng câu hỏi dự kiến từ 90-100 câu. (Hàng năm, đề thi tuyển sinh ĐH môn tiếng Anh có 60 câu hỏi, môn tiếng Pháp từ 80 - 90 câu hỏi)

Đối với đề thi tốt nghiệp THPT sẽ có đề thi riêng cho học sinh học theo chương trình tiếng Anh, tiếng Pháp 3 năm và 7 năm.

Nhưng đối với kỳ thi tuyển sinh vào ĐH sẽ chỉ có một đề thi chung vì các hội đồng thi không thể phân loại được TS nào học theo chương trình 3 năm, TS nào theo chương trình 7 năm để phát đề.

Mặt khác, về nguyên tắc, đây là kỳ thi tuyển chọn vào đào tạo ở một bậc học cao hơn, TS phải cùng một điểm xuất phát và phải đạt được yêu cầu thì mới được tuyển chọn nên thi bằng đề chung là công bằng, đánh giá chính xác.

Đối với môn ngoại ngữ, mục tiêu quan trọng nhất là kiểm tra được kỹ năng (trong đề thi tuyển sinh ĐH kiểm tra hai kỹ năng đọc và viết), phân loại TS đáp ứng yêu cầu tuyển chọn. Vì vậy đề thi trắc nghiệm môn tiếng Anh, tiếng Pháp sẽ có cả chương trình 3 năm và 7 năm.

Về nguyên tắc, đề thi tuyển sinh ĐH phải bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, không quá khó, không lắt léo, tránh những câu đánh đố hoặc những câu bắt học sinh phải học thuộc lòng. Đề thi tuyển sinh năm 2006 sẽ tương đương như đề thi tuyển sinh năm 2005.

* Em muốn thi TCCN khối A, vậy khi nào nộp hồ sơ? Hệ TCCN của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có những ngành nào và nhận hồ sơ đến khi nào? (marketing@)

- Hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào các trường TCCN không giống hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Thí sinh có thể mua và nộp lại hồ sơ tại các điểm thu nhận thuộc các sở GD-ĐT đến hết tháng 5-2006.

Sau thời điểm này, thí sinh có thể trực tiếp nộp hồ sơ dự thi tại phòng đào tạo trường mình dự tuyển. Thời hạn nộp hồ sơ TCCN thường kết thúc trước hai tuần tính đến ngày thi của các trường.

Các trường xét tuyển còn nhận hồ sơ đến hết tháng 8-2006 hoặc đầu tháng 9-2006. Lệ phí hồ sơ vào các trường thi tuyển là 40.000 đồng/ hồ sơ; lệ phí hồ sơ xét tuyển là 30.000 đồng/hồ sơ. Thông thường cuối tháng 6, đầu tháng 7, các trường TCCN sẽ chuyển giấy báo thi về các sở GD-ĐT.

Khi làm hồ sơ, thí sinh cần lưu ý hình thức tuyển sinh của từng trường để nộp kèm những giấy tờ cần thiết (đặc biệt đối với các trường xét tuyển). Thí sinh cần nộp kèm vào phiếu đăng ký tuyển sinh bản sao học bạ THPT, THCS (hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời); bản sao học bạ THPT (hoặc THCS) để các trường có cơ sở xét tuyển. Thí sinh nộp hồ sơ ở đâu sẽ nhận giấy báo ở đó.

Hệ TCCN 2 năm của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: Thi tuyển: ngày 18 và 19-8-2006. Môn thi: Toán - Lý (hoặc Toán - Hóa đối với các ngành Công nghệ hóa học, Công nghệ hóa dầu, Công nghệ thực phẩm, Kỹ thuật môi trường). Tuyển sinh tốt nghiệp THPT và tương đương. Thời gian đào tạo 2 năm, tốt nghiệp cấp bằng TCCN hệ chính quy. Nhận hồ sơ đăng ký tại trường: từ 14-3 đến 31-7-2006.

Các chuyên ngành đào tạo: Công nghệ thông tin (Tin học, Kỹ thuật phần cứng máy tính); Công nghệ điện tử (Điện tử công nghiệp, Điện tử viễn thông, Điện tử máy tính); Công nghệ kỹ thuật điện (Điện công nghiệp); Công nghệ nhiệt - lạnh (Điện lạnh); Công nghệ cơ khí (Chế tạo máy, Cơ điện, Cơ điện tử, Chế tạo khuôn mẫu); Công nghệ hàn;

Công nghệ cơ khí động lực (Cơ khí sửa chữa ôtô); Công nghệ hóa học (Hóa vô cơ, Hóa hữu cơ, Hóa phân tích, Máy và thiết bị hóa chất); Công nghệ hóa dầu; Công nghệ thực phẩm; Kỹ thuật môi trường; Công nghệ may và thiết kế thời trang; Kế toán; Tài chính - ngân hàng; Quản trị nhà hàng - khách sạn; Quản trị lữ hành; Marketing.

Hệ TCCN 4 năm của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: Tuyển sinh tốt nghiệp THCS. Thời gian đào tạo: 4 năm, tốt nghiệp cấp bằng TCCN hệ chính quy. Nhận hồ sơ đăng ký tại trường từ 14-3 đến 31-7-2006. Hình thức tuyển sinh: Xét tuyển.

Các chuyên ngành đào tạo: Tin học; Điện tử Công nghiệp; Điện công nghiệp; Điện lạnh; Cơ khí chế tạo máy; Cơ khí sửa chữa ôtô; Hóa thực phẩm; Kế toán; Tài chính - ngân hàng; Quản trị nhà hàng - khách sạn.

* Năm nay có hai chương trình học là phân ban và không phân ban. Vậy làm sao phân biệt được thí sinh nào học chương trình phân ban, thí sinh nào học chương trình không phân ban khi mà mọi bài thi đều rọc phách? Như vậy nếu thí sinh học chương trình phân ban không làm được phần bài dành cho khối phân ban mà chuyển sang làm phần bài dành cho thí sinh không phân ban thì có được điểm không? (Dương Đức Tuấn, sad_loveday@)

- Để đảm bảo quyền lợi của học sinh học theo hai chương trình khác nhau, có sự đánh giá chính xác, đề thi sẽ gồm hai phần: phần câu hỏi bắt buộc đối với tất cả TS và phần câu hỏi tự chọn được ra theo nội dung chương trình THPT phân ban và chương trình không phân ban.

Đây là phần tự chọn, vì vậy không có sự bắt buộc đối với TS. TS được tùy ý lựa chọn một trong hai phần tự chọn của chương trình phân ban hoặc không phân ban để làm bài thi, không phân biệt TS học theo chương trình nào. Tuy nhiên khi đã lựa chọn đề thi theo chương trình nào thì TS phải làm trọn vẹn theo phần đề đó.

Trong phần tự chọn dành cho chương trình THPT phân ban, đề thi khối A và B ra theo chương trình ban Khoa học tự nhiên, khối C và D ra theo chương trình ban Khoa học xã hội và nhân văn.

* Em đang học ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), vậy sau khi học xong trường này, em muốn học tiếp một trường ĐH nữa. Khi đó, em có phải thi hay chỉ cần nộp đơn đến trường có nguyện vọng là được? (Hoa Bằng Lăng, banglangmautim84@)

- Những người đã tốt nghiệp ĐH, nếu có nguyện vọng học để lấy bằng ĐH thứ 2 thì theo quy chế, sẽ không phải dự thi nếu đã tốt nghiệp ĐH chính quy và xin học cùng ngành đã tốt nghiệp. Ngoài ra, phải dự thi như bình thường.

Các bậc phụ huynh và các bạn học sinh có những yêu cầu thắc mắc về tuyển sinh ĐH-CĐ-THCN 2006, thắc mắc các ngành học, quy chế... có thể gửi email đến Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ: [email protected]

Tuổi Trẻ Online sẽ trả lời thắc mắc của bạn đọc trong thời gian sớm nhất. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu (font chữ unicode).

QUỐC DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên