Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng bữa tối tại Hà Nội bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019. Tổng thống Trump đã đăng lên Twitter 'Bữa tối tuyệt vời cùng ông Kim Jong Un ở Hà Nội'. Việc tổ chức thành công Thượng đỉnh Mỹ - Triều được xem là một trong những thành công của ngoại giao Việt Nam nhiều năm gần đây - Ảnh: REUTERS
Hoạt động ngoại giao văn hóa của nước ta có lịch sử lâu đời, gắn liền với các hoạt động giao bang từ khi nhà nước cổ đại ra đời, nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với láng giềng, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Vào năm 2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức sử dụng khái niệm ngoại giao văn hóa và coi đây là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.
Ngày 3-2-2020, phát biểu tại Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay".
Để đạt được thành công đó là kết quả của sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa chính sách đối nội và đối ngoại, là sự đóng góp tích cực của tất cả các binh chủng thuộc các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, giáo dục - khoa học... và nhất là sự nỗ lực của mỗi người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.
Nếu như những thành tựu về duy trì tốc độ phát triển kinh tế, tăng dự trữ ngân sách, tăng thu nhập đầu người, hiện đại hóa quốc phòng... là những chỉ số "cứng" tạo nên "cơ đồ, tiềm lực" cho quốc gia thì những giá trị văn hóa, truyền thống, tư tưởng, triết lý của người Việt Nam được lan tỏa rộng rãi, sự yêu mến của người dân thế giới... là những chỉ số "mềm" góp phần xây dựng hình ảnh, tạo nên "uy tín, vị thế" của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump. Ông Trump khiến nhiều người thích thú với hình ảnh tay giơ cao quốc kỳ Việt Nam - Ảnh: REUTERS
Ngày nay, trong quan hệ quốc tế, bên cạnh sức mạnh cứng, các nước đều quan tâm củng cố và phát huy sức mạnh mềm, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp của quốc gia mình. Đối với nhiều nước, đây còn là ưu tiên chiến lược với phương thức thực hiện là ngoại giao công chúng, ngoại giao văn hóa.
Joseph S. Nye, chính trị gia, nhà nghiên cứu nổi tiếng người Mỹ, đã định nghĩa rằng "quyền lực mềm là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo do sự hấp dẫn, thuyết phục chứ không phải do cưỡng bức, ép buộc".
Nhà nghiên cứu này tổng kết rằng sức mạnh mềm của một quốc gia được tạo dựng trên 3 cơ sở, bao gồm: giá trị thể chế; chính sách đối nội, đối ngoại; và giá trị văn hóa. Joseph S. Nye cũng nhấn mạnh rằng giá trị văn hóa chỉ trở thành sức mạnh mềm khi nó mang tính phổ quát, thúc đẩy các giá trị và lợi ích mà các nước cùng chia sẻ.
Gần đây, một số tổ chức quy tụ các học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực văn hóa, xã hội để xếp hạng sức mạnh mềm của các nước. Để đánh giá sức mạnh này có nhiều tiêu chí, trong số đó đều có nhiều nội hàm văn hóa như mức độ ảnh hưởng văn hóa, di sản, ẩm thực, sự thân thiện của người dân...
Đối với Việt Nam, sức mạnh mềm xuất phát từ những giá trị tự thân của đất nước như lịch sử, truyền thống, văn hóa, tư tưởng nhân văn, hệ thống quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan... và sự bồi đắp, quan tâm, phát huy thông qua chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như ý thức, hành động của mỗi người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.
Có thể thấy rằng Việt Nam có nguồn sức mạnh văn hóa to lớn, là nền tảng vững vàng để triển khai ngoại giao văn hóa, nâng cao vị thế, củng cố sức mạnh mềm của đất nước. Thật vậy, ngoại giao văn hóa đã được thực hành từ rất sớm.
Hình ảnh cà phê trứng Việt Nam lên sóng truyền hình Mỹ bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019 - Ảnh chụp màn hình
Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm giữ gìn độc lập, thống nhất, mở mang bờ cõi và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, cha ông ta đã vận dụng ngoại giao văn hóa một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn thông qua chiến lược "ngoại giao tâm công" và các biện pháp ngoại giao hòa hiếu.
Ngày nay, ngoại giao văn hóa được xác định là một trụ cột, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo nên nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.
Nội hàm, quan điểm, mục tiêu và các biện pháp của ngoại giao văn hóa được xác định rõ trong Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến giai đoạn 2011 - 2020.
Trong hơn 10 năm qua, ngoại giao văn hóa được triển khai bài bản, rộng rãi cả trong nước và ngoài nước với sự tham gia đông đảo của các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân, tổ chức.
Thông qua ngoại giao văn hóa, thông tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá, phổ biến và lan tỏa rộng rãi, giúp nhân dân thế giới hiểu biết, thiện cảm, yêu mến, từ đó dẫn tới quyết định lựa chọn Việt Nam là điểm đến để hợp tác, đầu tư, du lịch, sử dụng những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam… hay cao hơn là ủng hộ các quan điểm, đường lối, chính sách của Việt Nam.
Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã và đang góp phần xóa mờ đi hình ảnh một Việt Nam nghèo đói, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá để thay bằng hình ảnh đất nước hiện đại nhưng vẫn giữ giá trị truyền thống, cởi mở, thân thiện, thủy chung với bạn bè, tôn trọng đối tác, trách nhiệm với công việc chung của thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận