04/08/2020 22:03 GMT+7

Ngoại giao vắcxin, Trung Quốc có cho không các nước nghèo?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Dù tự gọi 'ngoại giao vắcxin', Bắc Kinh chỉ cho vay chứ không cho không vắcxin. Đối với các nước thân thiết và có tiền hơn, Trung Quốc cam kết sẽ ưu tiên cung cấp vắcxin trước các nước khác.

Ngoại giao vắcxin, Trung Quốc có cho không các nước nghèo? - Ảnh 1.

Vắcxin ngừa COVID-19 do Sinovac của Trung Quốc sản xuất - Ảnh: REUTERS

Giới đầu tư từ lâu đã gọi vắcxin COVID-19 là "chén thánh" của ngành y tế, bởi nếu một quốc gia phát triển thành công loại vắcxin an toàn và về đích trước tiên, nước đó sẽ ngồi trên núi tiền.

Theo Chính phủ Mexico, tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị nếu các nước Mỹ Latin và vùng Caribê muốn mua vắcxin ngừa COVID-19 do Trung Quốc thử nghiệm, Bắc Kinh sẵn sàng cho vay 1 tỉ USD.

Trước đó, hồi tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố các nước châu Phi sẽ được ưu tiên nhận vắcxin một khi Trung Quốc đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo Hãng tin Reuters, một số hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vắcxin giữa Trung Quốc và Brazil, Indonesia cũng đã được xúc tiến.

Trung Quốc hiện có hai loại vắcxin đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở nước ngoài. Viện dẫn trong nước không còn nhiều người mắc COVID-19, Bắc Kinh đã thương thảo với một số nước đưa các loại vắcxin đang phát triển tới các quốc gia này thử nghiệm.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), có khoảng 13 công ty Trung Quốc đang xây dựng dây chuyền sản xuất vắcxin COVID-19. Tờ báo thuộc tỉ phú Jack Ma khẳng định năng lực sản xuất vắcxin của Trung Quốc rất mạnh, nhưng do ưu tiên người dân trong nước nên trong những năm vừa qua thế giới không biết nhiều tới vắcxin "made in China".

SCMP nhận định thông qua "ngoại giao vắcxin" lần này, thế giới sẽ biết tới vắcxin Trung Quốc nhiều hơn, qua đó xây dựng lại hình ảnh đã bị tổn hại bởi chính sách "ngoại giao chiến lang".

Tuy nhiên, một số người trong ngành vắcxin tỏ ra thực tế hơn khi khẳng định nước ngoài sẽ không có vắcxin cho tới khi dân Trung Quốc được tiêm phòng đầy đủ.

Với lịch sử hàng loạt vụ bê bối liên quan tới vắcxin dành cho trẻ em trong quá khứ, một trong những rào cản lớn nhất của vắcxin COVID-19 do Trung Quốc sản xuất là niềm tin của người sử dụng. Nhưng nói như SCMP, Trung Quốc đã quyết tâm lấy lại niềm tin đã mất nên những loại vắcxin đang phát triển được giám sát an toàn nghiêm ngặt.

Ngoại giao vắcxin, Trung Quốc có cho không các nước nghèo? - Ảnh 2.

Một y tá Brazil chuẩn bị tiêm vắcxin thử nghiệm của Trung Quốc cho một tình nguyện viên - Ảnh: REUTERS

Bánh ít đi bánh quy lại?

Philippines là một trong những nước được Trung Quốc hứa ưu tiên cung cấp vắcxin ngừa COVID-19.

"Philippines là một người bạn láng giềng hữu nghị nên chúng tôi chắc chắn sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu của các bạn một khi phát triển thành công vắcxin", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh ngày 29-7.

Ngày 3-8, 5 ngày sau lời hứa công khai của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tuyên bố thừa lệnh của Tổng thống Duterte, Philippines sẽ không tập trận hải quân với nước khác trên Biển Đông, kể cả Mỹ. Ông này nhấn mạnh Manila sẽ chỉ tập trận với các nước khác trong vùng biển Philippines hoặc cách bờ biển Philippines 12 hải lý.

Một số người đã liên kết hai sự việc này lại với nhau và suy đoán đằng sau lời hứa của Trung Quốc với Philippines là một sự trao đổi qua lại.

Năm 2018, khi còn đang đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), Bắc Kinh đã đề xuất các nước không được tiến hành tập trận với những nước ngoài khu vực, "trừ khi thông báo trước với các bên và không có sự phản đối nào".

Cảnh báo Cảnh báo 'chủ nghĩa dân tộc vắcxin'

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo vắcxin ngừa COVID-19 sẽ không thể có cho đến ít nhất đầu năm 2021. Tuy nhiên, nhiều nước giàu đã "xí chỗ" tại các hãng dược để có hàng trăm triệu liều vắcxin.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên