Sáng 18-12 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21.
Hội nghị có sự tham dự trực tiếp của hơn 300 đại biểu. Chủ đề được nhấn mạnh năm nay là: Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương.
Đây là dịp để đánh giá kết quả hai năm triển khai và hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội XIII, đề ra các nhiệm vụ, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương nhằm phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các địa phương trong những năm tới.
Nhiều trái ngọt từ công tác đối ngoại
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, công tác đối ngoại đã củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, huy động nhiều nguồn lực bên ngoài phục vụ kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Trong 3 năm qua, các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đã thực hiện 45 chuyến thăm tới các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống. Đồng thời cũng có 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm mang tính lịch sừ.
Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới. Việt Nam đã và đang thực hiện tốt nhiều trọng trách quốc tế, nhất là trong ASEAN và Liên Hiệp Quốc.
Ngoại giao kinh tế đã huy động nhiều nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỉ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, thu hút FDI tăng 14,8% trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Trong 3 năm qua, các địa phương đã ký 422 thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế. Riêng xuất khẩu của 5 địa phương gồm TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng năm 2023 đã vượt tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cách đây 10 năm.
Ngoại giao văn hóa ở các địa phương tiếp tục khởi sắc với 13 danh hiệu được UNESCO công nhận trong 3 năm qua và còn nhiều hồ sơ di sản đang được UNESCO xem xét. Kết nối địa phương với đồng bào ta ở nước ngoài ngày càng sâu rộng, chặt chẽ hơn, thiết thực phục vụ phát triển địa phương.
Biến thỏa thuận thành kết quả
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh cần tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, mạng lưới quan hệ đối ngoại rộng mở, nhất là các khuôn khổ quan hệ vừa nâng cấp trong thời gian qua, để mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, công nghệ, tri thức và các nguồn lực khác phục vụ phát triển nhanh, bền vững của địa phương.
Hơn hết cũng cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết, thỏa thuận đã ký với các đối tác, chuyển hóa thành kết quả, lợi ích cụ thể, bền vững cho doanh nghiệp và người dân của địa phương.
Tại hội nghị, ông Bùi Thanh Sơn cũng đã trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp ngoại giao cho lãnh đạo các tỉnh, thành và bằng khen của bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho lãnh đạo các sở ngoại vụ.
Chương trình buổi sáng của Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 tiếp diễn với hai phiên thảo luận: Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong tình hình mới; Đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương.
Phiên đối ngoại diễn ra vào buổi chiều, thảo luận về Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận