Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN ở Hà Nội. Đây là sự kiện đối ngoại đa phương mà Việt Nam tổ chức rất thành công vào tháng 9-2018 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Năm 2018 đi qua với sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ, tỉ giá thay đổi, giá dầu biến động, chủ nghĩa dân túy với lực lượng chống toàn cầu hóa vẫn duy trì, chủ nghĩa đa phương lung lay... Cùng lúc đó, Biển Đông bên ngoài bình lặng nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ.
Tuy nhiên, giữa một năm 2018 đầy biến động, Việt Nam nổi lên như một điểm đáng chú ý của chính trường quốc tế. Tìm thấy sự cân bằng và tận dụng tối đa vị thế là điều tiếp tục được ưu tiên, củng cố.
Điểm sáng hội nhập quốc tế
Hôm 30-12, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn sau Úc, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore.
CPTPP là một thành quả đánh dấu các nỗ lực theo đuổi tự do thương mại và hội nhập của Việt Nam trong năm 2018. Việc tích cực đàm phán đảm bảo tiến độ CPTPP cũng phản ánh thái độ nghiêm túc của Việt Nam trong các cam kết quốc tế.
Hình ảnh này cũng có thể đóng vai trò đòn bẩy cho uy tín của Việt Nam trong những thỏa thuận khác, ví dụ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là EVFTA.
Cho đến nay, EVFTA đã được Ủy ban châu Âu thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu, và nếu được ký kết chính thức và có hiệu lực từ năm 2019, nó sẽ là cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường rộng lớn tại châu Âu.
EVFTA cũng có ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ hợp tác của Việt Nam và Anh. Năm 2018 là thời điểm kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Anh, chứng kiến hai nước có những bước tiến lớn trong hợp tác kinh tế, chiến lược toàn diện.
Người Anh đang xích lại Việt Nam, xem Việt Nam là trọng tâm trong việc khai thác tối đa thị trường Đông Nam Á. Khuynh hướng này có ý nghĩa quan trọng với Anh trong bối cảnh nước này sắp rời EU, hay còn gọi là Brexit.
Viễn cảnh một Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương giữa Việt Nam và Anh cũng được nhắc tới, nhưng rõ ràng nó lệ thuộc vào việc ký kết EVFTA.
Trả lời Tuổi Trẻ, đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho rằng Anh đang ra sức ủng hộ Việt Nam can thiệp sâu hơn vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế. Ngoài ra, ông Ward cho biết dưới cương vị của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC), nước này rất hoan nghênh Việt Nam ứng cử thành viên không thường trực của UNSC nhiệm kỳ 2020-2021.
Trong một năm chứng kiến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tác động lên chuỗi cung ứng và địa chính trị toàn cầu, việc có thể tận dụng tối đa các mối quan hệ hợp tác khác chính là nước đi mang tính chất then chốt để Việt Nam giữ thế chủ động.
Vai trò chủ động
Trước các thách thức về địa chính trị cũng như chủ quyền - biển đảo trong câu chuyện Biển Đông, Việt Nam ít nhiều vẫn đa dạng hóa các mối quan hệ để không lệ thuộc cũng như tối ưu hóa lợi ích quốc gia.
Trong năm 2018, Trung Quốc vẫn tiếp tục tận dụng tối đa thời gian đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm quân sự hóa các thực thể nước này chiếm đóng phi pháp. Vì vậy trong năm 2019, Việt Nam - với vai trò chủ động nhất ASEAN - sẽ thúc đẩy các bước đi phù hợp trước tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.
"Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện vai trò chủ động trong ASEAN để đóng góp vào việc hình thành COC vốn dĩ đảm bảo lợi ích quốc gia. Việt Nam, với cương vị chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020, cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Thái Lan - chủ tịch nhiệm kỳ 2019", giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Úc và là nhà nghiên cứu Biển Đông nhận định cùng Tuổi Trẻ.
Trong khi đó tiến sĩ Zach Abuza, giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ, nhận xét với Tuổi Trẻ rằng Việt Nam đặc biệt đã gặt hái thành công trong vấn đề ngoại giao quốc phòng, cũng như việc thắt chặt quan hệ quốc phòng với hải quân các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Singapore và cả Pháp.
Đây là một trong những thành công đáng chú ý trong việc tăng cường năng lực hàng hải để đáp ứng các thách thức ở Biển Đông.
4 điểm nóng thế giới 2019
Với hàng loạt biến động trong năm 2018, thế giới năm 2019 dự kiến sẽ chứng kiến nhiều bước ngoặt, do các điểm nóng chính trị trên thế giới vào giai đoạn "hạ màn".
* Mỹ - Nga. Năm sau sẽ là lúc số phận Hiệp ước hạn chế vũ khí tầm trung (INF) giữa Nga và Mỹ được định đoạt. Hiện Mỹ đặt thời hạn 60 ngày để Nga "tuân thủ INF", và nếu hiệp ước này thực sự tan vỡ, nó có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang không chỉ Mỹ, Nga, mà còn là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
* Châu Âu đối diện nguy cơ tan đàn xẻ nghé. Việc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29-3-2019 có thể chỉ là bước khởi đầu. Trong làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu từ ngày 23 tới 26-5 sẽ phản ánh rõ nét tương lai của
châu Âu.
* Vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên sẽ là những câu chuyện quan trọng khác, mà Mỹ sẽ là nhân tố then chốt. Hàng loạt cuộc gặp gỡ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hay thậm chí Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ giúp định hình tương lai của tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
* Câu chuyện của Syria sẽ bước vào giai đoạn đàm phán tìm giải pháp hòa bình sau 7 - 8 năm chiến tranh liên miên. Tương tự là tình hình Afghanistan, nơi sẽ có cuộc bầu cử tổng thống giữa bối cảnh quân nổi dậy Taliban vừa bác bỏ đề nghị hòa đàm của chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận