Ngoài việc giới thiệu các loại hình nghệ thuật tiêu biểu, nhiều văn nghệ sĩ cũng mong muốn có sự đầu tư để đưa các giá trị này đi xa hơn.
Miền đất Nam Bộ có giá trị văn hóa, nghệ thuật đa dạng và phong phú. Muốn cho nhiều người biết, hiểu và hiểu đúng không phải là điều dễ dàng.
Và để những giá trị văn hóa ấy trở nên thân quen trong đời sống tinh thần của người dân thì cần rất nhiều sự chung tay khác nhau.
Câu hò Nam bộ có từ gốc lúa
Chủ đề Nghệ thuật trình diễn Nam Bộ là một trong những chủ đề nổi bật của chuỗi talk show Nam Bộ quen mà lạ.
Nhiều khán giả thích thú với các tiết mục hò lý, nói thơ, ca ra bộ, cải lương, vọng cổ của các nghệ nhân Hà Thu, Thanh Mai, Minh Đức... và những câu chuyện về nguồn gốc của các loại hình. Đây là những giá trị văn hóa mang dấu ấn Nam Bộ đậm sâu.
Trong phần chia sẻ về loại hình hò của Nam Bộ, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên cho biết các loại hình nghệ thuật ở đây luôn gắn chặt với hoàn cảnh xã hội, nếp sống của người dân Nam Bộ.
Bà Duyên kể: "Tôi từng làm một bộ phim tài liệu đi tìm lại những nghệ nhân một thời tung hoành trên đồng ruộng với những câu hò của mình.
Khi tiếp cận với một nghệ nhân hò ở Tiền Giang, tôi đã xin bà hò vài câu để ghi hình nhưng bà bảo rằng câu hò có từ gốc lúa.
Và tôi phải đi kiếm một cánh đồng để cho bà vừa cấy lúa vừa hò. Tôi đã thu được những câu hò rất hay từ bà".
Bà nói thêm, đồng ruộng không còn xuất hiện những câu hò, vì không còn người cấy lúa. Hoàn cảnh xã hội thay đổi thì những câu hò không còn "đất sống".
Từ câu chuyện trên, chúng ta cần nhìn nhận và tìm cách để giới thiệu, lưu giữ lại những giá trị văn hóa nghệ thuật Nam Bộ. Không chỉ là cải lương, đờn ca tài tử mà còn là những câu hò, điệu lý…
Cần xây dựng những chương trình nghệ thuật định kỳ, chính quy
NSƯT Hải Phượng tham gia talk show với tư cách khách mời. Bà đã có hơn 45 năm gắn bó với đàn tranh.
Nữ nghệ sĩ đã có nhiều chuyến lưu diễn để quảng bá đàn tranh và âm nhạc truyền thống của Việt Nam đến hơn 20 quốc gia trên thế giới.
Tuổi Trẻ Online hỏi bà về cách để các loại hình nghệ thuật Nam Bộ lưu dấu nhiều hơn trong lòng khán giả.
Bà nói: "Chúng ta cần đầu tư dàn dựng những chương trình biểu diễn mang dấu ấn Nam Bộ chính quy, định kỳ, đủ sức hấp dẫn để lan tỏa những giá trị văn hóa này. Các địa phương khác như Hội An, Nha Trang đã làm được điều đó".
Show diễn thực cảnh Ký ức Hội An là chương trình biểu diễn ngoài trời, kể về các giai đoạn lịch sử của Hội An bằng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật kết hợp với ánh sáng, âm thanh, đạo cụ, công nghệ hiện đại đã thu hút rất nhiều lượt khán giả mỗi năm.
Bà Phượng cho biết thêm: "Trong một cuộc hội thảo sắp tới, tôi cũng đề nghị là cần phải xây dựng một con đường di sản, tương tự như Đường sách.
Ở đó sẽ trưng bày, giới thiệu tất cả các loại hình nghệ thuật văn hóa của Nam Bộ. Ngoài ra, mỗi tuần sẽ có một chương trình để giao lưu, trình diễn các loại hình này".
Trong chuỗi hoạt động trải nghiệm văn hóa Nam Bộ quen mà lạ, ngoài talk show tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật Nam Bộ, còn có triển lãm tranh với chủ đề Sắc màu thời gian.
Triển lãm nhằm gây quỹ cho dự án Thư viện số chuyên đề Nam Bộ mang tên Nguyễn An Ninh và trưng bày sách chủ đề Lịch sử, con người, vùng đất Nam Bộ với 50 đầu sách được chọn lọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận