Luật sư về sở hữu trí tuệ nhận định nhà sản xuất Ngô Thanh Vân không vi phạm pháp luật khi mua bản quyền chuyển thể "Thần đồng đất Việt" từ Công ty Phan Thị - Ảnh: NVCC/ĐPCC
Sau khi tìm hiểu phát ngôn của các bên và bản án năm 2019 (giải quyết tranh chấp giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị), luật sư Phan Vũ Tuấn - phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM - nhận định với Tuổi Trẻ Online về bản quyền phim Trạng Tí.
'Ngô Thanh Vân tìm đến Công ty Phan Thị là đúng luật'
Theo luật sư Tuấn, để xác định hành vi của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân (công ty Studio68) có vi phạm pháp luật hay không thì trước hết cần làm rõ phạm vi quyền giữa "tác giả" và "chủ sở hữu quyền tác giả" theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ (SHTT).
Theo bản án năm 2019, họa sĩ Lê Linh được xác định là tác giả (người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm), còn Công ty Phan Thị được xác định là chủ sở hữu quyền tác giả.
Trailer 'Trạng Tí' - phim chuyển thể từ truyện tranh 'Thần đồng đất Việt'
Căn cứ các quy định của Luật sở hữu trí tuệ, Lê Linh với tư cách là tác giả sẽ có các quyền lợi về nhân thân để bản thân được tôn vinh, được nhớ đến với vai trò là người đã sáng tạo ra tác phẩm.
Trong khi đó, Công ty Phan Thị với tư cách là chủ sở hữu quyền tác giả sẽ có các quyền lợi về tài sản để khai thác tác phẩm, vào các mục đích thương mại hoặc phi thương mại. Làm tác phẩm phái sinh như phim Trạng Tí chính là một cách khai thác mà chủ sở hữu quyền tác giả có độc quyền thực hiện theo quy định tại Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ.
Tại Khoản 8 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ, "tác phẩm phái sinh" được giải thích là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
Diễn viên nhí Huỳnh Hữu Khang (11 tuổi) vào vai Tí - Ảnh: ĐPCC
Luật sư Tuấn phân tích: "Như vậy, chuyển thể một tác phẩm từ thể loại này sang thể loại khác, cụ thể ở đây là chuyển thể Thần đồng đất Việt từ thể loại truyện tranh sang thể loại phim điện ảnh hoàn toàn thuộc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, tức Công ty Phan Thị.
Căn cứ Khoản 2 Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ, quyền chuyển thể có thể do Công ty Phan Thị tự thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện.
Như vậy, Công ty Phan Thị có đầy đủ quyền để cho phép nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thực hiện chuyển thể tác phẩm. Việc Ngô Thanh Vân tìm đến Công ty Phan Thị để ký kết hợp đồng là đúng chủ thể".
Họa sĩ Lê Linh 'không có quyền' ngăn khai thác truyện
Quyền lợi của họa sĩ Lê Linh trong vụ việc được một nhóm khán giả quan tâm và đấu tranh khá gay gắt.
Tuy nhiên, luật sư Phan Vũ Tuấn nhận định: "Trong phạm vi quyền nhân thân của tác giả, cần nhìn nhận rằng Lê Linh không có quyền ngăn cản hoạt động khai thác này".
Ngoài các cảnh tái hiện làng quê Việt Nam, phim "Trạng Tí" còn có nhiều cảnh mang yếu tố kỳ ảo - Ảnh: ĐPCC
Tuy nhiên, việc làm tác phẩm phái sinh phải đảm bảo không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc, tức là đảm bảo quyền nhân thân của tác giả.
Quyền đó bao gồm: bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ.
Phát ngôn trên mạng xã hội, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết đã liên hệ với Lê Linh nhưng không đạt được thỏa thuận về quyền lợi cho họa sĩ. Nhưng việc không đạt được thỏa thuận không dẫn đến việc chuyển thể Thần đồng đất Việt là hành vi xâm phạm, bởi quyền chuyển thể tác phẩm thuộc về Công ty Phan Thị.
Diễn viên Trung Anh đóng một vai trong "Trạng Tí". Hiện tại hệ thống nhân vật chưa được giới thiệu đầy đủ nên khó so sánh về sự giống, khác giữa phim và truyện gốc "Thần đồng đất Việt" - Ảnh: ĐPCC
Theo luật sư, việc Ngô Thanh Vân liên hệ với họa sĩ Lê Linh là động thái cho thấy sự tôn trọng tác giả và đảm bảo rằng nhà sản xuất này hiểu đúng về đặc điểm của các nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo mà ông Lê Linh sáng tạo ra.
Hành động này của Ngô Thanh Vân có thể là cách thức để đảm bảo rằng bộ phim Trạng Tí không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
"Như vậy, theo quy định của pháp luật, tuân thủ nghiêm ngặt phán quyết của tòa án, việc hãng phim của Ngô Thanh Vân thực hiện bộ phim "Trạng Tí" đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật" - luật sư Tuấn kết luận.
Phan Thị: Phim Trạng Tí 'hoàn toàn đúng luật'
Hôm 24-12, về tranh cãi bản quyền phim Trạng Tí do Tuổi Trẻ Online phản ánh, bà Nguyễn Thị Lan Nhã - giám đốc điều hành Công ty Phan Thị - phản hồi như sau:
"Về bản án, tòa công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật trong truyện Thần đồng đất Việt, cần xác định rõ là "hình tượng nhân vật" chứ không phải "nội dung bộ truyện". Phan Thị được khẳng định là chủ sở hữu tác phẩm Thần đồng đất Việt.
Công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm và có quyền làm tác phẩm phái sinh theo quy định của pháp luật. Phan Thị đã ký hợp đồng với Studio68 để công ty này làm phim Thần đồng đất Việt (người đóng). Việc Studio68 chuyển thể tác phẩm thành phim điện ảnh người đóng là hoàn toàn đúng luật.
Phan Thị thông tin rõ để không làm ảnh hưởng đến đơn vị sản xuất phim".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận