Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh trong buổi họp báo tại TP.HCM chiều 24-1 - Ảnh: GIA TIẾN
Chiều 24-1, êkip Trạng Tí họp báo tại TP.HCM, bao gồm: nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và luật sư Nguyễn Đức Hoàng - đại diện pháp lý của Studio68.
Trong một tháng qua, phim Trạng Tí vấp phải làn sóng tẩy chay liên quan truyện tranh Thần đồng đất Việt và họa sĩ Lê Linh. Một nhóm cư dân mạng phản đối vì cho rằng phim không có sự đồng hành của Lê Linh - tác giả hình tượng 4 nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo.
43 tỉ đồng, hơn 3 năm ròng rã của êkip 500 người
Trả lời Tuổi Trẻ Online, Ngô Thanh Vân cho biết kinh phí Trạng Tí là 43 tỉ đồng nhưng chưa phải con số cuối cùng. Bên cạnh bối cảnh hoành tráng, to lớn, phần kỹ xảo trong phim cũng rất đầu tư, đặc biệt ở đoạn cuối. Êkip lên đến 500 người. "43 tỉ đồng là con số quá lớn cho một bộ phim thiếu nhi" - cô nói.
Trailer phim 'Trạng Tí'
Sau 2 năm sản xuất phim và một năm hoãn phát hành do COVID-19, êkip đã trải qua 3 năm ròng rã nhưng vẫn chưa hoàn vốn cho nhà đầu tư. Bản thân cô và Studio68 đang chịu nhiều áp lực.
Về làn sóng tẩy chay bộ phim gần đây, Ngô Thanh Vân nói: "Đối với những bình luận trên mạng, tôi đọc hết, tôi hiểu hết. Là người đứng đầu, tôi chịu đựng được hết nhưng nếu những bình luận đó chĩa vào sản phẩm, cho rằng sản phẩm không đủ chất lượng thì không cần thiết. Vì 43 tỉ đồng, hơn 3 năm ròng rã của nhiều người chỉ để làm nên một sản phẩm nghiêm túc".
Ngô Thanh Vân khẳng định Trạng Tí là hành trình dễ thương của Tí, Sửu, Dần, Mẹo và là bộ phim gia đình phù hợp với mọi thế hệ: ông bà, bố mẹ, con cháu.
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân khẳng định tâm huyết với dự án Trạng Tí - Ảnh: GIA TIẾN
Anh Lê Linh vẽ truyện tranh vì một tác phẩm văn hóa, giáo dục dành cho trẻ em Việt Nam. Tôi cũng thế. Tôi cũng muốn làm nên bộ phim Trạng Tí dành cho trẻ em Việt Nam.
đạo diễn Phan Gia Nhật Linh
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết đã quen với việc phim bị tẩy chay. Phim đầu tiên bị phản đối vì tiêu đề Em là bà nội của anh, phim thứ hai (Cô gái đến từ hôm qua) bị phản đối vì chọn Ngô Kiến Huy và Miu Lê đóng vai học sinh. Do đó, anh thấy bình thản.
Đạo diễn nói: "Thực sự, tôi hoàn toàn hiểu việc tẩy chay. Rất nhiều người thương anh Lê Linh vì mười mấy năm chịu bất công. Nhiều người đặt tình cảm lớn vào đó nên không quan tâm đến cái lý. Điều trùng hợp là trong phim, mẹ Tí cũng nói: Nhiều khi cái tình còn lớn hơn cái lý".
Nhưng đạo diễn tin rằng vẫn còn nhiều khán giả yêu thương và ủng hộ bộ phim. Anh không quan tâm đến những lùm xùm mà muốn tạo ra một sản phẩm ý nghĩa dành cho thiếu nhi.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tin rằng vẫn còn nhiều khán giả ủng hộ bộ phim - Ảnh: GIA TIẾN
Phan Gia Nhật Linh nói: "Anh Lê Linh vẽ truyện tranh vì muốn có một tác phẩm văn hóa, giáo dục dành cho trẻ em Việt Nam trong bối cảnh có rất ít truyện như vậy. Và tôi cũng thế. Tôi cũng muốn làm nên bộ phim Trạng Tí dành cho trẻ em Việt Nam.
Nếu anh Lê Linh muốn làm điều gì đó cho trẻ em Việt Nam thì anh rất nên ủng hộ bộ phim này, vì điều đó lớn hơn tất cả".
Quyền tự do sáng tạo của nhà làm phim
Bên cạnh các thông điệp trên, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhấn mạnh mong muốn của cá nhân anh về quyền tự do sáng tạo của nhà làm phim.
Anh nói: "Tôi từng từ chối khi được Ngô Thanh Vân mời chuyển thể vì Công ty Phan Thị yêu cầu bám sát nguyên tác. Vấn đề lớn nhất là quyền tự do sáng tạo. Nếu tôi không có quyền phóng tác thì phim sẽ trở thành sitcom Ngày xửa ngày xưa hay Truyện dân gian.
Tôi từng làm phim Cô gái đến từ hôm qua và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rất tôn trọng tự do sáng tạo của đạo diễn... Trên thế giới, truyện là truyện mà phim là phim, chúng có đời sống riêng".
Đạo diễn giải thích, truyện tranh có thể không có logic về mặt tâm lý, nhưng phim thì phải có. Chẳng hạn, Tí gặp cướp thì sẽ sợ và bị đánh như một đứa trẻ ngoài đời. Cậu thông minh nhưng là con nhà nghèo nên sẽ mặc cảm. Được mẹ dạy là phải yêu thương mọi người nhưng Tí không nhìn thấy điều đó ở dân làng xung quanh nên sẽ hoài nghi.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh muốn bảo vệ quyền tự do sáng tạo của nhà làm phim khi chuyển thể, phóng tác văn học, truyện tranh - Ảnh: GIA TIẾN
Truyện không nhắc việc mẹ Tí không chồng mà có con nhưng khi lên phim, chị sẽ gặp điều tiếng vì văn hóa làng xã. Bên cạnh đó, bổ tử (miếng vải thêu hình chim, thú đính trước ngực và sau lưng áo thời phong kiến) của Tí cũng đổi từ chữ S thành hình cá chép theo ý đồ đạo diễn.
Hình tượng cá chép thể hiện ước mơ vượt vũ môn hóa rồng. Khi còn là câu bé nhà nghèo, Tí vẫn là chú cá chép chờ ngày thành danh. Hình ảnh trên bổ tử sẽ thay đổi qua từng tập phim để thể hiện hành trình của Tí.
Thêm vào đó, dù bản đồ hình chữ S rất ý nghĩa, hình ảnh đó không đúng với niên đại trong lịch sử. Truyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê, và ở thời Hậu Lê, bản đồ Việt Nam chưa có hình chữ S.
Trong bản án năm 2019, TAND TP.HCM phán quyết Lê Linh là tác giả của hình tượng 4 nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo còn Công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm Thần đồng đất Việt, có quyền khai thác hoặc bán bản quyền khai thác tác phẩm phái sinh.
Căn cứ vào bản án, luật sư Nguyễn Đức Hoàng cho rằng việc Studio68 mua bản quyền làm phim từ Phan Thị là đúng luật. Tuy nhiên, việc làm tác phẩm phái sinh phải đảm bảo không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, tức là đảm bảo quyền nhân thân của tác giả Lê Linh.
Dàn diễn viên nhí phim Trạng Tí và nhóm 365 khi quay MV nhạc phim - Ảnh: ĐPCC
Dàn diễn viên nhí thiệt thòi vì vụ tẩy chay phim
Đáng ra trong buổi họp báo chiều 24-1 sẽ có dàn diễn viên nhí của phim gồm Huỳnh Hữu Khang, Phan Bảo Tiên, Vương Hoàng Long và Trần Đức Anh (lần lượt đóng Tí, Sửu, Dần, Mẹo). Nhưng các em không xuất hiện để tránh những bình luận ác ý trên mạng xã hội.
"Đây là điều rất thiệt thòi với các em, các em xứng đáng được tôn vinh" - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận