Phóng to |
Những bức ảnh do tác giả tự chụp, tất cả là sinh hoạt đời thường của người Hà Nội trong ngõ, có cả chính gia đình anh ta - một người Nhật đến sống và làm việc ở Hà Nội 10 tháng. Không phải là một cuốn hồi ký, cũng không phải sách biên khảo, lại càng không là sách hướng dẫn du lịch. Nhưng nó hội đủ sự hấp dẫn của cả ba yếu tố trên.
“Đây là bà Nghiêm, ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến tối khuya, bà pha trà nóng rồi rót ra những cái chén nhỏ cỡ cái mõm lợn bán cho khách xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Có người bảo là bà 65 tuổi, cũng có người nói 70. Tôi không biết chính xác, nhưng tôi biết chắc chắn một điều là bà đã sống qua cả một thời chiến tranh giàu nghị lực. Tôi được bà cho uống trà không biết bao nhiêu lần. Bà luôn miệng than thở “nghèo lắm, khổ lắm”, nhưng đến khi thân quen rồi thì chẳng chịu lấy tiền”... Đấy là “chú thích dài dòng” cho bức ảnh chụp chân dung một người phụ nữ đội nón ngồi xổm trên vỉa hè.
Có 74 chú thích như thế đi kèm với những bức ảnh của một người chụp ảnh nghiệp dư nhưng có góc nhìn tinh tế và một tình cảm ấm áp khi bấm máy. Những bức ảnh và chú thích chiếm đúng một nửa độ dày cuốn sách: một cô hàng hoa, một đàn em bé chơi rồng rắn lên mây, những người hành khất, một nhóm thanh niên đánh cờ trên hè phố, chị hàng rau quen mặt, chị hàng xóm dạy con làm thịt gà, gói bánh chưng ngày tết, một người đàn ông bơm xe, một đám cãi nhau, một người thắp hương thành kính bên một gốc cây cổ thụ trong ngõ...
Có thể nói gần như không ai, không một điều gì thuộc về cuộc sống của các cư dân trong ngõ phố Hà Nội bị bỏ qua, bị lãng quên trong những khám phá vừa tò mò vừa thương mến của người khách lạ lùng này. Không chỉ đơn thuần là những quan sát của một người khách du lịch, Ito tự đặt những câu hỏi và tự trả lời sau mỗi quan sát của mình. Những câu hỏi vừa giản đơn, ngồ ngộ nhưng đôi khi chúng chạm đến những vấn đề xã hội rất sâu sắc mà có lẽ tác giả cũng không ngờ tới.
Rất từ tốn và giản dị, Ito kể câu chuyện về cuộc sống 10 tháng ở Hà Nội của mình. Không ai bắt anh phải làm công việc ấy, nhưng niềm vui của người vợ khi được đi dạo trên hè phố Hà Nội, nỗi sung sướng của đứa con gái khi được người hàng xóm trong ngõ cho dự bữa cơm gia đình, cảm giác thư thái lúc được cưỡi xe máy chở vợ con đi mua hoa đào ngày tết, nỗi nhớ nhung với không khí thanh bình, chậm rãi như thể thời gian đông đặc lại mỗi buổi chiều mùa đông trong ngõ nhỏ... đã khiến anh không thể giữ Hà Nội trong lòng. Ito tự buộc mình phải viết, như một cách quay về Hà Nội trong tâm tưởng. Và rất nhiều người Hà Nội phải cảm ơn Ito về những khám phá cũ mà mới ấy.
Cũng có đôi lúc ta tự thấy chán ta, thấy cuộc sống sao mà khó khăn, thấy không khí sao mà khó thở, thấy đường sao mà lắm xe máy, thấy nhà sao mà chật, ta mơ ước một cái gì đó thật đẹp đẽ, to lớn, sang trọng ở một nơi nào đó không phải Hà Nội. Đọc “những khám phá” của Ito, ta chợt đỏ mặt vì xấu hổ. Ta nhìn lại mình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận