"Đừng nói tụi nó mập. Tôi hay nói ngược là ốm để tụi nó khỏe. Mấy đứa nó cũng như con mình nên tôi đâu dám quở, sợ tụi nó đau bệnh" - bà Mai Thị Kim Hoàng (65 tuổi) vừa xoa đầu chú chó cưng vừa dặn dò như vậy khi có người hỏi thăm.
Chó không chê chủ nghèo
Mưa lất phất, bà Hoàng thu mình ngồi dưới mái hiên một cửa tiệm ở góc đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM), đầu tóc rối bù sau một ngày miệt mài nhặt ve chai. Lucky là chú chó lớn nhất, lông trắng mượt, đang ngủ thì ngóng cổ dậy khi nghe tiếng sột soạt.
"Ngủ đi con. Thường giờ này là tụi nó ngủ hết rồi, nay thấy có khách nên cũng hóng chuyện", bà cười. Lucky nằm trên chiếc xe đẩy hàng, chồm qua hít hít mũi vô mặt chủ. Bà âu yếm nhìn qua, dỗ dỗ như người ta dỗ con nít. Sát bên là Mina và Ốc Tiêu, hai chú chó màu vàng nâu thân thiện.
Khung cảnh làm chạnh lòng người qua đường. Ông Xuân Hoàng (72 tuổi) dừng lại hỏi thăm rồi biếu bà bịch hạt khô cho chó. Ông bộc bạch: "Tôi thương con Lucky này nè. Tôi ở chung cư gần đây nên hay ghé thăm. Bả nuôi tụi nó khéo. Bả ăn thì không bao nhiêu mà chăm lo cho chó kỹ lưỡng vô cùng".
Lát sau, mấy người làm công trình gần đó cho bà mớ giấy các tông. Nghe bà nói chuyện khá to, ba chú chó chồm dậy sủa vang. Bà cười giải thích: "Tụi nó bảo vệ tôi đó. Nghe tôi nói lớn, tụi nó tưởng có chuyện gì. Buổi tối, tôi ngủ ở gần đây, mỗi khi nghe tiếng động là tụi nó cũng sủa chừng chừng. Sợ ba đứa bị bắt, tôi phải mua cái ổ khóa nhỏ để khóa dây xích...".
Nhiều năm lấy đường phố là nhà, bà đã nuôi nhiều chú chó. Qua thời gian, có con bị người ta bắt trộm, con bệnh chết, hiện bà còn ba chú chó này làm bạn. "Với lại tôi đâu có lo một lúc nhiều đứa được. Được cái là tụi nó dễ ăn, im im là nằm ngoan ngủ. Tôi phải cột tụi nó vô cái xe đẩy hàng của người ta cho hôm bữa", bà kể. Mỗi khi đi nhặt ve chai, bà thường đẩy ba "cục cưng" đi theo, vừa nhặt nhạnh vừa trông chừng.
Chó không chê chủ nghèo. Hồi tháng trước, có người phụ nữ sống gần đó xin Mina về nuôi. "Ai dè đâu mấy bữa sau, thấy tôi đi bên này đường, Mina chạy ra mừng. Nó cứ đi theo, tôi nói gì cũng không chịu về với chủ mới. Nó lại về ở với tôi, chắc nó không nỡ xa mình dù ở với người ta sung sướng hơn", bà xúc động nhớ lại.
Cái se lạnh về khuya dường như khiến người khá khép kín như bà cũng trải lòng. Quá khứ ùa về như một thước phim buồn, bà tâm sự: "Mẹ tôi mất từ lúc tôi còn nhỏ. Hồi trẻ tôi có chồng, có một đứa con gái mà giờ nó ở xa rồi. Cháu ngoại tôi thì nhặt ve chai ở khu dưới kia". Ánh mắt bà thoáng nét vui khi nhắc tới người cháu. Bà nói cháu cũng thương mình và thương đàn chó.
Dứt khỏi dòng hồi tưởng, bà khẽ khàng sửa sang lại cái ba lô cũ đựng mấy bộ đồ, cột lại bịch bánh mì. Bầy thú cưng lại trở dậy, nguẩy đuôi, bà thương quá lại áp mặt vào chúng tìm hơi ấm.
Thú cưng lúc nào cũng quấn quýt, bảo vệ chủ
Mờ sáng trên chiếc xe ba gác máy đậu ở một công viên thuộc quận 11, ông Võ Văn Thành (56 tuổi) trở dậy. Ông từ Long An lên TP.HCM hồi khuya, chợp mắt rồi sáng dậy tranh thủ đi lượm ve chai hoặc đi cứu chó bị bỏ rơi khi có người quen điện. Phần sau của chiếc xe ông chế thành cái nhà tí hon ấm cúng cho bầy chó.
Nhấp ngụm cà phê tự pha, ông kể từ hồi trẻ sau khi rời gia đình, ông dần quen cảnh sống tạm bợ này. "Hồi cỡ năm 1996, tôi đi phụ hồ, thấy có hai con chó tội nghiệp nên mua về nuôi. Là thợ theo công trình đâu có tiện dẫn theo, nên tôi chuyển sang lượm ve chai để lo cho tụi nó. Con Phèn La bầu đẻ con Đen được bốn ngày là người ta bắt nó mất tiêu", người đàn ông có dáng điệu khắc khổ buồn buồn kể.
Cách đây hơn năm, một người hảo tâm giúp ông thuê căn nhà giữa ruộng ở Bến Lức (Long An) để có chỗ tá túc và chăm lo cho bầy chó hơn 20 con. Mỗi khi lên TP.HCM vài ngày, ông chở theo hơn một nửa bầy. Mưa nắng gì ông và chúng cũng có nhau như người thân.
Ông tâm sự ngoài chuyện chăm lo cho bầy chó, ông còn kết nối với mấy trạm cứu hộ ở TP.HCM và Sóc Trăng để giúp đỡ loài vật đáng thương này. "Con nào nhắm nuôi được thì tôi giữ lại nuôi. Không thì tôi điện người trạm cứu hộ tới rước", ông nói.
Nửa năm trước, thấy một chú chó becgiê bị người ta bỏ rơi, ốm nhom, hai chân sau gần như không đi được, ông thương tình đem đi cơ sở thú y chạy chữa. "May mà có người tốt bỏ tiền chữa cho nó, giúp nó đi lại được. Khuỷu chân phải thì trước đây ngày nào cũng phải xức thuốc. Nó hiền khô à, biết nghe lời lắm", ông nói.
Rồi ông quay qua xoa đầu chú chó hơn 10 năm tuổi nằm vẫy vẫy đuôi, bày tỏ tình thương với chủ bằng đôi mắt ướt. Theo ông, nhìn ánh mắt, điệu bộ của chó là có thể biết "mấy đứa nhỏ" đang khỏe hay bệnh, vui buồn, thậm chí đang giận hay đang mừng chủ.
Có những con lúc mới nhặt về hơi hung dữ, ông cho ăn, dỗ dỗ "ngoan để ba nuôi con, ở với ba chứ giờ ra đường người ta bắt mất ráng chịu nghe". Ông ăn uống qua loa mỗi ngày một bữa lúc sáng theo thói quen nhưng bầy chó thì ông chăm kỹ, mỗi ngày nấu hai nồi cơm và để ý đổi món mặn cho chúng đỡ ngán.
Biết việc tốt và tình thương của ông với mấy chú chó, một số người cũng giúp đỡ. Từ hơn bốn năm nay, đều đặn mỗi cuối tuần bà Nguyễn Thị Bé (57 tuổi, nhà quận 3) chạy xe qua thăm ông và bầy chó. Trên xe bà chở theo mấy phần cơm và đồ dùng mua ở chợ.
Hôm nào có đứa "trái gió trở trời" hoặc bị thương, bà đến phụ ông chăm sóc, thuốc thang, vệ sinh cho chúng. Bà kể hồi nãy thấy chuồng con becgiê bị rách lỗ to. Biết ông không có đồ nghề nên bà mua cuộn kẽm sửa lại. Mấy tấm bìa cứng in hình chú chó và dòng chữ "Không bán chó, chó là bạn, không phải là thức ăn" bà cũng đặt làm treo quanh xe cho ông.
"Đen, Đen! Người lạ kêu nó không dòm đâu. Lúc nào lên thành phố tui cũng chở theo hết", ông quay qua gọi chú chó mình gắn bó lâu nhất. "Tui nuôi nó hơn chục năm rồi. Thấy mấy người lạ là nó gừ lắm. Nó già rồi, bị rụng lông nên tui phải cạo bớt", ông nói.
Ông vừa nhận một chú chó lông trắng vàng tên Beo. Ngoài ra, có hai chú chó bị mù ông cũng nhặt về. Chúng mang những cái tên gần gũi: Phèn, Trắng, Vàng, Xù, Bỏ, Lụm... Có con đẻ nhiều lứa nên ông đùa mình có... cháu cố, rồi chỉ vô đứa cháu tên Mina Vàng.
Bữa nào lên thành phố mà trời mưa, ông thả tấm bạt bên hông xe che chắn cho mình và bầy chó. Như một số bộ phim về chú chó trung thành, cuộc đời phiêu dạt có những con vật tình nghĩa này làm bạn cũng giúp những người như ông và bà Hoàng có chút niềm an ủi.
"Mình có bề gì thì tụi nó khổ"
Nói về tương lai, bà Hoàng ước có chút vốn để đi thu mua ve chai, chăm lo cho ba chú chó tốt hơn, có cái radio để nghe cải lương đỡ buồn. Bà cũng có nghề làm hoa giấy, "nhưng giấy mắc, 60.000 đồng một xấp nên lâu lâu tôi mới làm bán".
Bị đau cột sống nên ông Thành đi lại không nhanh nhẹn như xưa. Mắt rưng rưng, ông ước: "Tôi mong mình khỏe mạnh chăm nuôi cho tụi nó. Một khi mình có bề gì thì tụi nó khổ, không chừng còn bị bắt thịt, thương lắm".
---------------------
Ngày chú chó gầy gò lê lết đến xóm, chẳng ai biết chú từ đâu đến. Mọi người chỉ thấy một chú chó đói lả, lông bù xù, đến nhà dân xin ăn. Thương cảm, bà con chung tay chăm sóc chú chó đi lạc như đứa con nuôi cả xóm.
Kỳ tới: Từ chú chó hoang thành “con chung” cả xóm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận