Quần đảo Cocos nhìn từ trên cao - Ảnh: ABC
Quần đảo này gồm 2 rạn san hô vòng và 27 đảo san hô với diện tích khoảng 14km2, lớn hơn một chút so với đảo Lý Sơn của Việt Nam.
Đây là nhóm đảo san hô duy nhất ở phía đông Ấn Độ Dương, tương đối biệt lập và không có người sống cho tới tận đầu thế kỷ 19.
Theo The Telegraph, năm 1836, Darwin và nhóm nghiên cứu là những nhà khoa học đầu tiên đặt chân đến quần đảo này.
Trong khoảng 2 tháng ở hòn đảo, Darwin đã tìm hiểu hơn 22 loài thực vật, đồng thời khám phá được quy luật về địa chất học: quá trình chìm dần của các đảo núi lửa sẽ giúp hình thành các rạn san hô và về sau là đảo san hô.
Khi trở về Anh, Darwin cho xuất bản công trình này và là tác phẩm lớn đầu tiên của cha đẻ thuyết tiến hóa.
"Biển ở đây nông, trong suốt và phẳng lặng. Thật thú vị khi nằm nghỉ trên những bãi cát trắng trải dài, trên đầu là những tia nắng xuyên qua những tán cây xanh" - Darwin mô tả quần đảo trong nhật ký của mình.
Sau Darwin, quần đảo cũng là điểm đến nghiên cứu của nhiều nhà sinh vật học trên thế giới như Henry Ogg Forbes (1879), W.E. Birch (1885), Henry B. Guppy (1888), hay Telford (1985), D.G.Williams (1987)…
Với mỗi nghiên cứu, các nhà khoa học thường tìm kiếm thêm được khoảng 30 loài động thực vật có mặt trên đảo nhưng chưa được ghi chép trước đó.
Tuy nhiên, những năm gần đây, quần đảo này lại bị rác thải bủa vây một cách khó hiểu.
Rác tích tụ ngày một nhiều trên quần đảo ít người này - Ảnh: SILKE STUCKENBROCK
Theo nghiên cứu của ĐH Tasmania (Úc), hiện tại có khoảng 414 triệu mẩu rác thải nhỏ, nặng khoảng 238 tấn trên các bãi biển thuộc quần đảo.
TS Jennifer Lavers - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết trong những đợt gom rác của các tình nguyện viên, họ thu được khoảng 977.000 chiếc giày và 373.000 bàn chải bỏ đi trên khắp quần đảo.
Ngoài ra, ước tính có khoảng 338.355.473 đồ đạc vứt bỏ hiện đang bị vùi lấp trong các lớp đất cát ở độ sâu 5m trở lại, gấp 26 lần lượng phế thải có thể nhìn thấy trên bề mặt quần đảo.
Tranh vẽ quần đảo Cocos hoang sơ cuối thế kỷ 19 - Ảnh: THE TELEGRAPH
Điều lạ kỳ nhất là trên hòn đảo xa xôi này hiện chỉ có khoảng 529 người sinh sống, tức là không thể có lượng rác thải lớn đến thế trong một cộng đồng dân cư nhỏ bé.
Các nhà khoa học cho rằng chính tác động của dòng biển đã đưa các mẩu rác lênh đênh trên Ấn Độ Dương đến "định cư" trên đảo.
Qua thời gian, với tác động của gió và sự vùi lấp của đất cát, rác thải trên hòn đảo ngày càng nhiều.
Quần đảo Cocos là một trong những nơi "tập kết" rác thải trôi nổi trên đại dương - Ảnh: SILKE STUCKENBROCK
Trước đó, năm 2017, nhóm nghiên cứu từ ĐH Tasmania cũng thực hiện một nghiên cứu về rác thải tương tự ở hòn đảo Henderson, phía nam Thái Bình Dương.
Nhóm nhận thấy dù nằm ở nơi hẻo lánh nhất nhì thế giới nhưng hòn đảo Henderson lại là nơi "tập kết" rác thải trôi dạt lớn nhất thế giới.
TS Annett Finger, từ ĐH Victoria (Úc) - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết rõ ràng vấn đề rác thải ở đại dương đang ở mức báo động và dường như việc cố làm sạch các bãi biển, nhất là những nơi như đảo Henderson hay quần đảo Cocos, là điều không thể.
"Giải pháp khả thi nhất là hạn chế sản xuất rác thải nhựa, kết hợp với quản lý chặt việc thải rác xuống sông, biển. Khi đó, việc thu gom rác thải ở các bãi biển mới có hiệu quả" - Finger nói.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Scientific Reports.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận