11/08/2017 16:30 GMT+7

'Ngó lơ' với sư phạm vì đầu ra chứ nào phải lương thấp?

TÙNG SƠN
TÙNG SƠN

TTO - Cho rằng ngành sư phạm có điểm chuẩn đầu vào “chạm đáy”, nguyên nhân chính là đầu ra khó xin việc chứ nào phải đâu lương thấp. Nhằm góp thêm một góc nhìn về vấn đề này, dưới đây là ý kiến của bạn Tùng Sơn.

Theo phân tích của tác giả, xã hội VN rất ưa chuộng cô giáo. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) tặng hoa cho cô giáo, chúc mừng Ngày nhà giáo VN - Ảnh: Như Hùng

Khi điểm tuyển sinh các trường , một số chuyên gia và không ít nhà sư phạm cho rằng đó là tại những chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước chưa đủ sức hút. Những lý giải đó chỉ đúng một phần.

Theo tôi, cơ bản là con em chúng ta từ chối sư phạm vì tuyệt vọng đầu ra. Dưới đây là các nguyên nhân chính để tôi khẳng định điều mình nói.

Nhà giáo hiện nay đang hưởng 3 phụ cấp

Ngoài thu nhập về lương tính theo hệ số, mỗi nhà giáo của chúng ta hiện đang hưởng ba phụ cấp ưu đãi. Các phụ cấp này giúp số tiền thực lĩnh của mỗi giáo viên tăng lên rất đáng kể.

Thứ nhất, phụ cấp ưu đãi nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập theo quyết định số 224/2005/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này, ở vùng đồng bằng, giáo viên hưởng từ 25-35% tùy theo cấp học. Nếu miền núi, phụ cấp này từ 50-70%.

Thứ hai, phụ cấp thâm niên nhà giáo theo nghị định 54/2011/NĐ-CP. Theo đó, giáo viên có thời gian biên chế 5 năm thì được hưởng phụ cấp 5% và cứ thêm một năm sẽ được cộng 1% nữa.

Thứ ba, phụ cấp đặc thù cho nhà giáo giảng dạy trong môi trường độc hại, công việc nặng nhọc và dạy trẻ khuyết tật theo nghị định 113/2015/NĐ-CP. 

So với các ngành nghề khác, giáo viên vẫn “ấm” hơn

Nếu được vào biên chế, một giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng với hệ số lương 2,1 nhân với lương tối thiểu 1.300.000 cộng phụ cấp 35% được tổng lương 3.685.000 đồng/tháng. Năm năm sau, hệ số lương là 2,41 cộng phụ cấp thâm niên 5% thì giáo viên này được tổng lĩnh 4.385.000 đồng/ tháng (chưa trừ BHXH, BHYT).

Tính ra, cũng là học ba năm nhưng một cô giáo trình độ cao đẳng lương vẫn cao hơn một y sĩ vì y sĩ hưởng lương hệ số 1,86 lại không có phụ cấp thâm niên. Còn một giáo viên trình độ đại học thì lương tháng cao hơn một bác sĩ vì hơn ở phụ cấp thâm niên (dù học bác sĩ mất 6-8 năm).

Như vậy, nếu so với viên chức văn phòng thì lương tháng của giáo viên cao hơn hẳn.

Giáo viên có nhiều thuận lợi chăm sóc gia đình

Thuận lợi nhất phải kể đến giáo viên tiểu học. Nếu trường nào dạy năm buổi/tuần thì giáo viên sáng đi làm, chiều nghỉ. Nếu trường nào dạy 10 buổi/tuần thì buổi sáng, sau 10 giờ đã được nghỉ, buổi chiều sau 4 giờ 30 đã ra về.

Nói chung về giáo viên thì theo định mức từ 20-23 tiết/tuần. Giờ đây, nhờ soạn bài trên máy tính nên chỉ cần hai tiếng là các thầy cô soạn được một tuần giáo án.Vậy là thời gian dành cho con cái, gia đình tương đối nhiều.

Trong khi đó, các ngành nghề khác mỗi ngày làm đủ tám tiếng. Bác sĩ còn phải trực đêm với thù lao ít ỏi. Công nhân muốn có lương tháng trên 5 triệu phải tăng ca. Thợ hàn, thợ lắp máy nhiều tháng không có việc làm...

Đây là một lợi thế rất quan trọng trong cuộc sống các nhà sư phạm. Có lẽ thế nên con cái họ học giỏi hơn các ngành nghề khác.

Học sư phạm, không mất tiền học phí 

Đây là một vấn đề rất được quan tâm của các gia đình có con thi đại học. Nhất là các phụ huynh ở các tỉnh nghèo như Thanh Hóa, Nghệ an, Hòa Bình, Lào Cai…

Kể cả các tỉnh đồng bằng Bắc bộ như Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương thì học phí sinh viên là vấn đề rất đáng quan tâm.

Một sinh viên Đại học Y mỗi năm mất hơn chục triệu tiền học phí. Tính ra, sáu năm học để thành một bác sĩ thì gia đình phải mất hơn 60 triệu đồng học phí.

Trong khi đó, một giáo sinh sư phạm đào tạo trình độ đại học chỉ có bốn năm, không mất đồng học phí nào. Nếu xin được việc và đi làm thì lương tháng cơ bản ngang nhau. Về lâu dài, giáo viên lương tháng cao hơn nhờ phụ cấp thâm niên. Vấn đề này là một sức hút quan trọng.

Xã hội rất ưa chuộng cô giáo

Đây là một sự thật. Tất cả mọi người trong xã hội đều trọng cô giáo. Trọng vì kiến thức và trọng vì cách ứng xử.

Xã hội ta tôn sư trọng đạo. Chữ "thầy" là con chữ đẹp nhất trong trang vở. Chữ "thầy" được đọc với giọng tha thiết nhất và tiếng "thầy" được thưa với tấm lòng tôn kính nhất.

Đa số chàng trai đều thích lấy vợ giáo viên vì các cô có điều kiện chăm sóc con cái. Cha mẹ nào cũng muốn con trai lấy vợ nhà giáo vì họ nghĩ nàng dâu sau này sẽ đi đứng và ăn nói chuẩn mực, lại có nhiều thời gian dành cho gia đình.

Nếu các chàng trai lấy vợ bác sĩ, y sĩ, họ chỉ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân là chủ yếu vì rất ít thời gian ở nhà.

Nếu lấy vợ nhân viên văn phòng, lương đã thấp lại làm đủ ngày tám tiếng nên không thể đưa đón con cái đến trường học.

Nếu lấy vợ làm công ty liên doanh, kỷ luật lao động hà khắc cộng với tăng ca triền miên là một thiệt thòi lớn cho gia đình…

Nói chung, cô giáo trong gia đình là một hậu phương vững chắc cho các ông chồng. Vì thế, giáo viên luôn đắt chồng và dễ lấy chồng có công ăn việc làm đàng hoàng.

Thế thì tại sao chúng ta không dám cho con cháu thi vào sư phạm?

Điều này rất đơn giản. Tất cả chúng ta đang nhìn thấy cảnh thừa thầy thiếu thợ hiện nay. Trong mỗi làng, mỗi xã đều có bao giáo sinh ra trường phải gác bút đi lao động phổ thông. Nhiều cháu đi xin việc không dám trình bằng sư phạm vì sợ người ta không tuyển.

Một số giáo sinh khác có may mắn hơn được các công ty tiếng Anh, kỹ năng sống hợp đồng dạy thuê ăn lương theo số tiết. Một số khác cắn răng nuốt đắng ký hợp đồng cho nhà trường với mức lương 1-2 chục ngàn/tiết dạy để đi làm khỏi phai phôi kiến thức.

Một số giáo sinh may mắn hơn (hoặc có quen biết, xin xỏ) được ký hợp đồng đàng hoàng với trường công lập và dạy ăn lương theo ngạch bậc. Nhưng hỡi ôi! Cứ hợp đồng hoài mà chẳng biết bao giờ mới trở thành viên chức. Năm năm, bảy năm, 10 năm, thậm chí có giáo viên 15 năm vẫn hợp đồng với mức lương 85% của bậc 1. 

Chỉ cần từng ấy trở ngại và chỉ cần nghe, nhìn, chứng kiến các giáo sinh ra trường bí tắc, tuyệt vọng trong công việc, chúng ta có dám cho con cháu học sư phạm hay không.

Mấy ngày nay, truyền thông và độc giả đang sốc vì các trường sư phạm điểm vào chạm đáy sàn. Xã hội lo lắng cho tương lai con em chúng ta vì lực lượng giáo viên sau này trình độ sẽ non kém. Biết bao lời lý giải cho hiện tượng này.

Đọc các dòng phân tích trên, chắc bạn đọc sẽ nhất trí rằng các con chúng ta không thi sư phạm không phải vì chúng ta chê lương thấp mà tất cả vì tuyệt vọng đầu ra.

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
TÙNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên