Một số bà con ở Tiền Giang nghĩ rằng ăn thịt cóc bổ, mát, trị suy dinh dưỡng nên thường cho các cháu nhỏ ăn. Nguồn thịt cóc được cung cấp chủ yếu tại chợ Thạnh Trị, TP Mỹ Tho. Một số quán ăn ở đường Lý Thường Kiệt B, TP Mỹ Tho chế biến thành nhiều món như đùi cóc chiên nước mắm, cóc rang me, cóc xào sả ớt, cháo cóc nấu đậu xanh.
Ở loài cóc, các tuyến trên da bài tiết ra chất nhầy màu trắng, dính như keo gọi là nhựa cóc, đồng thời trong trứng, gan và mật cóc chứa rất nhiều chất độc gọi là bufotoxine, là chất độc cực mạnh đủ gây chết người với một liều lượng thật nhỏ. Ngoài ra một số loài cóc còn tiết ra độc tố tetrodotoxine (giống độc tố cá nóc) thông qua cơ chế cộng sinh với vi khuẩn.
Khi ăn phải chất độc của cóc, sau vài giờ nạn nhân thấy chóng mặt, quay cuồng, đau như châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân, tiếp theo là ói mửa dữ dội, kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, nhịp tim đập chậm lại, tuột huyết áp. Phần lớn tử vong do rối loạn dẫn truyền thần kinh tim không hồi phục. Một số trường hợp xuất hiện suy thận cấp, suy gan.
Một số tài liệu đông y có đề cập thịt cóc là nguồn dinh dưỡng rất giàu đạm, chữa bệnh suy dinh dưỡng trẻ em. Nếu sản phẩm thịt cóc có chứng nhận của cơ quan hữu quan mới được sử dụng an toàn. Còn nếu thịt cóc được chế biến từ một cơ sở chưa có giấy phép kinh doanh mặt hàng này, hoặc người tiêu dùng tự chế biến đều được coi là không an toàn, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Điều đáng nói ở đây là trẻ em suy dinh dưỡng, người già suy nhược cơ thể rất dễ nhạy cảm với chất độc. Một con cóc có thể giết chết 4-5 người khỏe mạnh.
Nếu chẳng may tay chân, niêm mạc mắt, miệng… dính nhựa da cóc cần nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc nhiều lần bằng nước sạch. Nếu vùng da có cảm giác rát bỏng hoặc sưng phồng thì đưa nạn nhân đi bệnh viện ngay. Nếu ăn thịt cóc có chất độc phải nhanh chóng kích thích cho nạn nhân nôn ói càng sớm càng tốt, sau đó đưa vào bệnh viện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận