Nói cho ngay, khế vẫn là loại trái cây tốt đối với đa số mọi người vì chứa nhiều khoáng chất vi lượng như Can-xi, sắt, natri, các vitamin C, K, A, C, B1, B2, chất chống ô-xy hóa flavonoids và chất xơ hòa tan. Nhờ đó, khế có tác dụng hỗ trợ chống viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa, giảm đường huyết, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim mạch, huyết áp…Tuy nhiên, đây là món tối kỵ đối với người chức năng thận bị suy giảm.
Tăng nguy cơ tạo sỏi tiết niệu
Trong khế có nhiều a-xít oxalic, chất tăng nguy cơ tạo sỏi tiết niệu nếu ăn thường xuyên. Do vậy, những người có tiền sử bệnh hoặc đang bị bệnh thận, đang có sỏi thận, sỏi tiết niệu… tốt nhất nên tránh ăn nhiều khế để hạn chế nguy cơ tái phát sỏi, sỏi phát triển lớn gây đau, viêm đường tiết niệu…
Nếu yêu thích khế, có thể ăn ghém một vài lát khế tươi đã được ngâm, rửa kỹ, luộc sơ bỏ nước để giảm lượng a-xít oxalic.
Ngộ độc thần kinh, suy thận vì nước ép khế
Điều khiến người ta nổi da gà nhất ở khế là việc loại quả này có chất độc thần kinh caramboxin khiến người ăn vào bị đau đầu, ói mửa, tím tái, co giật, thậm chí hôn mê và diễn tiến nguy hiểm tính mạng nếu người ăn không thể đào thải được chất này.
BS. CKI Lê Thị Thùy Dương, Khoa Lọc máu - Nội thận, Bệnh viện Bình Dân cho biết, khoa từng tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp ngộ độc sau ăn khế. Điển hình là trường hợp ông P.V.L. (63 tuổi, Cần Thơ), do nghe nói ăn khế giảm đau khớp, ông đã tiêu thụ tổng cộng 8 kg khế, được chế biến thành món nước ép trong 3 ngày liên tiếp. Tới ngày thứ 4, ông nhức đầu, nôn ói, run chân, phù toàn thân và huyết áp tăng cao.
Các bác sĩ chẩn đoán ông L. bị tổn thương thận cấp do ăn khế và phải lọc máu điều trị. Rất may, chức năng thận của ông L. đã hồi phục. Sau một phen thất kinh hồn vía, ông L. đã tự nguyện loại bỏ hoàn toàn món ăn từ khế ra khỏi khẩu phần ăn.
Theo bác sĩ Thùy Dương, với người có chức năng thận bình thường, khi ăn khế, chất sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể. Nhưng người bị rối loạn chức năng thận, suy thận có thể gặp nguy hiểm vì khi ăn quá nhiều khế, thận tăng cường lọc dẫn tới suy thận cấp. Thêm vào đó, lượng độc chất không được lọc ra hết lại khiến người bệnh ngộ độc thần kinh, bắt đầu nhức đầu, ói mửa, rơi vào nguy kịch…như trường hợp của ông L.
Do đó, người có vấn đề về chức năng thận nên trao đổi với bác sĩ về loại thực phẩm nên và không nên ăn. Không nên có suy nghĩ là thực phẩm tự nhiên, sản phẩm “nhà làm”, “nhà trồng” thì có thể ăn thoải mái, vì bản thân nhiều loại thực phẩm lành tính với người này nhưng lại có thể gây độc cho người khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận