Ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ngày 4-9, ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), đã có những trao đổi với Tuổi Trẻ Online xoay quanh vụ ngộ độc patê Minh Chay.
Cục trưởng Nafiqad khẳng định doanh nghiệp là đơn vị chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quan Nhà nước là đơn vị giám sát các tiêu chuẩn, nếu doanh nghiệp sơ suất thì khuyến nghị để doanh nghiệp sửa, nếu cố tình vi phạm thì sẽ xử lý.
'Các nước tiên tiến vẫn có, không thể tránh khỏi'
*Ông có quan điểm như thế nào về vụ việc hàng loạt người dân ngộ độc do nhiễm vi khuẩn clostridium botulinum type B sau khi ăn patê Minh Chay?
- Các nước tiên tiến vẫn có sự cố tương tự như ngộ độc patê Minh Chay, không thể tránh khỏi. Chúng ta luôn cố gắng làm sao để ít xảy ra. Còn khi xảy ra, phải cố gắng xử lý nhanh chóng, hiệu quả để bảo vệ sức khỏe người dân và tránh tái diễn.
Khi xảy ra sự cố, ngành nông nghiệp cũng đã chủ động vào cuộc phối hợp cùng ngành y tế một cách nhanh nhất.
Ưu tiên đầu tiên là bảo vệ sức khỏe nhân dân, thứ hai sớm thu hồi đầy đủ và xử lý triệt để sản phẩm không an toàn, cuối cùng là điều tra nguyên nhân lây nhiễm để tránh tái phạm.
* Ngành nông nghiệp có trách nhiệm như thế nào trong vụ việc này, thưa ông?
- Sản phẩm được sản xuất, phân phối bởi Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới do ngành nông nghiệp quản lý mà trực tiếp là Sở NN&PTNT Hà Nội. Ngay khi có sự cố, Bộ NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo sở phối hợp với ngành y tế, đồng thời yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức thanh tra.
Trước mắt, Sở NN&PTNT Hà Nội đã rút giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, rút giấy hiệu lực xác nhận công bố chất lượng sản phẩm và đình chỉ sản xuất.
Sau khi điều tra, cơ sở sản xuất Minh Chay có 13 sản phẩm, trong đó có sản phẩm patê Minh Chay vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên 12 sản phẩm còn lại đều có nguy cơ cao nên chúng tôi yêu cầu phải triệu hồi toàn bộ.
Ngành nông nghiệp đang yêu cầu doanh nghiệp triệu hồi toàn bộ sản phẩm kinh doanh từ khách hàng, phân phối, đại lý... Đồng thời, cục cũng vào cuộc gửi văn bản yêu cầu sở nông nghiệp các tỉnh thành khẩn trương thu hồi, xử lý các sản phẩm.
* Theo ông, nguồn lây nhiễm vi khuẩn clostridium botulinum type B trong patê Minh Chay xuất phát từ đâu?
- Vi khuẩn clostridium botulinum là loại vi khuẩn kỵ khí nên sẽ có khả năng sinh sôi, phát triển tốt trong các sản phẩm đóng kín, đặc biệt là đồ hộp.
Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến sản phẩm bị nhiễm clostridium botulinum, do nguyên liệu, do chế biến, do bảo quản, do vận chuyển... Tuy nhiên quan trọng là phải xác định nguồn nhiễm từ khâu nào.
Hiện cơ quan chức năng và doanh nghiệp đang xem lại toàn bộ hồ sơ, đánh giá khoa học, tất cả các yếu tố cấu tạo đều có thể gây ra để xử lý dứt điểm. Theo nhận định, khả năng lớn vi khuẩn clostridium botulinum xâm nhập từ nguyên liệu đã có hoặc khâu chế biến.
3 ngành quản lý 1 sản phẩm: 'Hợp với điều kiện Việt Nam'
* Dư luận cho rằng 3 ngành: y tế, công thương, nông nghiệp cùng quản lý một sản phẩm và khi xảy ra thì có hiện tượng ‘đá’ trách nhiệm. Là một trong những ngành trực tiếp quản lý, ông có quan điểm như thế nào?
- Đầu tiên phải khẳng định vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trên thế giới không một cơ quan nào một mình có thể làm được. Như Đảng và Chính phủ chỉ đạo, phải kêu gọi toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Theo nguyên tắc như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói là phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ.
Đến thời điểm bây giờ không phải một cơ quan làm mà cả 3 cơ quan cùng vào cuộc theo phân công và phối hợp chặt chẽ. Chúng ta thấy cả ngành y tế và nông nghiệp đều có văn bản vào cuộc tích cực để giải quyết.
Về chuyện 'đá' trách nhiệm, theo phân công của Nhà nước, ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm quản lý cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến và các chợ đầu mối. Các chợ, siêu thị, bán lẻ... do ngành công thương quản lý. Còn khi lên bàn ăn, nhà hàng... thì ngành y tế quản lý. Khi lỡ xảy ra ngộ độc thực phẩm thì ngành y tế sẽ là đầu tàu xử lý ngộ độc chứ ngành nông nghiệp không thể xử lý được.
Tôi cho rằng phân công hiện hành phù hợp với điều kiện phát triển Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đương nhiên cái gì cũng có ưu điểm, nhược điểm và vẫn có những thách thức nếu như ba bộ ngành không phối hợp nhịp nhàng.
Sự cố ngộ độc thực phẩm khác với vi phạm an toàn thực phẩm. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì ngành y tế phải chủ trì, còn ngành nông nghiệp theo trách nhiệm quản lý chỉ đi kiểm tra nhà máy, nếu phát hiện vi phạm thì ngành nông nghiệp sẽ xử lý, còn nếu phát hiện sai phạm ở lưu thông, phân phối thì ngành nông nghiệp phối hợp với ngành công thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận