Theo Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, ngày 11-7 bệnh viện tiếp nhận 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đến trong tình trạng suy gan cấp, theo dõi ngộ độc nấm loại chứa độc tố amatoxin.
Qua khai thác tiền sử từ người nhà bệnh nhân được biết ngày 10-7, chị B.T.N. (Hà Giang) đi rừng hái nấm về cho cả nhà ăn. Bữa cơm có 5 người (3 người lớn và 2 trẻ nhỏ - một cháu 3 tuổi và một cháu 5 tuổi).
Đến sáng hôm sau (khoảng 12 tiếng sau ăn), các thành viên xuất hiện đau bụng, nôn mửa, mệt mỏi nên được nhập viện.
Một cháu nhỏ bị ngộ độc nặng đã tử vong và cháu nhẹ hơn hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Còn 3 người lớn được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, 3 người nhập viện gồm bố mẹ và bác của 2 cháu nhỏ.
Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan cấp, chỉ số men gan cao gấp 200 lần bình thường, rối loạn đông máu. Ngoài ra, có biểu hiện suy thận, hậu quả của tình trạng suy gan rất nặng nề.
Mặc dù các bệnh nhân được theo dõi, điều trị tích cực nhưng 2 người đã tử vong trong đêm 19-7. Hiện chỉ còn chị N. có tiến triển tốt hơn.
Theo bác sĩ Nguyên, sai lầm của người dân khi cho rằng những cây cỏ, lá, thảo mộc ngoài tự nhiên là an toàn, lành tính. Tuy nhiên không phải vậy, nhiều loại cây cỏ, nấm rất độc. Loại nấm trông ngon nhất, hấp dẫn nhất, nhìn lành tính nhất lại chính là loại nấm độc nhất.
"Người dân không tự ý hái các loại nấm hoang dại để ăn. Cán bộ tại các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền tới người dân đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, ít được tiếp cận các thông tin truyền thông sức khỏe về tác hại của nấm độc", bác sĩ Nguyên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận