28/05/2019 16:17 GMT+7

Ngộ độc Botulism ở trẻ em

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Ngộ độc Botulism là bệnh ngộ độc thực phẩm mang tính chất cấp tính rất nặng, nó phá hủy thần kinh trung ương và gây tử vong cao.


Ngộ độc Botulism ở trẻ em - Ảnh 1.

Không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi ăn mật ong. Ảnh: parenting.firstcry.com

Ngộ độc Botulism gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên là Clostridium botulinum. Loại vi khuẩn này tồn tại trong thực phẩm không được bảo quản một cách hợp lý và sinh ra độc tố gây ngộ độc cho con người khi ăn phải loại thực phẩm này.

Ngộ độc thịt ở trẻ em xảy ra chủ yếu ở đối tượng trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trẻ khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm bào tử C. botulinum, vi khuẩn sẽ xâm nhập và phát triển trong ruột đồng thời sản sinh ra các độc tố gây ngộ độc cho cơ thể.

Nguồn gây nhiễm vi khuẩn rất đa dạng, chúng có thể tồn tại trong đất, trong bụi lơ lửng trong không khí hoặc nhiễm vào thực phẩm. Mật ong cũng là nơi sinh sống ưa thích của các bào tử vi khuẩn, do vậy không nên sử dụng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Một dạng bệnh khác có tên là nhiễm trùng Botulism xảy ra khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn C. botulism vào vết thương. Trong một số trường hợp, bào tử sẽ phát triển tại vết nhiễm trùng, tạo ra độc tố rồi xâm nhập vào máu.

Dấu hiệu và triệu chứng

Những người bị ngộ độc Botulism từ thực phẩm có các triệu chứng diễn biến rất nhanh.

Khởi đầu, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, mất trương lực cơ lan dần khắp cơ thể. Ngoài ra có thể xuất hiện các triệu chứng như:

- Nhìn mờ, nhìn đôi;

- Khô miệng;

- Sụp mí mắt;

- Khó nuốt và khó khăn khi nói.

Các nội độc tố vi khuẩn có thể gây tê liệt thân thể, cánh tay, chân và hệ hô hấp. Các triệu chứng thường khởi phát sớm sau khi ăn thức ăn bị nhiễm độc, trong vòng từ 12 - 48 giờ.

Các triệu chứng ngộ độc ở trẻ sơ sinh có thể từ nhẹ cho tới nghiêm trọng, thường là:

- Táo bón;

- Tiếng khóc nghe yếu ớt;

- Mất biểu hiện trên khuôn mặt;

- Giảm phản xạ nôn;

- Ăn chậm;

- Toàn thân trở nên yếu ớt.

Thời gian ủ bệnh ở trẻ sơ sinh là từ 3 - 30 ngày sau khi tiếp xúc với bào tử vi khuẩn.

Chẩn đoán

Bác sĩ thường chẩn đoán trẻ bị ngộ độc vi khuẩn C. botulinum dựa trên xét nghiệm tìm độc tố trong phân, dạ dày hoặc thực phẩm trẻ đã ăn. Để chẩn đoán nhiễm C. botulinum tại vết thương, mẫu sinh thiết da sẽ được kiểm tra tại phòng xét nghiệm.

Điều trị

Hầu hết các biện pháp điều trị ngộ độc Botulism đều là hỗ trợ phục hồi chức năng. Trẻ em cần được nhập viện để theo dõi và điều trị. Trong thời gian này, trẻ sẽ được chăm sóc về dinh dưỡng đặc biệt, thông và làm sạch đường dẫn khí và theo dõi các vấn đề về hô hấp.

Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể tiêm cho trẻ một mũi kháng độc tố có tác dụng chống lại nội độc tố vi khuẩn trong máu. Biện pháp này có thể giúp làm giảm các triệu chứng khi được thực hiện sớm đối với các bệnh nhiễm trùng.

Các thuốc kháng sinh không phải lúc nào cũng có hiệu quả trong tất cả các trường hợp bị ngộ độc Botulism, tuy nhiên chúng có thể được sử dụng để tránh nhiễm trùng nặng trong trường hợp nhiễm vi khuẩn tại vết thương.

Trường hợp bệnh diễn biến nặng, trẻ có thể phải thở máy và cung cấp dinh dưỡng qua ống thông hoặc truyền tĩnh mạch.

Tiên lượng bệnh

Hầu hết trẻ em đều có thể hồi phục hoàn toàn sau khi bị ngộ độc Botulism nếu được điều trị kịp thời, thông thường sẽ mất khoảng vài tuần cho tới vài tháng.

Trong trường hợp bệnh không được điều trị, các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm sẽ diễn tiến đến một giai đoạn nặng khiến cho các cơ hô hấp bị tê liệt dẫn đến tử vong do suy hô hấp.

Phòng ngộ độc Botulism

Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics - AAP) khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên sử dụng mật ong cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Để phòng tránh ngộ độc Botulism, việc chế biến thức ăn nên tuân thủ theo các hướng dẫn sau:

- Luộc, nấu thức ăn trong khoảng 10 phút đủ để loại bỏ nội độc tố vi khuẩn.

- Không cho trẻ ăn những loại thực phẩm sắp có dấu hiệu hỏng.

- Loại bỏ những hộp thức ăn bị phồng lên do chúng có thể chứa khí sinh ra bởi C.botulinum.

Hiện tại chưa có vaccine đặc hiệu phòng ngộ độc Botulism, do vậy biện pháp chủ yếu là phòng bệnh./.

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên