Nhiều ngành, nhiều người lại dốc sức đi tìm nguyên nhân ngộ độc bánh mì và quy trách nhiệm.
Mà ngộ độc bánh mì đâu phải mới diễn ra.
Tháng 9-2023, số người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng ở TP Hội An (Quảng Nam) lên tới 91 người, trong đó có 34 người nước ngoài.
Trung tâm Y tế TP Hội An kiểm tra cho thấy 10 loại thực phẩm danh mục chế biến của cơ sở này được lấy từ nhiều nguồn khác nhau nhưng đa số không có hợp đồng, không lưu giữ giấy tờ về an toàn thực phẩm của các cơ sở cung cấp nguyên liệu.
Ngành y tế cho hay, theo quy định, những hộ gia đình kinh doanh các loại thực phẩm trên được trạm y tế phường xã, quận huyện cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, họ bán với quy mô 1.000 - 2.000 ổ bánh mì cũng rất khó kiểm soát và đây "là điều bất cập".
Ngành y tế, chính quyền khuyến khích người dân sử dụng thức ăn có nguồn gốc là một chuyện, nhưng người bỏ tiền ra mua đồ ăn đâu phải ai cũng biết thức ăn đó có an toàn hay không.
Nên nhớ ở VN ổ bánh mì (kẹp thịt, chả, trứng...) là hiện thân của thức ăn đường phố. Hợp túi tiền, dễ mua, dễ ăn... nên nó nhan nhản ở hàng trăm con đường dẫn vào các khu công nghiệp, nhà máy trên cả nước. Nhưng ai dám chắc những nguyên liệu bơ, chả, thịt, đồ chua... trong ổ bánh mì đó đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được lưu mẫu ở các điểm bán hàng, cơ sở kinh doanh?
Ngành y tế quy định thức ăn chế biến phải lưu mẫu, có nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu chế biến nhưng sau khi cấp giấy chứng nhận có bao nhiêu cơ sở kinh doanh được chính quyền giám sát, kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào?
Chỉ sau khi vỡ lở các vụ ngộ độc, câu trả lời ở y tế cơ sở vẫn là thiếu người, thiếu kinh phí, năng lực xét nghiệm hạn chế, cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy định... nên vẫn còn xảy ra ngộ độc.
Từ vụ ngộ độc ở Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện cảnh báo số người mắc ngộ độc thực phẩm vẫn còn nhiều và cần tìm giải pháp để chấn chỉnh. Riêng năm 2023 toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ làm trên 2.100 người bị ngộ độc và làm 28 người tử vong...
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng". Ngành y tế với vai trò "tư lệnh" ngành phải tính toán lại việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ hơn để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh, vừa đảm bảo sức khỏe cộng đồng, người dân.
Nếu không quyết liệt chấn chỉnh, giải quyết rốt ráo những lỗ hổng trong quản lý thì những chuyện ngộ độc tập thể vẫn có thể tái diễn bất cứ lúc nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận