Xe
16/04/2025 17:00 GMT+7

Ngõ cụt của AION tại Việt Nam, tương lai nào cho GAC?

Chuyên gia đánh giá, việc đại lý duy nhất của AION không còn cho thấy thương hiệu chưa thành công trong việc thâm nhập thị trường Việt. Trong khi thương hiệu cùng tập đoàn là GAC đang tập trung vào xe MPV sẽ khó cạnh tranh.

GAC - Ảnh 1.

Chuyên gia ô tô, nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh - Ảnh: HOÀNG VŨ

Trong chương trình Trên Ghế ngày 15-4, nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh đã đưa ra những nhận định sâu sắc về tình cảnh của AION và GAC ở Việt Nam.

AION có thể hoạt động cầm chừng

* Mặc dù AION xác nhận vẫn đang hoạt động và kinh doanh tại Việt Nam, nhưng đại lý duy nhất đã chuyển sang bán một thương hiệu khác. Anh đánh giá như thế nào về điều này?

- Thực ra, cách làm của AION không mới. Năm 2023-2024, rất nhiều hãng xe Trung Quốc chọn xe điện để vào Việt Nam. Việc cạnh tranh xe điện tại Việt Nam rất khó vì trạm sạc còn hạn chế trong khi VinFast đang chiếm thị phần rất lớn.

GAC - Ảnh 2.

Thời điểm vào Việt Nam, AION gặp phải rất nhiều khó khăn, từ tâm lý tiêu dùng đến hệ thống phân phối. Ở nước ta, AION phân phối thông qua Harmony, cũng là một nhánh của công ty Trung Quốc. Như vậy ở một góc độ nào đó, thương hiệu này đang tự xây dựng kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam.

Lịch sử cho thấy, một thương hiệu khó thành công ở Việt Nam nếu không có đối tác. Các đối thủ từ Mỹ, Nhật, châu Âu đã có 20-30 năm ở Việt Nam nên rất thấu hiểu thị trường và có tệp khách hàng riêng.

Các hãng xe lớn đều có cách để "đề phòng sự cạnh tranh mới". Họ chuẩn bị sẵn ngân sách cho những chiến dịch khuyến mãi, chọn các đối tác có hệ thống phân phối mạnh.

Vì thế những hãng xe mới như AION rất khó trong việc tìm kiếm đối tác phân phối. Các đối tác mạnh sẽ chọn các hãng mạnh. Các hãng xe mạnh vào trước đã giành được những đối tác lớn. Khi các hãng xe Trung Quốc vào Việt Nam chỉ còn cách chọn những đối tác nhỏ hơn.

GAC - Ảnh 3.

Tiếp theo, điểm yếu ở AION là mẫu xe không phổ biến nên rất khó thu hút khách hàng. Chiến dịch truyền thông, xây dựng hình ảnh có phần dè dặt.

Điều này khiến cộng đồng chỉ nhìn thấy "lại thêm một thương hiệu Trung Quốc", thay vì là một điểm nhấn đáng chú ý nào khác.

* Anh dự đoán như thế nào về số phận của AION tại Việt Nam?

- Theo nguồn tin nội bộ tôi có được, AION Việt Nam và Harmony đều xác nhận hiện không có đại lý. Tuy nhiên họ vẫn có pháp nhân ở đây nên hoàn toàn có thể mở đại lý mới nếu thị trường cho phép. Vì thế việc đại diện hãng nói rằng vẫn đang hoạt động tại Việt Nam là không sai.

Nhưng việc đại lý duy nhất không còn cũng cho thấy nỗ lực xâm nhập thị trường không thành. Việc đại lý chuyển sang kinh doanh thương hiệu khác là hợp lý, bởi họ cần chọn một thương hiệu khả thi và có lối đi.

GAC - Ảnh 4.

GAC - Ảnh 6.

Mua xe cần nhìn vào nhà phân phối

* Việc AION đóng cửa đại lý sẽ gây tâm lý hoang mang cho những người có ý định mua xe Trung Quốc nói chung. Họ sợ rằng sau AION sẽ có những thương hiệu khác dừng giữa chừng. Anh có thể nói gì với những khách hàng này?

- Việc mua xe Trung Quốc cũng giống như mua xe của bất kỳ thương hiệu nào khác.

Thứ nhất, phải nhìn vào đơn vị kinh doanh. Nhiều người nghĩ rằng họ đang mua xe từ hãng nhưng thực tế đơn vị bán xe là đại lý. Nếu một thương hiệu Trung Quốc có đối tác lớn, vững vàng tại Việt Nam là một tín hiệu tốt.

Thứ hai, hãy nhìn vào cách họ đưa sản phẩm và xây dựng thương hiệu ở Việt Nam. Nếu một thương hiệu quyết tâm "xâm chiếm" thị trường, họ sẽ xây showroom, tuyển dụng nhân lực, đào tạo, tạo ra những hệ thống phân phối chuyên nghiệp.

Thứ ba, hãy nhìn vào cách họ tương tác với người tiêu dùng. Có những hãng chỉ tập trung bán hàng thông qua những đối tác nhà phân phối. Nhưng cũng có những hãng xe chăm lo đến dịch vụ hậu mãi, mở rộng các mạng lưới cung cấp dịch vụ, phụ tùng…

Nếu có 3 yếu tố đó, có thể tin tưởng rằng hãng xe đó có quyết tâm gắn bó thị trường Việt Nam.

GAC - Ảnh 7.

GAC còn cơ hội

* Ở Trung Quốc, AION và GAC chung một tập đoàn, nhưng ở Việt Nam do 2 nhà phân phối khác nhau bán ra thị trường. Khó khăn của AION sẽ tác động như thế nào với GAC tại Việt Nam?

- GAC được phân phối bởi Tan Chong - nhà phân phối có hơn một thập kỷ gắn bó với Việt Nam, trước đây làm Nissan và MG.

So với những ông lớn khác, Tan Chong có thể là một điểm yếu. Nhưng so với mặt bằng chung các nhà sản xuất Trung Quốc, GAC chọn Tan Chong là một lợi thế.

Tan Chong đã rất thành công với MG. Nếu GAC có những sản phẩm gần gũi với số đông, với kinh nghiệm và mạng lưới cung ứng, kinh doanh, Tan Chong sẽ giúp thúc đẩy GAC.

Hiện nay các mẫu xe GAC tập trung nhiều vào xe thương mại, xe phục vụ vận tải hành khách. Chúng ta chưa thể đánh giá về khả năng thành công của hãng, khi thị trường có đến 20 mẫu xe MPV. Việc cạnh tranh với những tên tuổi như Mitsubishi Xpander hay VinFast Limo Green trong trương lai là không dễ.

GAC - Ảnh 8.

* Cảm ơn anh rất nhiều.

Chương trình Trên Ghế được phát sóng trên HTV9 lúc 18h10 từ thứ 2 đến thứ 7 và phát lại lúc 20h00 trên đa nền tảng VCCorp.

Ngõ cụt của AION tại Việt Nam, tương lai nào cho GAC? - Ảnh 10.Bloomberg: 'Đại lý VinFast 20 khách/ngày, showroom xe Trung Quốc cách đó vài km im ắng lạnh tanh'

Thị trường xe điện Đông Nam Á đầy tiềm năng nhưng cũng lắm thách thức với các hãng xe Trung Quốc. Từ giá cả, trạm sạc, tâm lý người tiêu dùng đến những thương hiệu từ xe Nhật như Toyota, đến nội địa như VinFast đều là những rào cản khó vượt qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên